Từ “lễ khai giảng không bóng bay”: Trường học hạn chế bọc vở bằng nilon

(Dân trí) - Sau ý tưởng “Lễ khai giảng không bóng bay” của em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh sắp lên lớp 6 của Trường Marie Curie (Hà Nội), một số trường ở Thủ đô tiếp tục hưởng ứng viêc bảo vệ môi trường qua hành động hạn chế bọc vở bằng nilon.

Một số phụ huynh đang lan truyền thông báo của một giáo viên gửi phụ huynh học sinh về việc không sử dụng nilon đề bọc vở trong năm học mới.

“Năm học này, để chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nilon, nhựa, nhà trường quy định giáo viên và học sinh không sử dụng nilon để bọc vở.

Cô giáo nhờ các bố mẹ cùng nhắc nhở con thực hiện tốt điều này vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp”, trích thông báo.

Cũng theo thông báo này, thay vì bọc vở bằng nilon, bố mẹ nhắc các con dán nhãn vở và ghi tên vào bộ sách giáo khoa các con đã mua.

Ý tưởng trên đây được khá nhiều người ủng hộ. Giống như ý tưởng “Lễ khai giảng không bóng bay”, việc không bọc vở bằng nilon cũng có ý nghĩa to lớn và thiết thực.

Từ “lễ khai giảng không bóng bay”: Trường học hạn chế bọc vở bằng nilon - 1

Nhiều trường ở Hà Nội "nói không với bọc vở bằng nilon". 

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm học tới, cả 3 cấp học ở ngôi trường này đều khuyến khích học sinh không bọc vở bằng nilon để bảo vệ môi trường.

Ông Bình cho hay, nhà trường đã có ý tưởng về việc không sử dụng rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường từ năm học trước.

Sang năm học 2019 - 2020, trường đang tích cực xây dựng kế hoạch cụ thể cho ý tưởng này. Theo đó, toàn bộ gần 90 cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường học tập, sau đó lan tỏa và kêu gọi tới các bậc phụ huynh và học sinh của trường về không sử dụng rác thải nhựa.

Cụ thể, thầy cô không sử dụng túi nilon và các chai lọ nhựa dùng một lần. Nhà trường cũng vận động các em học sinh khi đi học nên mang theo bình đựng nước bằng inox.

Nếu các em mua đồ uống, thì nên mang những bình đựng nước đó đến chứ không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần.

Từ “lễ khai giảng không bóng bay”: Trường học hạn chế bọc vở bằng nilon - 2

Thống kê của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị ĐIểm về bọc vở học sinh bằng nilon. (Ảnh: VietNamNet)

“Nếu có sự đồng lòng, chung tay từ nhiều trường sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn từ việc không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần.

Giới trẻ hiện nay đang lạm dụng đồ nhựa dùng một lần. Nhiều học sinh vẫn dùng nilon để bọc sách vở. Đấy là thực trạng khá phổ biến”, ông Bình cho hay.

Do vậy, theo hiệu trưởng này, năm học tới đây, nhà trường sẽ gửi một thông điệp tới các em học sinh và phụ huynh về bảo vệ môi trường cũng như không sử dụng rác thải nhựa, không dùng nilon để bọc sách vở mà nên bọc bằng giấy, có dán nhãn vở.

“Nếu kiên trì thực hiện qua nhiều năm, tôi tin rằng hiệu quả sẽ rất tích cực”, thầy Bình chia sẻ.

Ngoài trường Lê Quý Đôn, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng thống kê số lượng nilon khổng lồ dùng để bọc vở. Do vậy, đơn vị này cũng “nói không với bọc vở bằng nilon” và thay bằng giấy, họa báo, tờ lịch…

Cũng như “lễ khai giảng không bóng bay”, việc hạn chế bọc vở bằng nilon nhằm hướng tới môi trường thân thiện - điều mà nhiều trường học đang hướng đến.

Từ “lễ khai giảng không bóng bay”: Trường học hạn chế bọc vở bằng nilon - 3

Nói không với rác thải nhựa dùng một lần

Theo thầy Nguyễn Đức Quang - người sáng lập và điều hành Trường Spring Hill, đơn vị này cũng hạn chế sử dụng túi nylon, tổ chức để học sinh thực hiện các dự án môi trường, đi nhặt rác trong làng, thậm chí “cấm” phụ huynh tặng hoa nhà trường trong các dịp lễ vì sẽ có nhiều rác thải, túi nilon.

“Trường không có truyền thống thả bóng bay vào các ngày lễ. Nhà trường không khuyến khích học sinh bọc vở và nhãn vở lí do là trang bìa nó đã đẹp lắm rồi và cũng để rèn học sinh ý thức giữ gìn tài sản một cách nhẹ nhàng và tỉnh thức”, thầy Quang cho biết.

Tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia cũng nói không với rác thải nhựa. “Phát triển bền vững - Hạn chế sử dụng rác thải nhựa là mục tiêu, nhiệm vụ mà Olympia theo đuổi từ rất lâu với nhiều hoạt động thiết thực.

Nội dung này được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thông qua các hoạt động, sự kiện nhà trường tổ chức như: đi bộ vì môi trường với khẩu hiệu “Giảm chai nhựa, lựa sống xanh”, Cuộc thi báo cáo đề tài khoa học về bảo vệ môi trường “Vì bạn, vì tôi” với sản phẩm thu được như: máy lọc không khí, cứu sống những dòng sông chết…

Ngoài ra còn có những dự án học tập nổi bật như: làm gạch sinh thái ecobrick, một số đồ dùng học tập được sử dụng bằng đồ tái chế từ các sản phẩm từ nhựa, bìa carton”, đại diện nhà trường cho biết…

Mỹ Hà