Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ: Có thể xử phạt mức án 3 năm tù!

(Dân trí) - Theo các luật sư, hành vi bạo hành trẻ em vừa xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (TPHCM) hoàn toàn có thể khởi tố hình sự, mức án dành cho hành vi này có thể lên đến 3 năm tù giam.

Sáng 27/11, Công an quận 12 (TPHCM) cho biết đã mời bà Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1974) chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (ở phường Hiệp Thành, quận 12) lên làm việc vì có dấu hiệu bạo hành trẻ em.

Tại cơ quan điều tra, bà Linh đã thừa nhận hành vi dùng tay chân, muôi múc canh, can nhựa, cây lau nhà, thậm chí là dao... để hành hạ, đánh đập, đe dọa các em nhỏ. Bà Linh cho rằng do các bé hiếu động nên giáo viên và bà phải đánh để các cháu sợ và nghe lời.

 Bà Phạm Thị Mỹ Linh bị công an quận 12 tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em (ảnh: Đình Thảo).
Bà Phạm Thị Mỹ Linh bị công an quận 12 tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em (ảnh: Đình Thảo).

Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Được quy định rõ tại điều 4 luật trẻ em năm 2016. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo luật sư Hưng, nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật hình sự.

Còn nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cho biết: “Từ những vụ việc bạo hành dư luận quan tâm thời gian qua ở tỉnh Đồng Nai, quận Thủ Đức, Gò Vấp (TPHCM)... cho thấy các vụ việc diễn ra ở nhà trẻ tự phát, không có giấy phép hoặc có cơ sở được cấp phép nhưng hoạt động rất tùy tiện”.

“Có cơ sở chúng tôi xuống kiểm tra thì người nuôi dạy trẻ không có hồ sơ nghiệp vụ về sư phạm mầm non, cơ sở vật chất không đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Là một phụ nữ, một người mẹ, tôi thấy cần có những biện pháp rất nghiêm khắc đối với những cơ sở giữ trẻ thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu vệ sinh và an toàn”, bà Nữ nói.

Theo bà Nữ, khi tiếp xúc để tìm hiểu nguyên do vì sao bạo hành trẻ, một số cô giải thích do nóng tính, công việc giữ trẻ thời gian từ sáng đến tối, trẻ có lúc tăng động nên xảy ra hành vi đánh trẻ. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm, trong đó đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Và các cô cần lưu ý đây là trẻ em.

Bà Nữ cũng khuyến cáo: “Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ, không thể giao hết trách nhiệm cho nhà trường. Khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi, nhà trường và phụ huynh cần bình tĩnh, thông báo đến cơ quan gần nhất”.

Xuân Duy