Trường Quốc tế Anh Hà Nội chính thức hợp tác với Viện Công Nghệ hàng đầu thế giới Massachusetts Institute of Technology (MIT)

(Dân trí) - Sự hợp tác đặc biệt này giúp trang bị cho các em học sinh các kỹ năng cần thiết nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những cơ hội nghề nghiệp mới sẽ được tạo ra trong thế kỷ 21.

Thuật ngữ "Cách mạng Công nghiệp 4.0" được hiểu theo nhiều cách khác nhau ở những ngành khác nhau. Tuy nhiên, khả năng kết hợp kiến ​​thức từ nhiều lĩnh vực theo những cách sáng tạo chính là điểm mấu chốt để có thể hiểu về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư này. Kỷ nguyên mới này đòi hỏi các trường học và cơ sở giáo dục đào tạo cần phải có một cuộc “cách mạng” trong cách thức giảng dạy bởi họ đóng vai trò then chốt trong việc giúp học sinh chuẩn bị sẵn sàng cho thế giới tương lai.

Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, trường Quốc tế Anh Hà Nội (BIS Hà Nội) chính thức hợp tác với học viện MIT nhằm giới thiệu phương pháp dạy tích hợp 5 bộ môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học (Science, Technology, Engineering, Arts, Mathematics), gọi tắt là STEAM, vào chương trình giảng dạy của trường.

Mùa hè vừa qua, thầy Martin Toner - Trưởng bộ môn Khoa học máy tính kiêm điều phối viên chương trình STEAM của BIS Hà Nội đã đến thăm Viện Công Nghệ MIT để tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp STEAM, đem những “thử thách” và dự án thú vị về chia sẻ với học sinh của trường.

Mới đây, thầy Toner cùng với 15 em học sinh của BIS Hà Nội đã có chuyến thăm tới trường Quốc tế Northbridge tại Phnom Penh (Campuchia) để tham gia Lễ hội STEAM khu vực Đông Nam Á, sự kiện được tổ chức lần đầu tiên bởi tổ chức Giáo dục Nord Anglia. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với thầy Toner về cách BIS Hà Nội áp dụng giáo trình của Viện MIT vào chương trình giảng dạy và những lợi ích dành cho học sinh từ sự hợp tác đặc biệt này.


Học sinh BIS Hà Nội tham dự Lễ hội STEAM khu vực Đông Nam Á.

Học sinh BIS Hà Nội tham dự Lễ hội STEAM khu vực Đông Nam Á.

Lời đầu tiên thầy có thể chia sẻ với độc giả đôi chút về bản thân mình không?

Tôi đã làm việc tại BIS Hà Nội được hơn bốn năm với tư cách là giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học máy tính (ICT). Đồng thời, tôi cũng là điều phối viên chương trình STEAM của trường, đảm nhiệm việc áp dụng phương pháp STEAM vào chương trình giảng dạy cũng như tư vấn và khuyến khích học sinh cân nhắc về khối ngành STEAM khi lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Thuật ngữ “STEAM” vẫn còn khá mới ở Việt Nam, thầy có thể chia sẻ thêm về phương pháp này không?

Mục đích của phương pháp STEAM chính là dạy học sinh các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học một cách tích hợp. Ngày nay, những môn học này đóng vai trò rất quan trọng đối với các em học sinh bởi thực trạng thiếu hụt nhân sự thuộc khối ngành STEAM trên toàn thế giới và số lượng nhân sự khối ngành STEAM dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Tại BIS Hà Nội, chúng tôi giảng dạy các môn này ở cả khối Tiểu học và Trung học. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa khác nhau nhằm mục đích bổ trợ cho chương trình giảng dạy chính trên lớp và đem lại cơ hội cho các em học sinh phát kiển các kỹ năng hợp tác, sáng tạo, và tư duy phản biện.


Học sinh Tiểu học của BIS Hà Nội trong một tiết học ngoại khóa.

Học sinh Tiểu học của BIS Hà Nội trong một tiết học ngoại khóa.

Vậy lợi ích của việc tích hợp các môn học này với nhau là gì? Phương pháp này giúp học sinh phát triển các kĩ năng cần thiết cho tương lai như thế nào?

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, tất cả các môn học STEAM giúp học sinh có cơ hội sáng tạo, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi như hiện nay. Tại BIS Hà Nội, chúng tôi mong muốn trang bị cho các em học sinh những kỹ năng cần thiết này để phát triển tối đa khả năng của bản thân trong môi trường làm việc ở thế kỷ 21, thông qua các bài học theo chủ điểm cũng như sự kết hợp các thử thách tập trung vào phương pháp học qua dự án (project-based learning) và tư duy thiết kế (design thinking).

Phương pháp học qua dự án (project-based learning) khuyến khích các em học sinh giải quyết các vấn đề và thử thách thông qua việc tìm hiểu những vấn đề thực tế đang diễn ra trên thế giới. Chúng tôi tạo ra rất nhiều cơ hội nhằm giúp các em áp dụng những kiến thức được học vào các môn học khác nhau và thông qua các thử thách của chương trình STEAM, các em có thể học được các kỹ năng của phương pháp khoa học; thu thập và định lượng dữ liệu trong môn Toán học; lập trình, thiết kế và xây dựng trong bộ môn Nghệ thuật và Tin học.

Nhà trường hiện đang áp dụng giáo trình MIT trong chương trình giảng dạy như thế nào?

Thông qua Tổ chức Giáo dục Nord Anglia, chúng tôi rất may mắn khi có cơ hội hợp tác với MIT - hiện đang được xếp hạng là trường đại học tốt nhất thế giới. Sự hợp tác giữa MIT và BIS Hà Nội nhằm mục đích tăng cường việc giảng dạy các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học (gói tắt là STEAM) thông qua việc trao đổi những nghiên cứu mới nhất của MIT với các trường trong tổ chức giáo dục Nord Anglia. Sự hợp tác này cũng sẽ đem lại những cơ hội giao lưu và kết nối dành cho các em học sinh của trường ví dụ như Lễ hội STEAM khu vực Đông Nam Á, cơ hội đến thăm Viện MIT vào tháng 5 năm 2019.

Tại trường, học sinh sẽ tham gia vào các thử thách của Viện MIT được tạo ra dựa trên các nghiên cứu của các giáo sư đang giảng dạy và làm việc tại MIT. Những thử thách của năm nay bao gồm “Super natural” (tạm dịch: “Siêu tự nhiên”), chương trình khuyến khích học sinh quan sát thật kĩ thế giới tự nhiên và hiểu được những nguyên tắc vật lý đằng sau sự thích nghi của một loài vật, sau đó áp dụng kiến ​​thức đó vào các thiết kế kỹ thuật. Thách thức thứ hai là “Medical Marvel” (tạm dịch: “Y khoa kỳ diệu”) sẽ khuyến khích học sinh đánh giá khả năng áp dụng các nguyên tắc kỹ thuật vào các vấn đề sinh học nhằm mục đích cải thiện sức khỏe con người. Thử thách cuối cùng chính là “Epic Identity” (tạm dịch: “Khả năng diệu kì”), với thử thách này, học sinh sẽ học về công nghệ “mang trên người” (wearable technology) và khả năng hỗ trợ cải thiện hiệu suất của con người của công nghệ đó.


Học sinh Trung học của BIS Hà Nội trong một tiết học Vật lý.

Học sinh Trung học của BIS Hà Nội trong một tiết học Vật lý.

Học sinh BIS Hà Nội đã học được những gì từ lễ hội STEAM khu vực Đông Nam Á?

Đây là một sự kiện tuyệt vời giúp học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Chủ đề của chương trình là "Super natural” (tạm dịch: “Siêu tự nhiên"). Các học sinh phải làm việc theo nhóm để tạo ra một thiết bị lấy cảm hứng từ động vật. Thử thách này được xây dựng dựa trên công trình nghiên cứu của giáo sư Annette Hosoi đến từ Viện MIT. Học sinh của trường đã thể hiện rất tốt tại Liên hoan và đã chia sẻ những ý tưởng vô cùng sáng tạo.

Một trong những học sinh lớp 8 của trường đã tạo ra một thiết bị phát hiện kẻ thù và cảnh báo cho người dùng; bạn ấy đã học cách lập trình bảng mạch, cảm biến và đèn LED chỉ trong một buổi sáng. Chương trình này chính là một ví dụ cho chúng ta hiểu rõ về mục đích của phương pháp STEAM: khuyến khích học sinh suy nghĩ về những cách sáng tạo để giải quyết những vấn đề có thật trong thế giới hiện nay.

Trường Quốc tế Anh Hà Nội

Địa chỉ: Đường Hoa Lan, Vinhomes Riverside, Quận Long Biên, Hà Nội

Số điện thoại: 024 3946 0435 / Máy lẻ: 555/888

Email: bishanoi@bishanoi.com

Website: www.bishanoi.com

Trang Facebook: https://www.facebook.com/BIS.Hanoi/

[ VIDEO ] https://www.youtube.com/watch?v=8DDlbNArJho