Trường Tư: "Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính cởi mở"

(Dân trí) - Đó là một trong nhiều ý kiến của đại biểu là lãnh đạo các trường tư thục góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, phiên bản ngày 12/4/2019 tại Hội thảo: “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi”

Hội thảo: "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều ngày 8/5 tại Hà Nội đã trao đổi các nhóm vấn đề về: hội đồng trường, quyền sở hữu, chính sách xã hội hóa giáo dục, quy hoạch mạng lưới và quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục tư thục.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện nhiều trường cùng nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục.

Trường Tư: Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính  cởi mở - 1
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Luật Giáo dục sửa đổi lần này là luật gốc nên rất khó.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục ngoài công lập, bà Minh cho rằng, trong Dự thảo Luật Giáo dục lần này phải thể hiện sự công bằng giữa cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập, thu hút nhiều hơn nữa sự đóng góp của các nhà đầu tư.

Trường Tư: Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính  cởi mở - 2

Đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

“Chúng tôi đang trong quá trình chỉnh sửa và sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và đang nhận ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Đến giờ, đã có ý kiến từ 18 đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh gửi về.

Hôm nay, tôi được nghe trực tiếp sẽ rõ hơn về vấn đề này. Cùng với tôi, hôm nay còn có một số thành viên Ban soạn thảo và các thầy cô, chúng tôi mong các thầy cô sẽ tiếp tục góp ý để xem xét trước khi hoàn thiện gửi cho các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo mà các vị đang có (cập nhật ngày 12/4) đến nay đã có nhiều lần tiếp thu và đang trong quá trình chỉnh sửa. Đến ngày 10/5/2019, chúng tôi phải gửi cho các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó gửi cho các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ hợp tới”, đại biểu Ngô Thị Minh cho biết.

Góp ý về Dự thảo Luật, ông Nguyễn Xuân Khang Khang (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Marie Curie, Hà Nội) nhấn mạnh, trường tư thục có hai cột trụ của nhà đầu tư để yên tâm đầu tư đó là quyền sở hữu, quyền điều hành nhà trường.

Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục giúp thúc hoạt đọng của các cơ sở giáo dục tư thục phát triển.

Theo ông Khang, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, với Khoản 3, Điều 56 lại dường như như “tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư”.

"Tôi giật mình khi biết có những điều khoản mới mà đặc biệt là Khoản 3, Điều 56 và Điều 100. Điều 100 của dự thảo còn “vô tình hay hữu ý” đã tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành đó là: “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc thuộc về pháp nhân nhà trường”. Tại sao không dùng “Trường tư thục của các nhà đầu tư” mà dùng một khái niệm mới là của pháp nhân nhà trường. Pháp nhân nhà trường là ai?”, ông Khang chia sẻ.

Thêm nữa, nội dung về Hội đồng trường khoản 3, Điều 56, thành phần ngoài đại diện các nhà đầu tư ra có thành phần có liên quan trong và ngoài nhà trường.

“Với một hội đồng trường với nhiều thành phần như vậy làm sao có thể thay thế cho một hội đồng quản trị theo Luật hiện hành có đầy đủ quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường? Và những người không góp xu nào có được tham gia điều hành trường tư thục?”, đại diện này đặt câu hỏi.

Ông Khang cho rằng: “Mênh mông các thành viên như vậy dẫn đến một kịch bản ai cũng thấy là sự rối loạn trong việc điều hành nhà trường.

Quy định như vậy là kéo lùi thực tiễn, kéo lùi luật pháp, kéo lùi thực tiễn xã hội đối với hệ thống các trường tư. Với quy định như thế liệu đại diện cho quyền sở hữu của trường tư thực có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục hay không?”.

Theo vị hiệu trưởng, Luật Giáo dục hiện hành xác định rất cụ thể vai trò của Hội đồng quản trị của trường tư thục: đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng phát triển của trường. Hội đồng quản trị là đại diện của những người có vốn góp, được bầu theo tỷ lệ vốn góp. Những người không có vốn góp không được bầu vào Hội đồng quản trị và không được tham gia bầu Hội đồng quản trị.

Trường Tư: Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính  cởi mở - 3
Ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội.

Do đó, ông Khang cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục nên xem xét kỹ lưỡng vấn đề này để đảm bảo quyền của nhà đầu tư.

“Đồng tiền gắn liền khúc ruột”! Nhà đầu tư bị “tước quyền” làm chủ sở hữu trường thì họ còn dám đầu tư nữa không?”, ông Khang nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ông Khang, ông Hoàng Xuân Hóa - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Liệu hội đồng trường như dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có thể thay thế hội đồng quản trị trường tư thục được không?”

Trường Tư: Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính  cởi mở - 4
Ông Hoàng Xuân Hoá, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng trường Marie curie Hải Phòng.

“Tôi cho rằng, không thể thay thế. Nguồn đầu tư khác nhau giữa trường công lập và tư thục do vậy không thể đồng nhất cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường. Theo tôi phải thực hiện nguyên tắc ai bỏ vốn đầu tư thì người đó có quyền”, ông Hóa chia sẻ.

Bà Nguyễn Kim Phượng - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Everest cho rằng, dự thảo Luật nên quan tâm đến việc tạo cơ chế chính sách hành chính thông thoáng, cởi mở cho hoạt động của cơ sở giáo dục tư thục:

“Chúng tôi không cần cho tiền mà cho một cơ chế chính sách hành chính cởi mở. Mong rằng, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội can thiệp để thực sự có xã hội hoá về mặt hành chính giúp chúng tôi không còn “khốn khổ” mỗi khi làm thủ tục hành chính”, bà Phượng phát biểu.

Trường Tư: Chúng tôi không cần tiền mà cần cơ chế chính sách hành chính  cởi mở - 5
Bà Nguyễn Kim Phượng - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Everest.

Đại diện này cũng kiến nghị ban soạn thảo và đại biểu của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nên đi thăm một số trường để xem mô hình tư thục thực tế ra sao, nghe góp ý trực tiếp của các trường. Đồng thời, rà soát thực tế, đánh giá và đề nghị nên khen thưởng/ ghi nhận sự đóng góp của trường tư nhằm động viên tinh thần các cơ sở tư thục làm tốt hơn nữa.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các trường tư thục, các nhà đầu tư đã trình bày thẳng thắn những ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách giáo dục về một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, quyền điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục, việc quản lý nhà nước đối với trường tư thục... Những kiến nghị tại hội thảo được tổng hợp và gửi tới Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Lệ Thu