TPHCM: 80% trẻ mầm non thường xuyên được nghe đọc sách vào năm 2020

(Dân trí) - 80% trẻ mầm non được nghe đọc sách, 100% trường mầm non có thư viện.. là mục tiêu TPHCM đưa ra trong kế hoạch thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2030 ngành GD-ĐT.

Cụ thể, TPHCM kỳ vọng đến năm 2020, 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 80% trẻ mầm non được tiếp cận và thường xuyên nghe đọc sách, giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sách và hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ.

90% học sinh, sinh viên có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

TPHCM: 80% trẻ mầm non thường xuyên được nghe đọc sách vào năm 2020 - 1

Học sinh tiểu học ở TPHCM đọc sách tại trường (Ảnh: Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học)

Định hướng đến năm 2030 có 100% học sinh, sinh viên có thói quen đọc sách, có kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin tại nơi sinh sống và học tập.

Về tăng cường hoạt động thư viện trường học, giáo dục TPHCM phấn đấu 100% cơ sở giáo dục có thư viện hoạt động hiệu quả, trong đó 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện; 50% cơ sở giáo dục phổ thông có tủ sách lớp học; 80% thư viện của các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục có đủ vốn tài liệu chuyên sâu.

Để thực hiện kế hoạch, ngành Giáo dục thành phố đặt ra những giải pháp về tuyên truyền, phát triển mạng lưới thư viện trường học, đổi mới hoạt động thư viện, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc...  

Đối với các trường mầm non, Sở yêu cầu giáo viên cần dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.

Vào tháng 4/2019, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM có công văn gửi Sở GD-ĐT và Sở Văn hóa - thể thao TPHCM về việc phối hợp kiến nghị với lãnh đạo UBND T.HCM một số giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường và xã hội. Theo đó, xin thành phố chủ trương đưa "tiết đọc sách" vào hệ thống chương trình giáo dục, bắt đầu bằng việc tí điểm tại mốt trường tiểu học ở địa bàn. 

Hoài Nam