Vì sao bằng dân lập không được trọng dụng?

Trên các thông báo tuyển dụng của các công ty lớn, hầu hết đều ghi rõ ràng "ưu tiên tốt nghiệp hệ chính quy công lập". Trên thực tế, nhà tuyển dụng tuy nói rằng "năng lực thực tế quan trọng hơn bằng cấp", nhưng nhà tuyển dụng luôn xem trọng ứng viên có bằng cấp công lập hơn.

Còn với các sinh viên dân lập vừa tốt nghiệp họ đã gặp không ít đắng cay khi đi xin việc! Vì sao lại có sự " phân biệt đối xử" này? 

 

Trước hết về danh tiếng, dù đã ra đời và nở rộ hơn 10 năm nay nhưng các trường dân lập vẫn chưa xây dựng " thương hiệu" bằng các trường công lập có bề dày như các trường đại học (ĐH) trực thuộc ĐH Quốc gia hay các trường như ĐH Y, Dược, ĐH Luật, ĐH Kiến trúc...ở TPHCM và Hà Nội.

 

Chỉ khi nào các trường dân lập gây dựng được tên tuổi bằng chính chất lượng đào tạo của mình ngang bằng hoặc hơn một số trường công lập tên tuổi thì " thương hiệu" mới thực sự đứng vững.

 

Trong khi chưa làm được điều đó, một số trường lại tìm cách đánh bóng tên tuổi theo cách khác nhưng lại có tác dụng ngược. ĐH dân lập Phương Đông là một điển hình khi chạy theo số lượng tuyển sinh bằng mọi giá. ĐH Mở bán công TPHCM có thời điểm tuyển sinh bằng cách xét tuyển chứ không thi đầu vào và cách này được hầu hết các trường dân lập áp dụng. Thậm chí một trường ĐH dân lập tại Bình Dương từng có ý định xét tuyển cả những sinh viên có tổng điểm ba môn thi chưa đến 5 điểm vào học ĐH!? Chất lượng đầu vào như vậy thì nỗi nghi ngờ về đầu ra hoàn toàn có cơ sở.

 

Có trường chỉ chú trọng đến những hoạt động ngoài giảng đường với những phương châm đại loại như "vui khỏe, học như chơi, chơi như học" để thu hút sinh viên mà quên mất (có thể do cố tình) chất lượng đào tạo mới là tiêu chí hàng đầu. ĐH Hồng Bàng rất chú trọng đến các hoạt động thể thao nhưng chất lượng SV của trường chưa được đánh giá cao. 

 

Trên thực tế những năm gần đây, một số trường ĐH dân lập luôn thiếu người học và tìm mọi cách "vơ vét" sinh viên để bù lại chi phí và duy trì hoạt động đã làm chất lượng chung của khối dân lập xuống thấp. Trong khi đó đại đa số thí sinh dự thi ĐH luôn xem các trường công lập là nguyện vọng 1, khi "cùng đường" họ mới chịu vào dân lập. Không chỉ vậy một số sinh viên học ĐH dân lập năm đầu để chuẩn bị thi vào công lập!

 

Về phía trường, do vấn đề lợi nhuận và quyền lợi của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) luôn được xem trọng cho nên thường xuyên xảy ra bất đồng, đôi khi làm xấu đi môi trường giáo dục như chuyện từng xảy ra tại ĐH Phương Đông, Văn Hiến, Văn Lang...

 

Một số trường, cơ sở vật chất luôn trong tình trạng "vay mượn" nhưng vẫn cấp tập tuyển sinh và sinh viên phải "nay đây mai đó" qua các ngôi trường không đáng gọi là trường. Đội ngũ giảng viên thì phần lớn thỉnh giảng từ các trường công lập bởi giảng viên giỏi và tiếng tăm luôn "chân trong" tại công lập trước khi "chân ngoài" ra dân lập. Những yếu tố trên cộng lại đủ để trả lời vì sao chất lượng chung của các trường ĐH dân lập còn kém xa các trường ĐH công lập.

 

Một số trường như Hùng Vương, Hồng Bàng, Mở bán công... tìm cách "đi tắt đón đầu" bằng cách mở ra một số ngành mới như: Quản lý bệnh viện, võ thuật, cộng đồng... nhưng thời gian chưa đủ để kiểm chứng chất lượng và tạo lập " thương hiệu" cho các ngành này.  

 

Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty nguồn nhân lực NET Viet cho biết: "Thực tế thì cả các tập đoàn lớn cũng thích tuyển nhân viên từ các trường ĐH công lập hơn". Ông Giao còn khẳng định, họ làm như vậy vì kinh nghiệm cho thấy mặt bằng chất lượng chung của sinh viên dân lập còn nhiều khiếm khuyết. Khi phỏng vấn, ông Giao không để ý đến bằng cấp từ đâu nhưng khi có kết quả những ứng viên đạt hầu hết đều từ ĐH công lập.

 

Giám đốc nhân sự của một công ty vận tải biển hàng đầu Việt Nam cũng thừa nhận ngay trong thông báo tuyển dụng từ năm 1995 đến nay công ty ông cũng chưa bao giờ tuyển sinh viên dân lập!

 

Không ít sinh viên dân lập đã bày tỏ nỗi bức xức bị phân biệt đối xử khi đi xin việc nhưng lỗi không phải từ nhà tuyển dụng mà chính trường đào tạo họ cần phải xem lại về cách đào tạo và nâng cao chất lượng.

 

Chất lượng đó phải xuất phát từ "giảng đường" chứ không phải từ những hoạt động "sân trường". Điều đó chỉ thực sự có khi các trường ĐH dân lập xem tiêu chí chất lượng ít ra cũng ngang hoặc hơn tiêu chí lợi nhuận hay danh tiếng riêng của các thành viên HĐQT. 

 

Theo Đại Đoàn Kết