Việt Nam nên xây dựng hệ thống giáo dục thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội

(Dân trí) - Robot không thể nào thay hết công ăn việc làm mà thực tế là cần những người lao động có kỹ năng mới để làm việc chung với robot. Và để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai thì hệ thống giáo dục phải thích ứng được nhanh với sự thay đổi của nhu cầu xã hội.

Đó là chia sẻ của ông Stephen Ulrich, Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong bài trình bày về "Tương lai của việc làm” tại Hội nghị Giáo dục 2019 với chủ đề “Định hướng tương lai” do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 10/10.

Việt Nam nên xây dựng hệ thống giáo dục thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội - 1

Ông Stephen Ulrich, Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong bài trình bày về "Tương lai của việc làm” tại Hội nghị Giáo dục 2019

Hội nghị giáo dục này thu hút 350 khách tham dự là các nhà đầu tư, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách cùng công chúng quan tâm đến giáo dục chia sẻ tầm nhìn và hướng phát triển của giáo dục hiện đại vì sự tiến bộ của thế hệ tương lai.

Robot không làm biến mất việc làm

Ông Stephen Ulrich cho biết có 3 yếu tố chính sẽ tác động tới việc làm trên toàn thế giới trong tương lai là công nghệ, biến đổi khí hậu và làn sóng chuyển dịch nhân khẩu học. Xu hướng rất lớn trên thế giới là chuyển dịch nhân khẩu học và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở góc nhìn thị trường lao động, Việt Nam có những thách thức như 1,2 triệu người thất nghiệp và trong đó 48% là người trẻ (tương đương gần 600.000 người), có lẻ vì họ không có kỹ năng phù hợp để tìm được việc làm, cũng như chênh lệch về lương rất lớn.

Việt Nam nên xây dựng hệ thống giáo dục thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội - 2

Theo ông Stephen Ulrich, robot không thay thế việc làm trong tương lai 

“Robot không thể nào thay hết công ăn việc làm mà thực tế là cần những người lao động có kỹ năng mới để làm việc chung với robot, chuyển đổi công nghệ trong các ngành công nghiệp cũng như tác động đến sự thay đổi của xã hội. Chúng ta đang nghe nói nhiều đến chuyện việc làm biến mất, robot thay thế con người... Nhưng không phải việc làm biến mất mà phần lớn công việc chuyển đổi thông qua công nghệ. Trong đó, có những công việc phát triển rất nhanh như quản lý mạng xã hội, phân tích dữ liệu lớn, phát triển phần mềm, lái xe Grab… Có thể thấy những công việc mới liên quan đến công nghệ đòi hỏi phải có kỹ năng liên quan đến STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học). Thực tế cũng cho thấy, hiện nay 8/10 việc làm trên thế giới đòi hỏi điều này. Và STEM rất khó để học. Tại Việt Nam, 12 triệu người trong tổng số 60 triệu người hiện nay được đào tạo chuẩn về kỹ thuật. Tỷ lệ này đang gia tăng. Nhưng muốn chuẩn bị cho thế giới việc làm tương lai thì rất nhiều lao động Việt Nam cần đào tạo một cách chính thống ở tất cả lĩnh vực của xã hội”.

Ông Stephen cho rằng: “Để người trẻ sẵn sàng tìm việc ở tương lai thì đòi hỏi phải có kỹ năng về công nghệ, kỹ thuật. Điều này đòi hỏi họ sẽ được giáo dục tốt hơn, gắn vào công nghệ hơn và đồng nghĩa là yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào hệ thống giáo dục. Như vậy chi phí của giáo dục sẽ đắt hơn trong tương lai vì chúng ta cần đầu tư vào công nghệ mới đào tạo được công nghệ cho người học”.

Việt Nam nên xây dựng hệ thống giáo dục thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội - 3

Hội nghị giáo dục này thu hút 350 khách tham dự quan tâm đến các vấn đề giáo dục

Giám đốc tổ chức ILO đưa ra 2 khuyến nghị dành cho Việt Nam để giải quyết những vấn đề trong sử dụng lao động hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Đó là tập trung đào tạo kỹ năng để người lao động thích ứng, tự điều chỉnh với những công việc mới, và nên tập trung vào những ngành tập trung số lượng lớn lao động. Ông cũng đề xuất sự đối thoại nhiều hơn giữa những người lao động, người làm công tác đào tạo và những người sử dụng lao động để tìm điểm giao giữa cung-cầu trong sử dụng lao động.

"Hệ thống giáo dục nào thích ứng được nhanh với sự thay đổi của nhu cầu xã hội, hệ thống đó sẽ thành công", Stephen kết luận.

Tất cả cha mẹ trên thế giới đều định hướng nghề cho con

Một người tham dự tại hội nghị cho biết cảm thấy sốc với con số 48% thanh niên thất nghiệp. Vị này đặt câu hỏi với ông Stephen rằng“Hiện nay có nhiều sinh viên chọn ngành học theo ý kiến của bố mẹ. Như vậy có cách nào để học sinh có định hướng tương lai tốt hơn?”.

Trả lời điều này, ông Stephen Ulrich cho biết mọi cha mẹ đều muốn con mình làm ngành gì mà họ thấy tốt cho con trong tương lai. Vấn đề này xảy ra với tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta hỏi một người 16, 18 hay thậm chí 20 tuổi có hiểu gì về thị trường lao động hay không thì rất khó có câu trả lời. Ngay cả bố mẹ cũng chưa chắc trả lời được điều này dù họ có kinh nghiệm nhưng không thể biết những nghề mới nào ra đời.

Vì vậy, để giới trẻ thất nghiệp ít hơn, cần phải đưa công việc, đưa thị trường lao động đến gần nhà trường hơn. Đưa những thông tin thực tế về việc làm đến trường học đưa doanh nghiệp đến trường sớm thì sinh viên, học sinh mới có thể tiếp cận, thử và biết việc làm thực tế như thế nào.

Lê Phương