Tuyển sinh lớp 10 “loạn” như sàn chứng khoán, xuất hiện điểm liệt môn Văn THTP quốc gia

(Dân trí) - Tuấn qua, các tin tức đáng chú ý của giáo dục xoay quanh cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội với tình trạng loạn điểm chuẩn và phí đặt chỗ khiến phục huynh “dở khóc, dở mếu” và những thông tin hé lộ đầu tiên về điểm thi THPT Quốc gia 2018 khi công tác chấm thi sắp hoàn tất.

Chấm thi THPT Quốc gia: Môn Văn xuất hiện điểm 9 và điểm liệt, GDCD có điểm 10

Đến ngày 3/7, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Kạn... đã chấm gần được 50% bài thi môn Ngữ văn, theo thống kê ban đầu đã có thí sinh đạt điểm 9 và trên 9 điểm. Tuy nhiên, điểm liệt cũng đã xuất hiện trong môn Ngữ văn của kỳ thi này.

TPHCM đã hoàn tất việc chấm thi môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia vào chiều ngày 4/7. Ghi nhận từ các giáo viên tham gia chấm thi cho biết số lượng bài thi đạt từ 8 điểm trở lên khá ít và chưa ghi nhận có bài thi nào đạt điểm 9. Mức điểm cao nhất hiện chỉ là 8,75 điểm. Theo ước tính của một số vị giám khảo tại TPHCM, cứ 6000 bài mới có 3 bài đạt từ 8 điểm trở lên.

Phổ điểm thi năm nay của môn Ngữ văn sẽ từ 6 – 8.
Phổ điểm thi năm nay của môn Ngữ văn sẽ từ 6 – 8.

Ngoài ra, hiện nhiều địa phương gần hoàn thành xong công tác chấm thi THPT quốc gia 2018. Đặc biệt, việc chấm thi trắc nghiệm đang đi đến những khâu cuối cùng. Hiện, đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết.

Phụ huynh kí đơn tập thể: Trường Lương Thế Vinh vẫn không trả phí tuyển sinh

áng 6/7, hàng chục phụ huynh phơi mình trong nắng nóng 40 độ để xin hoàn lại tiền lệ phí khi rút hồ sơ tại Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Một lá đơn tập thể xin hoàn tiền được gửi tại bảo vệ vì văn phòng nhà trường không tiếp. Nhà trường cho biết sẽ không trả bất cứ khoản nào.

Phụ huynh tụ tập ở cổng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong sáng 6/7 để xin trả lại tiền phí khi rút hồ sơ tuyển sinh.
Phụ huynh tụ tập ở cổng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong sáng 6/7 để xin trả lại tiền phí khi rút hồ sơ tuyển sinh.

Về hiện tượng trên, Sở GD&ĐT Hà Nội ngay lập tức yêu cầu trường THCS và THPT Lương Thế Vinh báo cáo bằng văn bản về công tác tuyển sinh năm học 2018 – 2019 gửi về Sở trong ngày 3/7. Trao đổi với PV Dân trí, bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường tổ chức họp hội đồng quản trị để đưa ra quyết định xử lý liên quan yêu cầu trong công văn.

Tuy nhiên, trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3/7 trở đi, bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng.

Số tiền còn lại, nhà trường vẫn giữ vì ngay từ đầu đã quy định như vậy và đưa vào Quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Quy định này, nhà trường đã thực hiện trong 2 năm.

Tuy nhiên theo bà Dương, sau khi Sở GD&ĐT có văn bản, nhiều phụ huynh đã "làm ầm lên”, đòi lại tiền. Việc trả lại tiền gây lộn xộn, vì vậy hội đồng nhà trường quyết định từ ngày 6/7, không trả lại bất cứ khoản tiền nào nữa, làm theo thỏa thuận ban đầu.

Trường ngoài công lập “nhảy múa” điểm chuẩn

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội khóc dở mếu dở khi đi đăng ký học lớp 10 cho con vào Trường THPT Tạ Quang Bửu, điểm chuẩn liên tục "nhảy múa", hôm qua thông báo 46 điểm, sáng hôm sau lên 49. Đến chiều cùng ngày, trường thông báo nhảy vọt lên 50,5 điểm.

Trao đổi với PV Dân trí trưa nay (2/7), ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã nắm được thông tin Trường Tạ Quang Bửu thay đổi điểm chuẩn “chóng mặt” với 3 kết quả chỉ trong hai ngày.

Điểm chuẩn vào lớp 10 nhảy từ 46 lên 50 điểm tại Trường THPT Tạ Quang Bửu.
Điểm chuẩn vào lớp 10 nhảy từ 46 lên 50 điểm tại Trường THPT Tạ Quang Bửu.

“Theo quy định, trường ngoài công lập được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của BGH sau khi căn cứ vào lượng hồ sơ nộp về. Năm ngoái một số trường THPT ở Hà Nội cũng đã làm như vậy”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù nhà trường làm như thế là không sai quy định, tuy nhiên, BGH cần có cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây nhiều xáo trộn cho phụ huynh học sinh và gây dư luận xấu trong xã hội.

Đồng thời ông cũng khuyên phụ huynh nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em, không nên đua nhau, gây quá tải.

Tiếp tục đề xuất miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở

Tại phiên họp của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 6/7, các đại biểu đã đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật 2 nội dung mới gồm: nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở trường công lập.

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với hai chính sách này và báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp.

Trước đó, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ban đầu, Bộ GD-ĐT đã đề xuất miễn học phí bậc THCS. Sau một thời gian tham khảo ý kiến từ các Bộ ngành, đề xuất này đã bị rút khỏi dự thảo.

Lệ Thu (tổng hợp)