Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường”

(Dân trí) - “Trong Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không “uốn éo”, để ai cũng có thể chấp hành và thực hiện đúng, không nên để các cơ sở giáo dục tự chủ cứ phải tự “bê đá dò đường” như hiện nay”.

Đó là ý kiến của GS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp tại buổi tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật số 34/2018/QH14” do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều ngày 28/10 tại Hà Nội.

Dự thảo Nghị định còn mập mờ, lắt léo, khó hiểu, khó thực thi

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây được xem như một bước tiến lớn trong việc thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, tự chủ đại học có đi vào cuộc sống hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật số 34/2018/QH14. Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật này.

Có nhiều vấn đề mà các chuyên gia giáo dục và các trường đặc biệt quan tâm tại buổi tọa đàm là về xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, Hội đồng trường và quan điểm “quản lý theo mô hình doanh nghiệp” vẫn chưa được thể chế hóa; dẫn đến rủi ro cho cơ sở giáo dục đại học và người đứng đầu tiên phong thực hiện cơ chế tự chủ.

Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường” - 1

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Tại buổi tọa đàm, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng, Nghị quyết 14 rất quan trọng; trong đó, quy định quan trọng nhất là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản (không phải là bỏ bộ chủ quản), nhưng 15 năm rồi vẫn chưa thực hiện được.

"Chủ trương tự chủ đại học là tạo nên sự dịch chuyển quyền lực từ bộ chủ quản về cơ quan đại diện quyền sở hữu và lợi ích của các bên liên quan của trường đại học là hội đồng trường. Dịch chuyển về quyền lực không dễ, nên phải có quá trình đấu tranh và việc đấu tranh cũng không dễ. Trong khi đó, đến nay, phần lớn các  Hội đồng trường (HĐT) chỉ hoạt động hình thức và không có ý nghĩa" - GS Thiệp nói.

Vậy, đấu tranh như thế nào? GS Thiệp cho hay, khi cơ quan chủ quản không chịu buông quyền quản lý của mình, thì các chủ trương của Đảng, Nhà nước khó đi vào thực hiện vì vướng các quy định dưới Luật như Nghị định và các thông tư, quyết định của bộ chủ quản.

Đồng quan điểm, TS. Lê Viết Khuyến nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, khi thành lập hội đồng trường ở các đại học mới thành lập (hoặc thành lập mới) có 2 thế lực ngăn cản thành lập HĐT là cơ quan chủ quản và hiệu trưởng. Việc thành lập HĐT, công nhận, miễn nhiệm Chủ tịch HĐT; công nhận hiệu trưởng của các trường đại học công lập… của dự thảo Nghị định hiện rất lắt léo.

Cụ thể, thành lập HĐT của trường đại học mới thành lập, nhân sự trong HĐT lại giao cho hiệu trưởng có trách nhiệm đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia HĐT; thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng trường, bầu thành viên mới với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp…và cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận HĐT.  Như vậy, HĐT bầu ra này có nguy cơ xuất hiện thành viên nhóm lợi ích của cơ quan chủ quản và hiệu trưởng.

Đối với đại học công lập đã có hội đồng trường hoạt động tốt và thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan, thì câu chuyện tốt hơn.

Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường” - 2

TS. Lê Viết Khuyến nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

“Tôi không hiểu vì sao, trong Luật GD Đại học đưa ra khái niệm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đến Dự thảo Nghị định lại dùng cụm từ: cơ quan quản lý trực tiếp?, Cơ quan quản lý trực tiếp là ai? Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh/thành thuộc trung ương’ hay cơ quan chủ quản hiện hành? Dùng những khái niệm mới và quá mập mờ, lắt léo, thì chỉ tạo ra sự hiểu lầm, ngộ nhận, sự lạm dụng và khổ cho các trường tự chủ” – ông Khuyến nói.

Theo ông Khuyến, khi thành lập HĐT mới, nhiều cơ quan chủ quản lo lắng vì mất quyền xin – cho, kiểm soát; còn hiệu trưởng đang có nhiều quyền như “ông vua con”.

Nếu thực thi đúng quy định, Hội đồng trường có quyền quyết định bãi, miễn hiệu trưởng, nên hiệu trưởng đương nhiên phải lo lắng. Vì vậy, Hội đồng trường có nguy cơ bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cũng không muốn “nhả quyền lực của mình”, nên Hội đồng trường có thể chỉ trên danh nghĩa “hữu danh vô thực”.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, xã hội đang trông chờ và kỳ vọng nhiều ở Nghị định này. Luật số 34 là sự thể hiện ý chí lãnh đạo của Đảng tại Nghị quyết TW 6 và các Nghị quyết, quyết định khác có liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Theo GS Viên, Nghị định phải đảm bảo 2 yêu cầu về mặt chất lượng, đó là phải qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành thật cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không “uốn éo”; để ai cũng có thể chấp hành tốt và thực hiện đúng.

Nghị định cần tránh tối đa các từ và cụm từ mập mờ, bất định, đa nghĩa, dễ suy diễn theo các những cách hiểu khác nhau, kiểu như “theo qui định của pháp luật’ nhưng không nói rõ là qui định nào? pháp luật nào? điều khoản nào?, nhất là trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa hoàn chỉnh, chồng chéo; có khi còn cản phá và phủ định lẫn nhau, chưa theo kịp thực tiễn; nhất là nhiều luật hiện chưa sửa kịp theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 và Luật số 34, sẽ dễ dẫn đến có giao quyền tự chủ trên văn bản pháp luật nhưng lại trói buộc trên thực tiễn.

GS Viên nhấn mạnh: “Không nên để tình trạng bắt các cơ sở giáo dục tự chủ cứ phải tự “bê đá dò đường” mãi. Như vậy, tự chủ đại học rất khó trở thành sức sống mới, động lực mới cho giáo dục đại học nước nhà”.

Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường” - 3

GS Trần Đức Viên

Cơ quan chủ quản không muốn "buông"

Đồng quan điểm với ý kiến của GS Lâm Quang Thiệp, GS.TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, ai đấu tranh và đấu tranh như thế nào? là việc của các trường đại học; và các trường cần có kiến nghị chặt chẽ, thuyết phục đến các cấp cao nhất để có sự chỉ đạo sửa đổi những nội dung chưa hợp lý của Dự thảo Nghị định này cũng như các văn bản pháp qui khác.

Các Nghị quyết của Đảng rất quyết tâm thay đổi giáo dục đại học nhưng các Luật khác thì sửa đổi không kịp với tinh thần của Nghị quyết. Còn các cơ quan chủ quản thì đang không muốn buông quản lý.

GS Danh dẫn chứng, “Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 (QĐ 1584) của Tổng Liên đoàn Lao động về việc ban hành "Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với cán bộ trong tổ chức Công đoàn" có nhiều quy định đối với các trường trực thuộc không đúng với một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) dẫn đến khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ có ghi “Phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn”; trong khi Luật 34 qui định Hội đồng trường trường đại học công lập có quyền hạn “Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật”.

Như vậy, Trường thực hiện theo Luật hay thực hiện theo Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng liên đoàn?

Điều 27, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định Tổng Liên đoàn công nhận chức vụ phó hiệu trưởng trường đại học; trong khi Khoản 10, Điều 1, Luật 34 qui định Hội đồng trường trường đại học công lập quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng. Không qui định phải có sự công nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

GS Danh cho biết thêm, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn còn can thiệp quá sâu vào công tác nhân sự của Trường. Trong khi nhiều Nghị quyết của Đảng đã chỉ đạo rõ ràng, như Nghị quyết 29-NQ/TW là khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục thí điểm quản trị theo hướng tiên tiến, phù hợp với xu hướng thế giới; Nghị quyết 89/NQ-CP chỉ đạo: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học; Nghị quyết 05-NQ/TW chỉ đạo: “giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập”…

Cụ thể, đối với chức danh phó hiệu trưởng, kế toán trưởng phải có ý kiến của Tổng Liên đoàn trước khi bổ nhiệm (trong khi quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh này thuộc Hội đồng trường, do Hiệu trưởng giới thiệu; đồng thời các nhân sự này là viên chức, việc quản lý theo cán bộ công chức thuộc Tổng Liên đoàn như trước là không còn phù hợp).

Hay như nhân sự Chủ tịch Hội đồng trưởng, Hiệu trưởng là do Hội đồng trường quyết định, nhưng Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định phải được Tổng Liên đoàn giới thiệu để bầu.

GS đặt câu hỏi, nếu nhân sự Tổng liên đoàn giới thiệu không được tập thể nhà trường, hội đồng trường đồng ý thì sao? Việc này rõ ràng can thiệp vào quyền tự chủ nhân sự của một trường đại học.

Tương tự, theo Luật 34, công tác quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay kế toán trưởng của trường đại học công lập đều do Hội đồng trường quyết định, bổ nhiệm.

Như vậy, việc quy hoạch sẽ phải do đơn vị quyết định, bổ nhiệm thực hiện. Quyết định tự giao cho Tổng Liên đoàn quy hoạch là chưa hợp lý, chưa phù hợp với quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường” - 4

GS Lê Vinh Danh

Cần thực hiện theo đúng Luật

Tại buổi tọa đàm, GS Trần Đức Viên cho rằng, các tinh thần khai phóng và đổi mới mạnh mẽ Nghị quyết của Đảng và Luật số 34 phải được thể chế hóa cụ thể trong các điều khoản của Nghị định Luật Giáo dục đại học để những tinh thần khai phóng và đổi mới mạnh mẽ ấy được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Theo GS Viên, có lẽ vì chưa có Nghị định, nên mới có chuyện “lời qua tiếng lại và đấu tranh” giữa CSGD và cơ quan chủ quản như giữa ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng liên đoàn Lao động.  Nếu văn bản qui phạm pháp luật rõ ràng, minh bạch, khả tín và dễ áp dụng, sẽ không có xảy ra như trên, nhất là ở một lĩnh vực đòi hỏi sự chuẩn mực cao như ngành giáo dục.

Do vậy, Nghị định phải làm đúng và đủ công năng của một văn bản qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Nghị định phải trả lời được câu hỏi “làm như thế nào?”, Ví dụ, Khoản 2 Điều 16, HĐT được giao rất nhiều quyền, mà toàn là quyền lớn, Nghị định cần chỉ ra cho các CSGD cách thức họ thực hiện các quyền ấy như thế nào.

GS Viên băn khoăn đặt câu hỏi, HĐT trước khi quyết định các vấn đề to lớn, có phải xin ý kiến Đảng ủy không? hay thực hiện các quyền ấy theo sự chỉ đạo của Đảng ủy?

Cụ thể như qui trình bổ nhiệm nhân sự có nhiều bước, nhưng còn 2 bước trong các qui định hiện hành chưa rõ, rất cần được Nghị định hướng dẫn để các trường đưa vào qui chế tổ chức và hoạt động như: HĐT họp bỏ phiếu trước rồi trình Đảng ủy bỏ phiếu "phê chuẩn", hay Đảng ủy họp bỏ phiếu trước, đưa ra HĐT để thảo luận và bỏ phiếu "thông qua", chấp hành ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy?

Đặc biệt, Nghị định cần xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhà trường và mối quan hệ trong nội bộ CSGD (Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu) trong thực thi tự chủ đại học.

GS Viên cho hay, tại Luật giáo dục đại học 2012, Điều lệ trường đại học 2014 và Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 đều có nói đến “cơ quan chủ quản”. Nhưng đến Luật số 34 (2018) thì tên gọi cơ quan chủ quản không còn nữa.

Như vậy, không thể coi cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền, vì nếu vậy, thì cứ duy trì tên gọi cơ quan chủ quản, việc gì phải dùng từ "cơ quan quản lý có thẩm quyền? Cho nên, dụng ý của Luật số 34 là tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý (theo tinh thần của Nghị quyết TW 6).

"Cơ quan chủ quản chỉ còn quyền sở hữu, quyền quản lý thuộc về HĐT Điều này phù hợp với việc chuyển trường đại học tự chủ sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Do đó, rất cần sự minh định, rõ ràng của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để các trường có thể làm đúng và làm tốt chủ trương của Đảng” – GS Viên nhấn mạnh.

Hồng Hạnh