Tự chủ học thuật là khâu yếu nhất của không ít trường đại học?

(Dân trí) - Dường như hiện nay, không ít trường đại học khi nói về tự chủ đại học đang quá đặt nặng về tài chính, nhân sự mà chưa chú trọng tới tổ chức, quản trị, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ...

Tự chủ học thuật - một trong những nội dung lớn của tự chủ đại học được nhà quản lý và các chuyên gia thảo luận tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu” do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.


Các chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 25/10 tại Hà Nội.

Các chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 25/10 tại Hà Nội.

Trước ý kiến cho rằng, nhiều trường đại học hiện nay chưa chú trọng đến tự chủ học thuật, ông Nguyễn Đắc Hưng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: “Đầu tiên, tôi cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng bây giờ các trường đại học tự chủ cũng đã thấy rất rõ.

Đầu tiên phải là tự chủ về học thuật, sau đó đến quản trị bộ máy tổ chức, rồi đến tài chính rồi quan hệ quốc tế. Đấy là những vấn đề quản trị mà hiện nay tư duy của các đồng chí lãnh đạo nhà trường đại học phải suy nghĩ. Từ Bộ đến Chính phủ cấp cao chỉ đạo chiến lược cũng nhận thức rõ điều này và đã chỉ đạo quyết liệt, chứ không phải nặng về vấn đề tài chính”.

Trước câu hỏi đặt ra “Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đã “cởi trói” gần hết các yêu cầu, điều kiện liên quan tới tự chủ học thuật cho các trường ĐH (điều kiện mở ngành, tuyển sinh, xây dựng chương trình…). Tuy nhiên có vẻ đây chính là khâu yếu nhất của không ít trường ĐH”..., PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội nhận định: “Tự chủ học thuật thực hiện được hay không phụ thuộc vào điều kiện đội ngũ, đi kèm tự chủ tổ chức, nhân sự, tài chính và một số vấn đề khác. Cho nên chúng ta nói tự chủ đại học là mang tính chất đồng bộ các yếu tố đó. Ngoài ra, cần nói đến năng lực, mức độ tự chủ đến đâu thì tự chủ đến đó”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Như chúng ta trao đổi, chúng ta đã bắt đầu thực hiện mạnh mẽ tự chủ đại học, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và đổi mới mạnh mẽ từ phía cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn, thầy cô, người học... Từ phía đội ngũ chuyên môn đã bắt đầu bắt nhịp với xu hướng mới, nhưng một bộ phận khác thì chưa. Hiện nay, giáo viên ngoài việc giảng dạy còn phải nghiên cứu khoa học; ngoài việc có các tác phẩm nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế, phải viết bằng tiếng Anh với hàm lượng khoa học cao. Số lượng những người có nghiên cứu khoa học đã tăng lên nhưng so với yêu cầu chung còn yếu.

“Về phía trường là năng lực quản trị, về phía cơ sở là năng lực thực hiện tự chủ, vừa phải truyền bá tri thức mới, đồng thời cũng sáng tạo tri thức mới, đòi hỏi cần có năng lực thực sự. Như vậy, tự chủ chuyên môn học thuật đòi hỏi quá trình các trường phải nỗ lực không ngừng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc.

Trường đại học "ngại" tự chủ?

Tự chủ đại học trở thành xu thế tất yếu, nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên… Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể khẳng định vấn đề tự chủ đại học ở nước ta đã có những chuyển biến rất tích cực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, thật ra vấn đề tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012. Nếu xem xét thì có nhiều nội dung tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Ví dụ, vấn đề tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng, nghiên cứu khoa học… Đây là quá trình sau khi Nghị quyết 29 ban hành, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành thí điểm đối với các trường công lập. Sau khi thí điểm thấy đạt kết quả tốt, chúng ta đã sửa đổi, bổ sung và hiện triển khai rộng hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau những khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học, phải chăng nhiều lãnh đạo trường đại học không muốn tự chủ hoàn toàn, vẫn muốn duy trì cơ chế bao cấp bình quân từ ngân sách nhà nước?

Với tư cách là Hiệu trưởng của một trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ, ông Bùi Anh Tuấn (Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương) nêu quan điểm: "Tôi thì nghĩ rằng cũng chưa có một nghiên cứu nào cho rằng lãnh đạo, các hiệu trưởng các trường ngại tự chủ. Thế nhưng khi mà trao đổi với anh em thì cũng có một số tâm tư. Thứ nhất, nhận thức của chúng ta, của xã hội nói chung về tự chủ đại học. Như chúng ta trao đổi trong buổi Giao lưu ngày hôm nay, thấy rằng nhận thức rất là quan trọng.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn trả lời câu hỏi: Đại học có ngại tự chủ?

Thứ hai, khi mà tự chủ thì rõ ràng vấn đề trách nhiệm, trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, trách nhiệm giải trình và đặc biệt là trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm của các hiệu trường nhà trường phải đặt lên cao hơn rất là nhiều. Điều quan trọng hơn nữa chính là vấn đề về rủi ro cho lãnh đạo, cho hiệu trưởng các nhà trường khi mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ. Chính vì vậy, mà có những tâm lý cũng băn khăn, e ngại. Chứ còn, trên thực tế, các hiệu trưởng, lãnh đạo các nhà trường, tôi cho rằng đa số đều mong muốn là tự chủ".


PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói: "Về chính sách, quy định thì giai đoạn vừa rồi, chúng ta đẩy mạnh. Tuy nhiên, một số nội dung chúng ta đã thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật, nhưng một số nội dung còn phải thí điểm. Việc thí điểm cũng chưa tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện.

Hiên nay, vấn đề thay đổi mạnh mẽ nhất để chúng ta mở rộng quyền tự chủ cho các trường nằm trong những quy định liên quan đến chuyên môn học thuật, và lần này, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học. Tuy nhiên, khối hoạt động của cơ sở giáo dục đại học không chỉ có những luật trực tiếp liên quan đến các cơ sở giáo dục đại học mà còn là đối tượng điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác. Ví dụ như, hiện nay các cơ sở công lập được điều chỉnh bởi Luật Viên chức, Luật Công chức…; hay là những quy định về tài chính, quản lý tài sản trong các trường công lập đang bị chi phối bởi Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản, Luật Tài chính công… Tất cả những nội dung đó có những điểm phù hợp trong xu thế tự chủ đại học. Tuy nhiên có những quy định hiện nay chưa phù hợp".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, sắp tới khi chúng ta sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học thì một bước kế tiếp là phải làm sao để tạo ra hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ nhằm thúc đẩy các trường đại học đẩy mạnh tự chủ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo.

Tiếp nữa là bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải chủ động trong chuẩn bị và việc năng lực tự chủ, năng lực quản trị của trường đại học phải được nâng lên một bước đáng kể. Có rất nhiều việc mà các cơ sở giáo dục đại học phải tự mình làm và tự chịu trách nhiệm. Bản thân các trường phải có năng lực quản trị tốt để hội nhập được với khu vực và thế giới. Vì vậy, cần có thời gian để các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị về năng lực, về đội ngũ. Hy vọng sau khi Luật Giáo dục đại học được thông qua thì những vướng mắc của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được tháo gỡ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói về việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Đặc biệt, trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung trình Quốc hội để thông qua năm 2018, nội dung tự chủ đại học so với Luật hiện hành năm 2012 được làm rõ hơn. Điều 32 đã có quy định về tự chủ đại học gồm những nội dung gì và bao gồm cả trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, còn có các điều khác liên quan đến các vấn đề cụ thể; ví dụ như: Tự chủ về chuyên môn học thuật, về tuyển sinh, về mã ngành, về đào tạo, về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… Nội dung tự chủ nhân sự bộ máy đã quy định chi tiết hơn. Tự chủ tài chính, sử dụng tài sản được quy định thể chế hóa trong Nghị quyết 77, chúng ta đã thí điểm và đạt được kết quả tích cực.

Lệ Thu