Đắk Lắk:

“Trường sẽ đóng cửa nếu không có các khoản thu xã hội hóa”

(Dân trí) - Trước việc một số phụ huynh phản ánh không ít khoản thu của trường THPT Thực hành Cao Nguyên (trực thuộc trường ĐH Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khá cao, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng mỗi năm trường chỉ được Bộ GD-ĐT cấp 1,3 tỉ đồng nên buộc phải huy động công tác xã hội hóa, thậm chí nếu không có nguồn này trường sẽ phải đóng cửa.

Nhiều khoản thu cao so với các trường công lập khác

Đầu năm học 2017 - 2018, một số phụ huynh có con em học lớp 12 của trường THPT Thực hành Cao Nguyên phản ánh về việc trường thông báo các khoản thu xã hội hóa và thu hộ có những khoản khá cao.


Trường THPT Thực hành Cao Nguyên nằm trong khuôn viên trường ĐH Tây Nguyên

Trường THPT Thực hành Cao Nguyên nằm trong khuôn viên trường ĐH Tây Nguyên

Cụ thể, các khoản thu hộ 6 khoản gần 1.500.000 đồng/học sinh gồm: Quỹ khuyến học 250.000 đồng; quỹ hội cha mẹ học sinh 350.000 đồng; hỗ trợ các hoạt động chào mừng 40 năm ngày thành lập Trường ĐH Tây Nguyên 50.000 đồng; bảo hiểm y tế bắt buộc 492.000 đồng; phối hợp với hội phụ huynh thực hiện các hoạt động ngoại khóa, trải nghiêm 100.000 đồng; kinh phí nộp cho các trường tiếp nhận học sinh của trường đến dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia (nếu không được Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Đắk Lắk cấp kinh phí) 150.000 đồng.

Đồng thời, học sinh khối lớp 12 cũng phải đóng thêm 9 khoản thu xã hội hóa với số tiền 1.350.000 đồng/học sinh gồm các khoản: văn phòng phẩm cho các kỳ thi 150.000 đồng; thuê vệ sinh, chăm sóc hoa, cây cảnh, vườn trường 100.000 đồng; tu sửa, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất 200.000 đồng; duy tu bảo dưỡng hệ thống máy chiếu 200.000 đồng; tổ chức kiểm tra, thi tập trung 150.000 đồng; tổ chức ôn luyện, thi Olympic cấp trường, khu vực và toàn quốc 200.000 đồng; hỗ trợ các hoạt động của đoàn thanh niên 50.000 đồng; hỗ trợ nhà trường sơn, sửa các giảng đường 300.000 đồng.

Ngoài 2 khoản thu hộ và thu xã hội hóa này, phụ huynh còn đóng 450.000 đồng tiền học phí cả năm học; tiền học thêm 3 môn (6.000 đồng/tiết) khoảng 2.000.000 đồng/năm; tiền mua 2 áo đồng phục 300.000 đồng và chưa tính thêm tiền ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia với giá 6.000 đồng/tiết.

Cho rằng khoản thu hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất 200.000 đồng và hỗ trợ nhà trường sơn, sửa các giảng đường 300.000 đồng là quá cao. Ở khoản thu duy tu bảo dưỡng hệ thống máy chiếu 200.000 đồng cũng khá “vô lý” mà chưa được trường giải đáp. “So với các trường công lập khác thì con tôi học tuy học trường công lập nhưng đóng cao hơn hẳn, so với những gia đình còn nhiều khó khăn thì tôi thấy có nhiều khoản này cao và chưa được hợp lý lắm mà năm nào cũng đóng”, một phụ huynh thắc mắc.

Cũng theo phụ huynh này, con em mình học lớp 12 đã có 4 chiếc áo mà nay cũng yêu cầu phải mua thêm 2 áo đồng phục là phí phạm. Đồng thời, phụ huynh cho rằng khá vô lý ở khoản thu tổ chức ôn luyện, thi Olympic cấp trường, khu vực và toàn quốc phải đóng 200.000 đồng, trong khi đó phụ huynh đã đóng quỹ khuyến học 250.000 đồng nhưng “không phải em nào cũng đi thi để đóng”.

Trường khó khăn, buộc huy động xã hội hóa

Liên quan đến vấn đề trên, TS Triệu Văn Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, thừa nhận, so với mặt bằng chung của các trường công lập khác thì nhà trường có thu cao hơn một chút do mỗi năm trường chỉ được Bộ GD-ĐT cấp 1,3 tỉ đồng và số tiền này chỉ đủ trả khoảng 6 tháng tiền lương cho cán bộ, nhân viên của trường còn tất cả các khoản khác đều do trường ĐH Tây Nguyên bù vào.

“Từ 2 năm nay chủ trương của Bộ GD-ĐT là yêu cầu các trường đại học phải tự chủ nên trường ĐH Tây Nguyên rất khó cấp bù tiếp kinh phí cho trường Cao Nguyên nên chúng tôi phải đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo việc duy trì hoạt động mức tối thiểu cũng như từng bước nâng cao chất lượng, dạy và học của trường”, TS Thịnh cho hay.


TS Triệu Văn Thịnh trả lời câu hỏi từ phóng viên liên quan đến các khoản thu đầu năm.

TS Triệu Văn Thịnh trả lời câu hỏi từ phóng viên liên quan đến các khoản thu đầu năm.

Cũng theo TS Thịnh, trường hiện tại có 975 học sinh, từ tháng 3/2017 đến nay mọi hoạt động của trường đều nhờ vào các khoản thu xã hội hóa, nhờ vào đó để nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng rèn luyện. “Nói thực nếu phụ huynh không cấp thì trường chỉ có nước đóng cửa thôi”, TS Thịnh nhấn mạnh.

Riêng đối với việc phụ huynh phản ánh một số khoản thu cao vị Hiệu trưởng cho rằng đã thu dựa trên được Hội cha mẹ học sinh đồng ý và Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên đồng ý chủ trương mới thu, việc thu hay chi đều có hóa đơn chứng từ. Tất cả mọi khoản thu chi đều phải thông qua Phòng kế hoạch tài chính và phòng quản trị thiết bị và được duyệt của Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên.

Khi được hỏi về khoản thu khá cao như duy tu, bảo dưỡng máy chiếu, chăm sóc cây cảnh, tổ chức ôn luyện Olympic… Hiệu trưởng nhà trường cho rằng sở dĩ phụ huynh phản ánh là do giáo viên chủ nhiệm giải thích không hết.

“Những khoản thu đấy chỉ là lượng hóa ở một chừng mực nào đấy còn trong thực tế chi thì nhiều khi những khoản chi âm và những khoản chi dôi ra. Vì vậy, hàng năm vào khoảng tháng 3, trường tổ chức họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh cho trường điều tiết các khoản thu để chi cho hoạt động chi của nhà trường, chúng tôi làm tờ trình và được đồng ý mới làm”, TS Thịnh khẳng định.

Bên cạnh đó, TS Thịnh cũng cho biết nhà trường đã hoàn thiện đề án trình Sở GD-ĐT và UBND tỉnh, hiện Sở đã có văn bản đồng ý về việc cho trường chuyển đổi mô hình qua trường công lập tự chủ chất lượng cao, lộ trình năm học 2018 -2019 sẽ thực hiện.

“Nếu còn tình hình như thế này (phụ huynh phản ánh thu chi - PV) nữa, đến học kỳ 2 tôi sẽ trực tiếp họp, đối thoại với phụ huynh để khỏi thắc mắc”, TS Thịnh nói.

Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Tôi có đồng ý chủ trương về thu các khoản xã hội hóa nhưng việc thực hiện chủ trương này là do Hội Cha mẹ học sinh thống nhất thì thực hiện còn không thì thôi không bắt buộc. Khi các cuộc họp phụ huynh đã thống nhất nhưng có ai không đồng ý thì nên phản ánh với Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đó chứ lại đi phản ánh báo chí làm gì”.

Cũng theo TS Vui, do trường hiện nay khó khăn khi được Bộ GD-ĐT chi 1,3 tỉ không đủ để trang trải nên huy động xã hội hóa để nâng cao chất lượng dạy học, cũng như hoàn thiện cơ sở vật chất trên tinh thần tự nguyện. “Với những trường hợp các em khó khăn gia đình có đơn xin miễn giảm thì trường sẽ giảm hoặc không thu những khoản này cho các em”, TS Vui cho hay.

Thúy Diễm