Vì sao ngành mới, “hot” của ĐH Bách khoa Hà Nội lại có điểm chuẩn dự báo thấp?

(Dân trí) - Trường ĐH Bách Khoa HN đã công bố dự báo mức điểm trúng tuyển năm 2019 với 9 nhóm ngành (từ mức 19-20 cho đến 27-28 điểm). Theo đó, ngành Khoa học máy tính (IT1) có mức điểm trúng tuyển dự báo rất cao là 27-28 điểm, một số chương trình đào tạo quốc tế có điểm trúng tuyển dự báo ở mức 19-20 điểm. Vì sao vậy?

PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách Khoa HN cho biết, trường công bố dự báo điểm trúng tuyển là giúp thí sinh có sự lựa chọn tốt nhất trong việc điều chỉnh nguyện vọng với số điểm thi hiện có của mình.

 Các thí sinh có điểm xét cao hơn mức dự báo có thể tự tin đặt nguyện vọng 1 vào các ngành/chương trình mà mình yêu thích, mong muốn. Nhưng nếu có điểm xét thấp hơn mức dự báo thì không phải cơ hội đã hết.

Tuy nhiên thí sinh nên lựa chọn các nguyện vọng tiếp theo cho phù hợp. Đôi khi sự lựa chọn tứ hai thay thứ ba lại đồng hành với ta suốt cuộc đời.

Chương trình tiên tiến phân tích kinh doanh (EM-E13) là một chương trình đào tạo mới, đặc biệt hấp dẫn trên thế giới và hết sức cần thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả công bố điểm trúng tuyển báo của chương trình tiên tiến phân tích kinh doanh là 20-21 điểm. Đây là do thí sinh có thể chưa hiểu hết về ngành học này.

Vì sao ngành mới, “hot” của ĐH Bách khoa Hà Nội lại có điểm chuẩn dự báo thấp? - 1

PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách Khoa HN

Chương trình đào tạo Phân tích kinh doanh là một ngành học “hot” trên thế giới và đây là 1 trong những chương trình tuyển sinh mới của trường ĐH Bách khoa HN trong năm nay nhưng thí sinh e dè vì trường đào tạo chuyên về kỹ thuật nên không thể đào tạo chuyên sâu về khối ngành kinh tế?

Trước khi đi vào cụ thể về trường hợp điểm trúng tuyển dự báo chưa cao của chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh, tôi cung cấp thêm một số thông tin về khối ngành kinh tế - quản lý của Trường ĐH Bách Khoa HN.

Trường ĐH Bách Khoa HN tuyển sinh và đào tạo các ngành kinh tế - quản lý từ năm 1965. Năm 2019, trường tuyển sinh 430 chỉ tiêu bằng hình thức xét tuyển cho 8 chương trình thuộc khối ngành kinh tế - quản lý như: Kinh tế công nghiệp, Quản lý công nghiệp, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, và Phân tích kinh doanh.

Tổ hợp môn xét tuyển là A00, A01, D01, D07 tùy vào các chương trình cụ thể. Như các bạn đã thấy, chương trình tiên tiến phân tích kinh doanh là một trong các chương trình mới được tuyển sinh năm nay. Điểm trúng tuyển hàng năm của khối ngành kinh tế - quản lý tại Đại học Bách Khoa Hà Nội dao động từ 20 – 22 điểm.

Điểm trúng tuyển của một ngành thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chỉ tiêu và số lượng nguyện vọng. Đối với một chương trình đào tạo mới thì mức độ quan tâm, đăng ký của thí sinh đóng vai trò quyết định.

Vì là chương trình đào tạo mới nên chưa thể có các số liệu thống kê về điểm chuẩn hàng năm, tình hình sinh viên tốt nghiệp, cơ hội việc làm … Chính vì vậy, sự “e dè” của các thí sinh là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, tôi chắc chắn rằng trong một vài năm tới, chương trình đào tạo Phân tích kinh doanh sẽ phát triển tốt, được nhiều sinh viên quan tâm theo học.

Ông có thể cho biết tính cấp thiết khi đào tạo ngành phân tích kinh doanh tại Việt Nam?

Phân tích kinh doanh (Business Analytics) là một ngành học có tính liên ngành, trong đó có khối kiến thức toán học, thống kê, kinh tế, tài chính, quản trị và công nghệ thông tin. Hiện nay, sự thiếu hụt nhân lực làm nghề phân tích kinh doanh đang là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo Glassdoor, phân tích kinh doanh là nghề đứng đầu trong số 25 nghề nghiệp tốt nhất, đứng thứ 16 về mức lương với trung bình (hơn 116.000 USD/năm) và có nhiều vị trí được tìm kiếm tuyển dụng nhất trong năm 2015 ở Hoa Kỳ.

Gần đây nhất, theo dự báo của Học viện toàn cầu McKinsey, năm 2018, riêng nước Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 140.000 tới 190.000 chuyên gia phân tích dữ liệu, thiếu 1,5 triệu nhà quản lý biết sử dụng các công cụ của Dữ liệu lớn để thực hiện việc ra quyết định hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cũng đang rất thiếu hụt đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực về phân tích kinh doanh là hết sức cần thiết.

Vì sao ngành mới, “hot” của ĐH Bách khoa Hà Nội lại có điểm chuẩn dự báo thấp? - 2

Vậy trường ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo và bằng cấp của Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh như thế nào?

Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh đào tạo hầu hết bằng tiếng Anh. Khung chương trình, phương pháp giảng dạy được thiết kế trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của một số trường đại học uy tín nước ngoài.

Sinh viên theo học chương trình này có thể học 4 năm trong nước và được Đại học Bách Khoa Hà Nội cấp bằng hoặc có thể theo mô hình 3 + 1 + 1 (3 năm đầu học tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và 2 năm tiếp theo du học nước ngoài và nhận bằng Thạc sỹ Phân tích kinh doanh của trường đối tác).

Như vậy, thay vì phải theo học toàn bộ 4-5 năm ở nước ngoài với chi phí học tập, ăn ở, sinh hoạt phí rất cao, sinh viên vẫn có được bằng của một đại học uy tín trên thế giới mà chỉ phải chi trả bằng khoảng 1/4-1/3 chi phí học toàn bộ ở nước ngoài cho toàn bộ khóa học.

Với khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có kiến thức nền tảng vững chắc, được trang bị các kỹ năng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh bùng nổ của cách mạng công nghiệp và chuyển đổi số, sinh viên tốt nghiệp chương trình này có nhiều cơ hội việc làm tại các tổ chức, doanh nghiệp, các tập đoàn lớp trong nước và quốc tế.

Như trên đã chia sẻ, hiện tại nguồn nhân lực phân tích kinh doanh đang rất thiếu hụt trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, cơ hội việc làm của ngành học này chắc chắn là rất lớn.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Thơm Minh