Bạn đọc viết:

“Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ”

(Dân trí) - Thay vì thuyết trình trên bục giảng, có sinh viên lại cầm nguyên cuốn tiểu luận (cũng đã được nộp cho giảng viên) đứng đọc trước lớp. Giáo sư của chúng tôi lúc đó đã lập tức lên tiếng phê bình: “Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ”. Câu nói thẳng thắn của thầy làm tôi nhớ mãi đến sau này.

Qua bài viết “Khắc phục tình trạng giáo dục mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” của tác giả M.Hà và “Thuận tay trái là có lỗi ư?” của tác giả Thùy Mai, tôi hoàn toàn đồng cảm.

Là thế hệ cuối 8X, đầu 9X, chúng tôi đã được thụ hưởng nền giáo dục có nhiều khác biệt so với ngày nay. Tuy nhiên, trải qua quá trình học tập và làm việc, tôi nghiệm ra những mặt trái của nền giáo dục “cho mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” - theo như cách nói hình tượng của GS Đinh Quang Báo.

Đó là nền giáo dục cho ra những sản phẩm rất giống nhau, tức là học sinh, sinh viên nhìn chung là thụ động, kém về khả năng thuyết trình, sự sáng tạo và năng lực, tư duy phản biện trước đám đông.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm cách đây khoảng chục năm khi còn đang học đại học. Đó là một buổi thuyết trình về đề tài tiểu luận đã được giao cho sinh viên chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, thay vì thuyết trình trên bục giảng, có sinh viên lại cầm nguyên cuốn tiểu luận (cũng đã được nộp cho giảng viên) đứng đọc trước lớp. Giáo sư của chúng tôi lúc đó đã lập tức lên tiếng phê bình: “Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ”.

Câu nói thẳng thắn của thầy làm tôi nhớ mãi đến sau này. Phải chăng là do từ khi còn học THPT, chúng tôi đã được dạy kiểu “văn mẫu” và gần như chưa bao giờ dám đứng lên tranh luận và thể hiện ý kiến của mình, nên khi vào đại học, khả năng thuyết trình, cũng như tư duy phân tích, phản biện của chúng tôi cũng rất kém.

Sau này đi làm, trải qua môi trường công việc nhà nước, tôi cũng thấy đâu đó những con người na ná giống nhau, với tư cách là sản phẩm của giáo dục “cho mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc”. Nếu để ý trong những buổi tổng kết, sơ kết thì sẽ thấy, đầu tiên là một vị lãnh đạo nào đó sẽ đứng lên đọc hàng chục trang báo cáo dài lê thê, trong khi tài liệu cũng đã phát đến tay đại biểu. Trên bục, lãnh đạo đọc báo cáo thì cứ đọc, đại biểu bên dưới ngồi nói chuyện thì cứ nói. Rất mất thời gian nhưng lại không giải quyết được việc gì. Những lúc như vậy, tôi hay nhớ đến câu nói của Giáo sư đại học: “Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ”.

Triết lý của ngành giáo dục như nào thì sẽ cho ra chất lượng nguồn nhân lực thế ấy. Tính đối thoại, tranh luận để tìm ra nguyên nhân và bản chất của vấn đề gần như không có trong những buổi họp như vậy.

Hệ quả của nền giáo dục “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” còn ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn môn học của học sinh. Nhiều phụ huynh khi định hướng cho con học hành thì lại mang suy nghĩ, con trai thì phải học toán, còn con gái thì học văn! Phải chăng, từ bé chúng ta được học văn theo kiểu chỉ cần học thuộc, học theo văn mẫu, nên chỉ phù hợp cho con gái chân yếu tay mềm. Kể cũng lạ! Cho dù bạn có học gì đi chăng nữa mà ra trường đến một cái hồ sơ xin việc không viết nổi thì cũng vứt. Nếu bạn có trở thành lãnh đạo mà một công văn cũng không biết diễn đạt như thế nào thì lãnh đạo ai. Học văn không chỉ cần có ngôn từ phong phú, mà còn phải học cách tư duy, phát triển ý tưởng và sự logic.

Nói như vậy để thấy rằng, nền giáo dục “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” thì cũng sẽ cho ra sản phẩm giáo dục bàng bạc, giống nhau, không thể phát huy được thế mạnh của học sinh, cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực kém cho xã hội.

Nguyễn Thảo

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!