Ninh Bình:

Trường học tiền tỷ bỏ hoang giữa đồng

(Dân trí) - Được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng, đến nay trường THPT Vũ Duy Thanh (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đã hoàn thành được hơn 50%. Tuy nhiên, hai năm nay ngôi trường tiền tỷ này đang bị bỏ hoang giữa đồng, xuống cấp nghiêm trọng. Thầy trò nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ, xập xệ.

Từ cơ sở chính của trường THPT Vũ Duy Thanh ở xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), theo chỉ dẫn của người dân chúng tôi phải đi hơn 6km nữa mới tới được địa điểm mới đang xây dựng của trường này tại xã Khánh Cường.

Trường học tiền tỷ bỏ hoang giữa đồng

Nhìn từ ngoài đường chính thấy rõ một ngôi trường mới đang được xây dựng khang trang với hai dãy nhà 3 tầng với nhiều phòng học. Trường nằm trên một khu đất rộng hàng nghìn mét vuông. Tuy nhiên, để vào được ngôi trường này chỉ có một lối mòn nhỏ bên mương nước. Lối mòn nhỏ này hiện cũng đã bị cỏ dại phủ kín do không có người đi lại thường xuyên.

Thấy chúng tôi đến thăm trường, một người dân sống ở gần đây ngao ngán: “Xây nhiều năm rồi mà vẫn chưa xong được chú à!. Khi trường mới bắt đầu xây dựng, người dân chúng tôi ai cũng mừng vì con cháu sẽ không phải đi học xa nữa. Giờ cả công trình lớn như vậy mà bị hoang, không biết bao giờ mới xong để các cháu học sinh về đây học. Quả là quá phí”.

Trường học tiền tỷ bỏ hoang giữa đồng - 1
Hai dãy nhà 3 tầng của trường THPT Vũ Duy Thanh được xây dựng khang trang rồi bỏ hoang gần 2 năm nay
Hai dãy nhà 3 tầng của trường THPT Vũ Duy Thanh được xây dựng khang trang rồi bỏ hoang gần 2 năm nay

Hầu hết người dân sống ở quanh ngôi trường hay người dân địa phương mỗi khi đi qua ngôi trường này, đứng ở ngoài đường lớn nhìn vào đều thấy xót xa khi trường được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng rồi bỏ hoang giữa đồng, phơi mưa nắng hư hại xuống cấp nghiêm trọng.

Ghi nhận của Dân trí tại công trình Trường THPT Vũ Duy Thanh, hai dãy nhà 3 tầng của trường đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa được lắp cửa. Hệ thống điện nước, bàn ghế trong các phòng học chưa có. Hai dãy nhà được xây dựng khang trang nhưng chưa được quét sơn, vôi ve. Do xây xong rồi bỏ hoang nên trường không được tu bổ thường xuyên khiến cho một số bức tường đã xuất hiện các mảng bám rêu mốc.

Đường vào cổng chính của trường vẫn đang còn là ruộng lúa
Đường vào cổng chính của trường vẫn đang còn là ruộng lúa

Khu đất xây dựng ngôi trường này rộng hàng nghìn mét vuông được bao quanh bởi hệ thống tường rào kiên cố. Cổng trường, nhà bảo vệ cũng đã được xây xong nhưng chưa có cửa. Sân trường và khu đất bao quanh hai dãy nhà do chưa được xây dựng nên bị hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều cây dại mọc cao hơn đầu người. Để vào được trong trường chỉ có một lối mòn đi bằng cổng tạm được rào chắn bằng lưới thép B40. Một số diện tích trong sân trường được người dân cải tạo để trồng hoa màu… Toàn bộ công trình hàng chục tỷ đồng này được thuê một người bảo vệ để trông coi.

Qua tìm hiểu được biết, dự án trường THPT Vũ Duy Thanh được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư xây dựng từ năm 2010, đến năm 2014 đơn vị thi công hoàn thành được khoảng 50%. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên trường không được xây dựng thêm nữa, bỏ hoang từ đó đến nay.

Hệ thống tường rào được xây dựng kiên cố nhưng chưa được lắp rào chắn bên trên
Hệ thống tường rào được xây dựng kiên cố nhưng chưa được lắp rào chắn bên trên

Công trình trường mới được đầu tư khoang trang, hiện đại nhưng bị bỏ hoang. Còn tại cơ sở chính của Trường THPT Vũ Duy Thanh, giáo viên học sinh của nhà trường lại phải học tập chen chúc trong các dãy phòng học cũ, xây dựng từ nhiều năm. Đặc biệt, nhà hiệu bộ của trường phải hoạt động trật trội trong căn nhà cũ xây dựng trên 100 năm được chuyển đổi từ một nhà dòng của nhà thờ công giáo.

Được biết, Trường THPT Vũ Duy Thanh được thành lập theo Quyết định 1171/QĐ- UBND ngày 05/10/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở chuyển đổi từ Trường THPT Bán Công Yên Khánh (thành lập ngày 7/7/2000). Trường hiện có gần 100 giáo viên, khoảng 1.000 học sinh.

Để vào được trường chỉ có lối mòn duy nhất, nhưng hiện nay đang bị cỏ dại hoang hóa
Để vào được trường chỉ có lối mòn duy nhất, nhưng hiện nay đang bị cỏ dại hoang hóa
Trái ngược với công trình trường mới được đầu tư xây khang trang rồi bỏ hoang. Tại cơ sở cũ, học sinh và giáo viên trường THPT Vũ Duy Thanh phải dạy và học trong các phòng học cũ, trật trội
Trái ngược với công trình trường mới được đầu tư xây khang trang rồi bỏ hoang. Tại cơ sở cũ, học sinh và giáo viên trường THPT Vũ Duy Thanh phải dạy và học trong các phòng học cũ, trật trội
Nhà hiệu bộ của trường là ngôi nhà cũ chuyển đổi từ một nhà tu của nhà thờ công giáo
Nhà hiệu bộ của trường là ngôi nhà cũ chuyển đổi từ một nhà tu của nhà thờ công giáo

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Duy Thanh cho biết, trường có quyết định phê duyệt xây dựng từ năm 2010, nhà trường làm chủ đầu tư công trình, nguồn vốn bằng tiền ngân sách nhà nước, tổng số vốn là 32 tỷ đồng.

Trong kế hoạch, công trình trường chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2014 là phải xong, nhưng hiện nay giai đoạn 1 mới tổng đầu tư vào được 11,5 tỷ. Đến nay công trình trường đang dừng thi công vì không có tiền. Hai năm nay nhà trường không được cấp đồng nào.

“Vừa rồi nhà trường cũng nhận được thông báo của UBND tỉnh, chắc là người dân có ý đến Hội đồng nhân dân nên là thấy có thông báo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, yêu cầu nhà trường thống kê lại cụ thể, xem trong giai đoạn 1 đã làm được những hạng mục gì, còn hạng mục gì chưa làm, tổng vốn cấp được bao nhiêu và đã nghiệm thu bao nhiêu. Những hạng mục nào cần thiết phải làm ngay để đưa vào sử dụng”, thầy Tuy nói.

Về những khó khăn khi trường mới xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng, thầy Tuy cho hay, hiện tại số lớp học của nhà trường có 26 lớp nhưng chỉ có 10 lớp là học ở nhà tầng, còn lại 16 lớp là nhà cấp 4 hiện cũng đang xuống cấp nên là cứ phải xin kinh phí để sửa chữa. Tuy nhiên vì trường có quyết định xây mới nên chỉ được xin sửa chữa nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến công tác dạy và học.

“Như vậy là lãng phí vì chỉ xây hai dãy nhà trát xong rồi để đó thì cũng xuống cấp. Gia đoạn 1 theo nghiệm thu thì được khoảng 50% rồi, tiền đã làm quá đi so với số vốn nhà nước cấp. Mong muốn của thầy trò của nhà trường và nhân dân là nhà nước cố gắng đầu tư để xây dựng cho xong để nhà trường yên tâm công tác dạy và học”, thầy Tuy chia sẻ.

Thái Bá