Bạn đọc viết:

Trường tôi không còn hình thức lớp chọn nữa

(Dân trí) - Đọc bài viết “Ý kiến giáo viên: Sao phải duy trì lớp chọn trong trường phổ thông?” của tác giả Thùy Nguyễn, tôi rất ngạc nhiên bởi đến thời điểm này trường của bạn vẫn còn duy trì hình thức lớp chọn.

Lớp chọn ở các trường phổ thông - vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng xem ra xoay quanh vấn đề này vẫn có rất nhiều điều cần bàn.

Trước hết, lớp chọn được hiểu là những lớp tập hợp tất cả những học sinh giỏi về mặt học lực và tốt về mặt hạnh kiểm của các học sinh đứng đầu từng khối lớp.

Như thế đủ cho thấy rằng học sinh nào được tuyển vào lớp chọn đều có cơ hội học tập tốt hơn vì các em được rèn luyện trong một môi trường tốt. Các em tự ý thức và tự nhìn nhau để điều chỉnh hành vi tiến bộ của bản thân và thậm chí không cần sự bảo ban nhiều của người lớn, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Chính vì thế, giáo viên chủ nhiệm rất nhẹ nhàng và chỉ đóng vai trò là người định hướng, động viên.

Vậy những giáo viên nào được chủ nhiệm và được đứng lớp các lớp chọn này, chắc chắn điều đầu tiên mà Ban giám hiệu nghĩ đến phải là những người vững về chuyên môn để lọt vào danh sách “chọn mặt gửi vàng”. Từ đó, giữa những giáo viên có sự so bì và tị nạnh nhau trong việc chủ nhiệm và giảng dạy lớp này, nhưng mọi thứ đều nằm trong tay Ban giám hiệu.

Nói về lớp chọn trong trường phổ thông, không thể phủ nhận những lợi thế mà lớp chọn mang lại.

Trước hết là thành tích trong việc luyện “gà chọi” để thi đấu với các trường bạn trong tất cả các bộ môn về văn hóa.

Lớp chọn còn tạo thuận lợi cho những giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi mỗi bộ môn, kiến thức giảng dạy trong quá trình bồi dưỡng sẽ được lồng ghép để giảng thêm trong giờ học.

Có thể khẳng định rằng lớp chọn chính là đầu tàu của mỗi trường phổ thông trong mọi mặt, đặc biệt nhất trong hoạt động “đem chuông đi đánh xứ người”.

Vào mùa thi học sinh giỏi các môn Văn hóa do Huyện tổ chức, lớp chọn trong nhà trường trở nên vắng hoe vì các “gà chọi” đã đi “đánh trận”. Ban giám hiệu cho phép lớp chọn được học bù lại chương trình vào những ngày sau. Vì đa phần học sinh trong lớp chọn đó đều tham gia hai môn thi không chồng chéo lịch nhau.

Tuy nhiên, cái phiền toái lớn nhất mà lớp chọn mang lại là các lớp còn lại, tạm gọi là lớp thường lại không còn những học sinh nổi trội nữa, chỉ toàn những học sinh ở ngang mức học lực khá trở xuống và những học sinh này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Từ đó, đa phần các lớp này sức học yếu hẳn, không có bạn bè giỏi để các em noi theo, giờ học trở nên nhàm chán vì trong lớp thiếu hẳn không khí thi đua sôi nổi. Đa phần các giờ học, giáo viên dường như “độc thoại’ vì những câu hỏi đưa ra chẳng có học sinh nào phát biểu. Hình thức “đôi bạn cùng tiến” trong các lớp thường này cũng vắng hẳn vì chẳng biết bạn nào tiến bộ hơn bạn nào vì tất cả các bạn “ tiến bộ” đều đã được đưa sang lớp chọn. Giáo viên dạy các lớp thường cũng trở nên uể oải hơn những lớp chọn.

Từ những điều trên, những năm trở lại đây hình thức lớp chọn ở nhiều trường phổ thông không còn nữa. Nhà trường phổ thông tiến hành phân đều tỉ lệ học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu về các lớp ngang nhau nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn. Đây là một hoạt động nhằm hướng vào học sinh, giúp các em có lực học chưa tốt vươn lên với phương châm “học thầy không tày học bạn”.

Thanh Thanh

(Giáo viên THCS tại Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!