TS Trần Nam Dũng: “Học sinh giỏi nên dấn thân vào ngành hấp dẫn hơn Sư phạm”

(Dân trí) - Theo TS Trần Nam Dũng (giảng viên khoa Toán Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), chúng ta không nên quá buồn khi đa số học sinh giỏi không còn chọn nghề Sư phạm bởi người giỏi là phải “kinh bang tế thế”.

“Đầu vào thấp chắn chắn đầu ra không cao”

Thưa TS Trần Nam Dũng, là một thầy giáo, ông có cảm xúc thế nào khi ngành Sư phạm qua mỗi năm điểm chuẩn dần hạ thấp. Thậm chí, năm nay người ta đã dùng cụm từ “thấp thảm hại”, “thấp kỉ lục” để nói về điểm đầu vào ngành Sư phạm?

Tôi cảm thấy lo lắng. Thực sự, mặc dù tôi biết rằng điểm thi không phải là tất cả, và có nhiều bạn có xuất phát điểm không tốt nhưng do cố gắng vẫn có thể trở thành thầy giáo tốt, nhưng ở trên phương diện số đông, với đầu vào như vậy, chắc chắn đầu ra sẽ không cao. Và với các thầy cô giáo có trình đội chuyên môn không vững, chúng ta sẽ tiếp tục có lứa học sinh tiếp theo kém đi.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ta gặp phải tình trạng này. Những năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, điểm vào các trường đại học và cao đẳng sư phạm cũng rất thấp. Và cách đây chừng 20 năm, chúng ta cũng có những đợt “giảm giá” thảm hại, dẫn đến Bộ phải đưa ra chính sách miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm.

Ngành Sư phạm sẽ mãi “rớt giá” nếu “ế” mà vẫn sản xuất

Theo ông, nguyên nhân chính mấu chốt dẫn đến thực trạng ngành Sư phạm rớt ra, sinh viên ra trường thất nghiệp là gì?

Nguyên nhân yếu nhất là do công tác quy hoạch nguồn nhân lực. Các trường đào tạo “theo năng lực đào tạo” chứ không theo “nhu cầu xã hội”. Nên nhớ rằng nhu cầu tuyển giáo viên mới của 1 trường cấp 2, 3 thường không cao. Họ chỉ tuyển mới khi có giáo viên cũ về hưu. Mà thâm niên của một giáo viên có thể là 25-30 năm. Vậy thì biến động nhân sự là rất ít. Chỉ tiêu chỉ có nhiều khi có các trường học mới, môn học mới. Vì vậy trong khi giáo viên cấp 2, 3 thừa thì có thể giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy toán bằng khoa học và tiếng Anh lại thiếu.

Quy hoạch kém dẫn đến sản xuất thừa. Thừa mà vẫn cứ tiếp tục sản xuất thì hàng tồn kho càng nhiều. Đương nhiên là giá sẽ xuống.

Thêm nữa, rất nhiều học sinh dù biết ra trường thất nghiệp nhưng vẫn vào học, chủ yếu chỉ đề có bằng đại học, còn sau đó ra trường xin việc lung tung, cứ có nơi nhận là làm. Và điểm chuẩn thấp dĩ nhiên là cơ hội cho họ.

TS Trần Nam Dũng cho rằng, điểm chuẩn đầu vào thấp thì đầu ra khó cao. (Ảnh: NVCC)
TS Trần Nam Dũng cho rằng, điểm chuẩn đầu vào thấp thì đầu ra khó cao. (Ảnh: NVCC)

Người giỏi là phải “kinh bang tế thế”

Ngày nay, dường như đa số học sinh giỏi không còn chọn nghề Sư phạm? Theo ông, điều đó có đáng buồn đối với ngành Giáo dục và những người làm giáo dục?

Cá nhân tôi là một nhà giáo cũng không quá buồn vì điều đó. Học sinh giỏi nên và có quyền dấn thân vào các ngành nghề thách thức hơn, có đãi ngộ tốt hơn. Để thành công ở nghề sư phạm, ngoài yếu tố chuyên môn, tôi đánh giá cao những người có đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, yêu học sinh, biết sẵn sàng học hỏi, vươn lên. Nhiều học trò cũ của tôi trước chỉ nằm ở tốp giữa của lớp nay đã phấn đấu trở thành các thầy- cô giáo giỏi.

Không như quan niệm thời kì trước, ngành Sư phạm và Y là hai nghề trọng vọng của xã hội và các thí sinh đua nhau vào học. Người giỏi dồn hết vào Y, Sư phạm thì ai nghiên cứu, ai sáng chế, ai quản lý sản xuất, ai làm nông nghiệp, ai làm dầu khí… Người giỏi là phải “kinh bang tế thế”!

Ngành Sư phạm xưa và nay vẫn vậy thôi, vai trò của thầy cô vẫn là những người lái đò đưa học sinh đến bến bờ tri thức. Thực sự trong cuộc đời làm thầy giáo, cũng có đôi khi tôi buồn vì học trò chưa ngoan, chưa chăm, còn học đối phó nhưng về cơ bản thì nghề giáo đem lại cho tôi niềm vui nhiều hơn là nỗi buồn.

Theo TS, đâu là giải pháp để giải quyết thực trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như hiện nay?

Chúng ta phải sử dụng các con số thống kê chính xác để quy hoạch lại một cách nghiêm túc chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm, và phải đi chi tiết đến từng ngành hẹp. Hiện nay con số lớn và không có kiểm soát. Ngày xưa mỗi năm cả nước chỉ đào tạo 50 sinh viên Sư phạm Toán, ngày nay chỉ riêng 1 trường đã hơn con số đó. Mà số trường sư phạm trên cả nước bây giờ đã xấp xỉ với số tỉnh thành. Vấn đề đáng lo là dù sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, không có cơ hội việc làm ổn định, trường sư phạm vẫn tuyển nhiều và bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu, trong đó có việc hạ quá thấp điểm tuyển. Không thừa và ế sao được.

Hiện nay, giáo viên cấp hai, ba thừa nhiều nhưng các trường vẫn đào tạo ồ ạt. Trong khi đó, một số lĩnh vực khác như giáo viên mầm non, tiếng Anh, Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh lại thiếu.

Chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được nhu cầu giáo viên hàng năm để có điều chỉnh về chỉ tiêu đào tạo và định hướng học sinh đi theo các ngành nghề khác (về sản xuất, dịch vụ, thương mại...). Rất nhiều việc người Việt có thể làm mà vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài, như dạy khoa học bằng tiếng Anh vẫn đang phải nhờ các bạn Philippines.

Xin cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của TS!

TS. Trần Nam Dũng đạt huy chương bạc Olympic Toán Quốc tế - IMO năm 1983 tại Paris, Pháp. Ông tốt nghiệp đại học và tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Matxcova, Liên Bang Nga và hiện là giảng viên khoa Toán Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Toán học Pi.

TS. Trần Nam Dũng góp công biên soạn bộ sách Tài liệu giáo khoa chuyên toán 10 gồm 4 quyển (NXB Giáo dục Việt Nam, 2009).

Lệ Thu