Trường ĐH Thương Mại công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019

(Dân trí) - Sáng nay 12/7, Trường Đại học Thương mại đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019.

Đây là ấn phẩm đầu tiên trong chuỗi báo cáo thường niên của Trường Đại học Thương mại, được thực hiện dựa trên những số liệu, minh chứng có chọn lọc, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo gồm nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà khoa học, các doanh nghiệp,… 

Trường ĐH Thương Mại công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 - 1

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 với chủ đề “Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam”.

Ngoài phần tổng quan về kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam, trình bày các vấn đề về hội nhập thương mại quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, dịch chuyển đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu hàng hóa... Báo cáo đặc biệt tập trung phân tích sâu chủ đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại chủ biên Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 cho biết, trong năm 2018, tình hình bảo hộ thương mại bằng thuế quan trên thế giới có nhiều biến động lớn, thể hiện rõ nét nhất là chiến tranh thương mại Mỹ và Trung quốc.

Diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới và thương mại quốc tế của Việt Nam. Về chính sách phi thuế quan, vì nhiều lý do khác nhau mà các quốc gia đều gia tăng mạnh các biện pháp bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CD), phòng vệ thương mại (SG), hạn chế số lượng (QR). Trong đó, các biện pháp TBT và SPS được sử dụng phổ biến nhất, có tác động mạnh đến xuất khẩu, đặc biệt hàng nông sản của Việt Nam.

Do đó, Báo cáo tập trung 4 nội dung chính gồm: Tổng quan những phân tích và đánh giá về kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2018 gồm các biến số vĩ mô chủ yếu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, thị trường lao động, chính sách tài khóa - tiền tệ,…

Về Thương mại Việt Nam 2018, bao gồm đánh giá về hội nhập thương mại quốc tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại, thu hút FDI và nhượng quyền thương mại, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mặt hàng, thị trường, chính sách quản lý và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.

Về Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, báo cáo phân tích sâu về các công cụ bảo hộ thương mại, tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tập trung phân tích tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đặc biệt, báo cáo đã đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019. Đồng thời, dự báo xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam; dự báo và triển vọng thương mại Việt Nam 2019; những khuyến nghị chính sách áp dụng cho 2019 và những năm tiếp theo.

Hồng Hạnh