Tranh cãi hiện tượng Khá "bảnh” vào đề Văn học sinh giỏi

(Dân trí) - Đề thi học sinh giỏi môn Văn, lớp 11, Trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng đưa hiện tượng Khá "bảnh" đã dẫn đến rất nhiều ý kiến trái chiều.

Đề thi ở câu nghị luận xã hội chiếm 3/10 điểm đưa ra hiện tượng Khá "bảnh" với đời tư bất hảo nhưng vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái. 
 
Tranh cãi hiện tượng Khá bảnh” vào đề Văn học sinh giỏi - 1
 

Từ trích dẫn thông tin qua báo chí, đề đề cập đến Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) nổi tiếng với điệu "múa quạt", rồi những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, livestream nói tục, chửi thề, làm phim ngắn về "tình nghĩa giang hồ", dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc... 

Tuy đời tư bất hảo nhưng Khá "bảnh" có lượng "fan" hâm mộ hùng hậu, lượt theo dõi Facebook, trên youtube "khủng". Hình ảnh lan truyền khi Khá "bảnh" xuất hiện ở gần một trường học thì học trò và cả người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký, được chào đón như thần tượng. 

Từ thông tin này, đề thi yêu cầu học sinh viết một bài văn ngắn về hiện tượng Khá "bảnh". 

Theo ý kiến nhiều người, đề thi đưa ra một hiện tượng "nóng" và cũng gây nhức nhối cho xã hội là việc hâm mộ, thần tượng các "giang hồ mạng", các thành phần bất hảo. Mục đích của người ra đề nhằm để phê phán, qua đó để học sinh bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận của mình về hiện tượng này để rút ra những bài học cho bản thân. 

Tuy nhiên, cũng nhiều người phản ứng, dù mang ý nghĩa phê phán nhưng việc đưa nhân vật, hiện tượng này vào đề thi thiếu giá trị văn học, gây sự phản cảm, hời hợt. Và dù muốn hay không theo cách nào đi nữa thì đề thi đã vô tình "lăng xê" nhân vật này, hình tượng này trong giới trẻ. 

 
Tranh cãi hiện tượng Khá bảnh” vào đề Văn học sinh giỏi - 2

Hiện tượng Khá "bảnh" xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi lớp 11 ở Hải Phòng gây tranh cãi 

 

Ông Phạm Phúc Thịnh, giáo viên ở TPHCM bày tỏ, có thể giáo viên chọn nội dung này vì nghĩ rằng đây là hiện tượng thực tế trong đời sống xã hội. Có thể thấy, giáo viên là người mang tư duy đổi mới nhưng việc đưa  một nhân vật như Khá Bảnh vào đề thi - dù là với ý phê phán - là không nên. Nó cũng giống như trào lưu đưa Ngọc Trinh, Bà Tưng... hay các nhân vật "tai tiếng" khác vào đề thi. 

Ông Thịnh đặt câu hỏi, nhân vật này là gì mà học sinh phải bận tâm tìm hiểu? Ngoài ra, có thể gây hiệu ứng ngược là sau kỳ thi, nhiều em sẽ lục lọi, tìm đọc, tìm xem những gì liên quan đến nhân vật đó. 

Như vậy, vô tình thầy cô đã tạo thêm sự lan tỏa của "mẫu hình" này trong giới trẻ. Chính điều này có thể làm nhận thức về "đúng - sai - tốt - xấu" càng thêm khủng hoảng khi những giá trị đang bị lệch chuẩn, đảo lộn. 

Một giáo viên khác phân tích, việc lựa chọn "một hiện tượng đời sống" để đưa vào đề thi không dễ chút nào. Nếu giáo viên không đủ trình độ nhận thức, bản lĩnh ngôn ngữ thì sẽ trở thành hiệu ứng xấu. Thế nhưng có vẻ như, ra đề ăn theo "trào lưu" đang bị lạm dụng. 

Việc đưa nhân vật, hiện tượng vào đề Văn đòi hỏi thầy cô quan sát, lắng nghe cuộc sống và biết chọn lọc vừa mang tính văn học vừa mang giá trị giáo dục. Nói như ý kiến của một giáo viên "đừng để mình sa vào quá nhiều những rác rưởi, tầm phào và ảnh hưởng theo những hiện tượng tiêu cực". 

Cách đây vài năm, Sở GD-ĐT TPHCM Hải Phòng cũng đưa câu nói "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn" của người mẫu Ngọc Trinh và câu "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền" của Bà Tưng (Lê Thị Huyền Anh) để học sinh viết về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ". 

Tại một số trường học khác trong cả nước cũng từng đưa nhiều nhân vật, hiện tượng "nóng" nhất thời như ca sĩ Chi Pu, bài hát "Vợ người ta"... gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Hoài Nam