Vẫn bơ phờ vì bài tập về nhà

Dù quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày nhưng trong thực tế, học sinh vẫn phải làm rất nhiều bài tập.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, TP HCM kể: Có lần, một phụ huynh dắt con đến trường phản ứng dữ dội về chuyện cô giáo chủ nhiệm của con yêu cầu bé phải làm bài tập toán kín 7 trang giấy. Nghĩa là cô tính toán nghỉ 7 ngày thì học trò phải làm đủ 7 trang, mỗi ngày 1 trang.

Làm bài tập cả ngày nghỉ lễ

Phụ huynh này cho hay ban đầu tưởng con bị phạt nhưng hỏi các bé khác cùng lớp mới biết cháu nào cũng phải làm như thế. “Tôi hỏi lại thì giáo viên (GV) cho biết vì sợ trẻ ham chơi, ngày nghỉ không chịu học nên ra bài tập đúng với thời gian trên lớp. Mục đích của GV không xấu nhưng nếu ép trẻ làm bài tập đến mức mặt mũi bơ phờ thì lại quá sai trái, nhất là trong kỳ nghỉ” - vị này nói.

Chương trình tiểu học quá nặng cũng là một lý do khiến giáo viên phải giao bài tập về nhà cho học sinh. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Chương trình tiểu học quá nặng cũng là một lý do khiến giáo viên phải giao bài tập về nhà cho học sinh. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Ông Trần Trọng Khiêm, phụ trách giáo dục tiểu học - Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP HCM - cho biết theo quy định của bộ, đối với học sinh (HS) học 1 buổi, khi thời gian trên lớp không đủ giải quyết bài học thì GV có thể giao bài tập về nhà với mục đích ôn tập những bài trên lớp chưa học hết. Còn đối với những HS học chương trình 2 buổi/ngày thì buổi thứ 2 cũng là thời gian học những bài ở buổi 1 chưa xong, về nhà HS không phải làm bài tập. Tuy nhiên, nếu 1 tuần, HS phải học 5 bài toán nhưng thời gian mỗi bài 40 phút không đủ thì có quyền giao bài tập về nhà.

Theo ông Khiêm, lý thuyết là thế nhưng trong thực tế, nhu cầu của phụ huynh rất đa dạng, không ít trường hợp, chính phụ huynh gây áp lực cho GV, yêu cầu GV phải giao bài tập về nhà cho con với lý do nếu không giao thì con lêu lổng, gia đình khó quản. Nhiều phụ huynh có tâm lý khoán trắng con cho nhà trường trong khi phải hiểu rằng cho bài về nhà thì chính phụ huynh phải là người chủ động hướng dẫn con, có bài tập thì nhắc con phải làm. “Nếu có sự tương thích giữa giáo dục ở nhà trường với giáo dục gia đình thì việc có bài tập về nhà hay không không quan trọng nữa, bởi vì mục đích cuối cùng là ý thức, thái độ với học tập của HS” - ông Khiêm nhấn mạnh.

Do chương trình quá nặng

Một chuyên gia giáo dục cho biết việc giao bài tập về nhà cho HS tiểu học nên hay không nên vẫn khó rạch ròi đúng - sai. Ở các quốc gia khác, người ta cấm tuyệt đối là vì có nhiều yếu tố: Chương trình học vừa phải, cơ sở hạ tầng phục vụ cho trẻ vui chơi, học năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống sau giờ học chính khóa rất tốt, phụ huynh tin tưởng vào giáo dục của nhà trường… Còn ở ta, trong nhiều năm, chương trình học của HS tiểu học quá nặng, về nhà các em phải bò ra học. Kể từ khi có Thông tư 30 bỏ đánh giá bằng điểm số, áp lực của HS giảm được chút ít thì chính phụ huynh lại phản ứng, lo con lơ là không chịu học, họ gây áp lực buộc GV phải giao bài tập về nhà.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho biết HS ở độ tuổi tiểu học còn nhỏ, ý thức tự học chưa cao, chính vì thế nên giao bài tập cho trẻ để từ đó hình thành ý thức tự lập, tự rèn luyện nhưng giao thế nào, khối lượng bao nhiêu để học mà chơi, chơi mà học, HS không bị áp lực thì không phải GV nào cũng biết.

Đơn cử, nếu GV yêu cầu trẻ về nhà ôn tập lại bài trên lớp, đọc trước bài ngày mai hoặc chuẩn bị các câu hỏi cho bài học tiếp theo thì rất tốt, vẫn đúng theo quy định. “Nhưng cũng có trường hợp GV không phổ biến kỹ, khiến HS hiểu lầm. Đã từng có em phải về nhà chép lại cùng lúc 2 bài văn dài đã học trên lớp, điều này giống như bị phạt, không còn gọi là làm bài tập về nhà nữa” - bà Hà kể.

Từ thực tế chuyên môn và quản lý, ông Trần Trọng Khiêm cho hay không thể tránh khỏi có GV vì có quá nhiều tham vọng mà nhồi nhét bài tập cho trẻ, xuất phát từ nguyên nhân các thầy cô bị áp lực về chất lượng HS nên khó tránh khỏi tình trạng la mắng, ép trẻ học để làm sao các em có kết quả tốt nhất.

Cần phụ huynh hợp tác

Theo ông Trần Trọng Khiêm, phòng giáo dục vẫn thường nhắc GV rằng dù giao bài tập hay không vẫn phải tạo tâm lý thoải mái cho trẻ, chẳng hạn có thể nói: con thích làm bài nào thì làm. Tuy nhiên, đã giao bài là có kiểm tra. Nhưng dù là biện pháp gì đi nữa, hiệu quả nhất vẫn là gia đình và nhà trường cùng phối hợp, cha mẹ không ỷ lại thầy cô. Ngược lại, phụ huynh cũng cần hợp tác, chính việc phụ huynh cứ yêu cầu GV phải giao bài tập khiến HS có ác cảm với thầy cô, cho rằng chính thầy cô là nguyên nhân khiến các em quá tải. “Phụ huynh nên tạo thói quen học tập cho trẻ dưới sự quản lý của cha mẹ. Trước đây cha mẹ yêu cầu rất nhiều nhưng gần đây thì đã giảm đi khá nhiều từ khi có Thông tư 30 vì không còn nặng về vấn đề điểm số” - ông Khiêm nói.

Theo Đặng Trinh - Như Huỳnh

Người Lao Động