TS. Trịnh Thu Tuyết: “Tuyệt đối không thể chấp nhận ý kiến bỏ Chí Phèo khỏi SGK”

(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: Tôn trọng khác biệt và quyền đưa ra quan điểm riêng không đồng nghĩa với việc lan truyền, chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại đến giá trị thực trong cộng đồng - như ý kiến loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn.

“Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trinh SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận”, TS. Tuyết khẳng định.

Theo nữ tiến sĩ văn học, thế giới hiện đại ngày càng có thêm các tiến bộ trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, tiến bộ trong văn học có khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Những thành tựu của khoa học thời kì trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn. Riêng văn học nghệ thuật, những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng, những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.

“Là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 30-45, tôi tin truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kì tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó”, TS. Tuyết nhấn mạnh.


TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội).

TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội).

Đánh giá chung về lập luận phân tích trong bài viết nêu ý kiến loại bỏ tác phẩm, cô Tuyết cho rằng: “Rất nhiều chỗ cách nhìn nhận của tác giả không liên quan gì đến văn chương mà na ná lời tuyên án của công tố viên, không ai cảm văn, đọc văn theo cách đó!”.

Về những luận điểm trong bài viết của tác giả Nguyễn Song Hiền - người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo”, TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết có những phản bác chi tiết đối với từng luận điểm. Cụ thể dưới đây:

Chí Phèo đại diện cho ai?

Được sinh ra bởi một người mẹ khốn khổ bất hạnh nào đó, Chí lớn lên nhờ sự cưu mang của dân làng Vũ Đại: từ anh đi thả ống lươn đến người đàn bà góa mù rồi bác phó cối…- những người nông dân nghèo khổ, lương thiện và giàu lòng nhân ái.

Đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi, nhờ lòng nhân ái và bàn tay nuôi dưỡng của những người nông dân làng Vũ Đại đã lớn lên trở thành anh Chí nghèo khổ nhưng lương thiện.

Khẳng định Chí Phèo không phải đại diện cho những người nông dân với lý do "mang tiếng cho nông dân mình quá. Chẳng lẽ nông dân mình chỉ toàn là con rơi?" quả là một sự quy nạp rất thiếu logic. Bởi trong văn học, một đặc điểm riêng nào đó trong cuộc đời, tâm lý, tính cách... của một cá thể không nhất thiết xuất hiện trong tất cả tầng lớp họ đại diện!

Chí Phèo tốt hay xấu?

Ngay bài viết cũng khẳng định "Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt". Được sự cưu mang đùm học của dân làng, tới năm 20 tuổi, Chí vẫn là anh canh điển điền nghèo khổ và lương thiện. Ngày ấy, Chí đã từng ước mơ một cuộc sống gia đình giản dị: chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Đó là một ước mơ nhỏ nhoi, bình dị của những con người nghèo khổ, một ước mơ lương thiện khi mong được sống bằng chính sức lao động của mình.

Chí cũng từng là một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành, nhút nhát và có lòng tự trọng. Bị vợ ba Lí Kiến bắt bóp chân, Chí vừa làm vừa run, hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì, Chí hiểu rằng hai mươi tuổi, người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Biết phân biệt giữa tình cảm chân chính với những ham muốn xấu xa, biết khinh những hành vi không chính đáng, đó là biểu hiện của một con người có ý thức về nhân phẩm, có lòng tự trọng, và đó cũng là biểu hiện rõ nhất của một con người lương thiện.


Hình ảnh Chí Phèo trong phim Lãng Vũ Đại ngày ấy.

Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".

Sau khi nhà tù thực dân và thủ đoạn độc ác của bọn cường hào ác bá trong mảnh đất "quần ngư tranh thực" biến anh Chí lương thiện của dân làng thành Chí Phèo - bị hủy hoại nhân hình thành "con vật lạ", bị hủy hoại nhân tính thành "con quỷ dữ", Chí Phèo đã bị đẩy ra khỏi cộng đồng người lương thiện.

Khao khát hoàn lương sau khi gặp Thị Nở càng cho thấy trong đáy cùng của tiềm thức tăm tối, Chí Phèo vẫn mơ hồ đau đớn vì sự tha hoá - nguyên nhân khiến hắn cô độc, con người khốn khổ ấy ý thức được cô độc còn đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau, vẫn khao khát trở về với cộng đồng "bằng phẳng và thân thiện của những người lương thiện" nhờ sự "mở đường" của Thị Nở!

Hắn tuyệt vọng "ôm mặt khóc rưng rức" khi Thị Nở khước từ, khi cánh cửa hoàn lương đóng lại trước mắt. Hắn hoàn toàn có thể dữ hơn quỷ dữ để trả thù cuộc đời, nhưng chính sự thức tỉnh của nhân tính đẩy Chí Phèo tới một kết thúc bi thảm: không thể làm quỷ, chẳng được làm người, Chí chỉ còn cách tìm tới cái chết, chống lại sự tha hoá bằng chính cái chết. Con người như thế, tốt hay xấu không thể nói một từ giản đơn, hời hợt. Và nếu còn băn khoăn, hãy so sánh Chí Phèo với Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, đó là con đẻ của xã hôi tư sản thành thị Việt Nam đầu thế kỉ XX, kẻ không có mảy may chút lương tri hay niềm khao khát lương tri!

Chí Phèo là bi kịch cá nhân hay sản phẩm của xã hội?

Bài viết của tác giả Nguyễn Song Hiền cho rằng Chí Phèo "chỉ là đứa con rơi... không phải sản phẩm của xã hội đó" với mấy lý do rất lạ!

Thứ nhất, bài viết cho rằng "trong xã hội ấy, người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc... được xã hội đón nhận và thừa nhận như một thành viên, Chí đã được ưu ái"! Hình như có một sự nhầm lẫn trong nội hàm ý nghĩa khái niệm "xã hội" ở đây khi bài viết đồng nhất những người nông dân nhân hậu của làng Vũ Đại bao bọc, cưu mang Chí Phèo với cái xã hội tàn ác, phi nhân tính "ưu ái" Chí!

Thứ hai, bài viết cho rằng "Lúc say, Chí cũng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi chứ đâu chửi cái xã hội đang sống"!

Quả thật cần suy nghĩ thêm về vấn đề đoc hiểu văn bản - thông điệp văn bản luôn gợi ra phần chìm của tảng băng trôi. Tiếng chửi của Chí Phèo không nên hiểu giản đơn là chửi người "đẻ ra mà không nuôi" - người mẹ khốn khổ sinh ra hài nhi bị ruồng bỏ; dân làng nuôi dưỡng nên anh Chí lương thiện, nhà tù và mảnh đất "quần ngư tranh thực" tàn bạo kia mới là kẻ đẻ ra Chí Phèo, "con vật lạ" về nhân hình, "con quỉ dữ" về nhân tính!

Về mối quan hệ giữa Chí Phèo và Thị Nở?

Người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” cho rằng: "Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo"!

Tôi thấy đoạn văn bản trên không liên quan gì đến văn chương mà na ná lời tuyên án của công tố viên, vì không ai cảm văn, đọc văn theo cách đó! Phải đặt vào tác phẩm mới thấy: Lúc đầu, Chí Phèo đến với Thị Nở bằng bản năng sinh vật của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một thằng lưu manh vừa ăn cướp, vừa la làng.

Nhưng rồi, tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần Người, phần lương thiện vẫn còn sót lại đâu đó trong con quỉ dữ làng Vũ Đại.


Hình ảnh Thị Nở - Chí Phèo trong phim Lãng Vũ Đại ngày ấy.

Hình ảnh Thị Nở - Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".

Trước đây, nhân tính của Chí Phèo đã mất đi cùng những ý thức tối thiểu về kẻ thù, về phẩm giá, về thời gian và không gian; mất đi tiếng nói hiền lành để chỉ còn giao tiếp bằng tiếng chửi, khong còn hành động theo sự hướng dẫn của ý thức - vậy mà tình người của Thị Nở đã trả lại tính người cho Chí Phèo, hắn ý thức sâu sắc về kẻ thù, về sự cô độc, về những điều hắn đã bị tước đoat, về con đường hoàn lương...; hắn đã biết nói những lời yêu thương thay vì tiếng chửi; đã biết "cố uống cho thật ít để đỡ tốn tiền và nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau..."! Một mối quan hệ như thế, sao nỡ phủ nhận?

Về kết thúc của truyện ngắn?

Bài viết khẳng định: "Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá”.

Sẽ rất xa với cảm thụ văn chương nếu dùng cách đọc tác phẩm theo kiểu xã hội học dung tục từ thế kỷ trước! Lại phải lưu ý mấy chi tiết: Sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí lôi rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng đau đớn cho bi kịch cùng đường tuyệt lộ!

Và sau đó, Chí cầm dao đi với ý định trả thù hai cô cháu Thị Nở, nhưng rồi " quên" không rẽ vào nhà Thị Nở mà đi thẳng tới nhà Bá Kiến... Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ suý cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng đó chỉ là hành vi của một kẻ côn đồ say rượu.

“Cần trân trọng những giá trị văn hoá đích thực! Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương!”, TS. Trịnh Thu Tuyết kết luận.

Tác giả đề xuất loại bỏ: "Tôi đứng trên quan điểm giáo dục học"

TS. Trịnh Thu Tuyết: “Tuyệt đối không thể chấp nhận ý kiến bỏ Chí Phèo khỏi SGK” - 4

Trao đổi với PV Dân trí, ThS. Nguyễn Song Hiền (nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục - Trường ĐH Newcastle, Australia) - người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi chương trình SGK Ngữ văn lớp 11 bày tỏ: “Một số người cho rằng tôi đã lệch lạc về tư tưởng khi đưa ra quan điểm trái chiều với nhiều quan điểm của số đông nhưng tôi tin rằng nền giáo dục thật sự dân chủ là nền giáo dục phải hướng tới sự khai phóng tự do cá nhân bao gồm cả sự khai phóng về mặt tư duy.

Tôi tin rằng nếu đứng trên quan điểm giáo dục sự loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình SGK 11 là hoàn toàn hợp lý. Chúng ta đã và đang hàng ngày chứng kiến những cảnh đau lòng của bạo lực học đường, học sinh "quan hệ" khi còn vị thành niên, học sinh cưỡng bức bạn học... Nếu để nguyên tác phẩm này, mặc nhiên nó đang ca ngợi Chí, ủng hộ Chí, bảo vệ Chí đó củng là ủng hộ, bảo vệ và cổ xuý những hành vi thú tính và sai trái của Chí”.

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Lệ Thu