Bạn đọc viết:

Viết văn là phải… bịa: Một thực tế đáng suy nghĩ

(Dân trí) - Khi tôi hướng dẫn con làm bài tả cảnh quê em, con tôi không làm theo gợi ý của mẹ, mà nói rằng cô giáo và các bạn đều bảo “làm văn là phải bịa”, nhiều bạn lớp con bịa hay lắm vẫn được cô giáo khen. Nghe con nói, tôi giật mình…

Thực ra, điều này từ lâu đã được mọi người ngầm biết với nhau, chỉ có điều không ai nói thẳng ra thôi. Bản thân tôi thời học phổ thông cũng nhiều lần phải dùng đến chiêu bài “bịa” nên tôi rất hiểu. Đến nay, khi dạy con làm văn, tôi luôn ý thức hướng dẫn con viết những câu văn chân thực nhất có thể nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi lối suy nghĩ đã ăn mòn “viết văn là phải bịa”, nhất là khi bị bắt buộc, khiên cưỡng viết ra những câu, những bài văn mà bản thân chưa hề quan sát, trải nghiệm.

Lỗi này không thể trách những đứa trẻ được. Vì bản thân chúng sinh ra và lớn lên ở thành phố, năm thì mười họa mới được về quê. Có những đứa trẻ cả nhà nội và nhà ngoại đều ở thành phố thì lấy đâu ra quê mà về. Chính tôi, sinh ra từ những năm 80 của thế kỉ trước mà cũng chả mấy khi có dịp về quê. Nhớ lại những bài văn tả cảnh thôn quê xưa kia hầu hết đều vay mượn từ sách vở và phát huy trí tưởng tưởng mà có. Đến con ngan, con vịt còn mãi mới phân biệt được, con trâu, con bò còn khó khăn hơn huống chi là trẻ con thời “a còng”.

Ngay cả những đứa trẻ sinh ra ở quê cũng không có thời gian để quan sát tìm hiểu kĩ thiên nhiên, cảnh vật nơi mình sống vì chúng đi học cả ngày, tối về còn phải ôn bài, chưa kể còn học thêm.

Một thực tế khác là với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nhiều vùng quê đang mất dần đi nét đẹp xưa cũ của nó. Khắp nơi chỉ thấy ngổn ngang gạch đá, cát bụi xây dựng, đường làng đã bê tông hóa, ô tô, xe máy đi lại ầm ầm, nhà cửa mọc lên như nấm, hàng quán chen chúc, cánh đồng bị đẩy lùi, xa tít tắp tận đâu. Có bậc cha mẹ nào cất công lặn lội đi tìm, để tận mắt chỉ cho con thấy cảnh lá lúa trổ bông hay mạ đã lên đòng như thế nào đâu. Sông ngòi, không cần nói ai cũng biết mức độ ngày càng ô nhiễm, dòng nước quanh năm đục ngầu, hai bên bờ sông ngập trong các loại rác thải, chả ai dọn dẹp. Còn đâu hình ảnh trong xanh, hiền hòa, còn đâu cảnh mùa hè mọi người ra sông nô đùa tắm mát, ngồi hóng gió bên bờ đê, nghe tiếng kẽo kẹt của tre làng. Tất cả đều đã là dĩ vãng xa xôi.

\Vậy mà trẻ vẫn viết thế và cô giáo vẫn khen đúng, khen hay hoặc bố mẹ vẫn hướng dẫn con phải viết như thế mới ra cảnh thôn quê. Giả dối, một sự giả dối trầm trọng. Bịa để lấy điểm đã đành, nhưng bịa còn tiềm ẩn một nguy cơ lâu dài là sớm nhồi nhét vào đầu óc trong sáng, ngây thơ của trẻ căn bệnh giả dối của người lớn. Môn Đạo đức, Giáo dục công dân ra sức dạy trẻ phải sống trung thực, chân thành, còn với lối dạy và học văn “bịa là chính” như hiện nay thì thầy cô, cha mẹ phải trả lời các con như thế nào đây? Khi nhỏ, chúng chưa biết phản biện, chất vấn nên thụ động nghe theo. Đến khi lớn lên, học ở bậc phổ thông tuy hiểu biết hơn chút ít nhưng đã quen với một lối mòn bịa cho xong nên không thích nhân vật A, không thích tác phẩm B, vẫn bảo là thích lắm, yêu lắm.

Thói quen nói một đằng nghĩ một nẻo thật nguy hiểm, khi bước ra đời sẽ tạo nên những công dân thiếu trung thực, coi sự giả dối là bình thường, đương nhiên. Lối suy nghĩ xuôi chiều, bắt chước những gì đã có, tạo nên những con người a dua không chính kiến, một đám đông mờ nhạt. Phải chăng xã hội ngày càng hời hợt, vô cảm cũng bắt đầu từ chính nguyên nhân này?

Chức năng chính của văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống, đời sống xã hội như thế nào thì văn học như thế ấy, chứ không phải tô hồng, cố viết những lời hay ý đẹp để nghe cho sướng lỗ tai, còn bất kể sự thực ra sao.

Theo tôi, dạy trẻ học văn, làm văn, cốt nhất là hãy dạy trẻ viết đúng, viết đủ những điều trẻ quan sát, cảm nhận thấy. Tuy nó không hay, không đẹp nhưng trước hết nó phải thật đã, sau đó mới hướng dẫn trẻ cách nhìn nhận vấn đề ở góc độ tích cực, tốt đẹp.

Ví dụ khi tả cảnh làng quê nếu không nhìn thấy cây đa, bến nước, sân đình vốn là những hình ảnh truyền thống vẫn ăn sâu trong tâm thức người Việt thì thôi đừng viết. Có thể viết rằng: “Quê em đang trên đà đổi mới, cuộc sống hiện đại hóa, đô thị hóa đã thổi một luồng gió mới đến từng đường làng, ngõ xóm. Khung cảnh xây dựng ngổn ngang, liên tục chứng tỏ kinh tế của mọi người khá giả hơn, ai cũng có tiền để xây nhà cửa to đẹp khang trang v.v.”. Nếu phải tả về con trâu, cánh đồng lúa thì giáo viên cứ mạnh dạn hướng dẫn học sinh viết rằng em chưa từng được trực tiếp nhìn thấy con trâu, cái cày mà chỉ biết đến  thông qua sách báo, tivi. Trong cảm nhận của em, em thấy con trâu thế này, thế kia…v.v”.

Đằng nào thì trẻ cũng không được quan sát thực tế, vậy dạy trẻ viết đúng, viết thật còn có ý nghĩa giáo dục hơn nhiều lần việc mớm lời cho trẻ nói dối, nói sai sự thật.

Tôi hiểu ý đồ của người soạn sách là muốn trẻ làm quen với các kiểu loại văn khác nhau theo trình tự từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ quan sát trực quan sinh động trong văn miêu tả đến suy tưởng, lập luận logic trong văn nghị luận. Nhưng thực tế cuộc sống ngày nay, văn miêu tả đối với trẻ ở thành phố có lẽ còn khó hơn văn tưởng tượng. Bảo trẻ miêu tả một cuộc chiến giữa các hành tinh có lẽ còn dễ hơn một cuộc chọi trâu, chọi gà vốn được coi là nét đẹp văn hóa; bảo trẻ tả một trung tâm thương mại có lẽ dễ hơn tả một cánh đồng…Bởi chỉ những không gian cảnh vật nào, ta  thực sự được gần gũi thân thuộc thì mới hiểu thật sâu để miêu tả tường tận và có những cảm xúc chân thành.

Mong sao trong chương trình sách giáo khoa mới, những người làm sách sẽ tư duy lại cho hợp với cuộc sống đang thay đổi từng ngày, không nên áp dụng mãi cách học văn, làm văn của mấy mươi năm trước hoặc có những đề văn mở dành cho học sinh từng vùng miền có thể lựa chọn tùy theo môi trường sống của mình.

Dư Phương Liên

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!