Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là gì?

(Dân trí) - Liên quan đến việc Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị bắt về tội "Giả mạo trong công tác”, nguồn tin của Dân trí khẳng định, Trường Đại học Đông Đô không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình. Vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc này là gì?

Thông tin với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD-ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là gì? - 1

Nguồn tin của Dân trí cho hay, theo quy định hiện hành thì các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, trường ĐH Đông Đô không tổ chức in phôi bằng mà mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT.

“Phôi bằng là giống nhau, trường đại học chịu trách nhiệm in thông tin trên văn bằng ”, nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, ông Mai Văn Trinh cũng cho biết thêm, hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo Bộ GD-ĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.

Theo Quy định hiện hành thì Bộ GD-ĐT vẫn là đơn vị cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho phần lớn cơ sở đào tạo giáo dục đại học. Tuy nhiên cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa công khai danh sách các trường được phép đào tạo văn bằng 2.

Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục đại học vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong đó quy định rõ: Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính qui sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.

Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với ĐH Quốc gia, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, qui mô hệ chính qui đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính qui hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Tại điều 7, Quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT cũng yêu cầu: Chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT và Bộ chủ quản để theo dõi.

Như vậy, việc quản lý đào tạo và cấp phôi bằng đối với đối tượng học văn bằng hai là khá chặt chẽ nhưng không hiểu sao Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng trăm văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh sai quy định.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Song điều đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin tuyển sinh công khai trên mạng internet, khi người có nhu cầu đến tìm hiểu thông tin thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của Trường ĐH Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó hoặc tổ chức một lớp riêng cho số học viên này.

Để hợp thức hóa sai phạm, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực đã thả nổi thông qua “cò giáo dục” với mức dao động 40-50 triệu đồng/học viên.

Sai phạm này ở trường ĐH Đông Đô đã diễn ra một cách khá công khai và kéo dài.

Bên cạnh đó, tại Điều 36 Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT về việc Ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân có đưa ra quy định: “Định kỳ hoặc đột xuất Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc in, quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ đối với cơ sở giáo dục đại học tự in phôi văn bằng, chứng chỉ”. Tuy nhiên ở trường hợp này, Bộ GD-ĐT là đơn vị in phôi bằng để bán cho trường ĐH Đông Đô thì không rõ hàng năm đơn vị nào sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra Bộ GD-ĐT?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và sớm thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Hùng