Xã hội hóa môn Văn: Mới đi đã... quá xa

<a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/10/148550.vip">Bài văn gây xôn xao</a> cộng đồng mạng Việt Nam của em <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/10/148769.vip">Hà Minh Ngọc</a> là sự kiện châm ngòi cho một loạt đổi mới trong khâu ra đề văn tại các trường THPT. Tuy nhiên, vài tháng sau nhìn lại mới thấy sự đổi mới này đang có phần... “đi quá xa”!

Ranh giới giữa thực và bịa

Câu chuyện có thật sau đây xảy ra tại một lớp 10 ở Hà Nội. Trước đề văn “Hãy kể về một người thân yêu của em”, các em gái trong lớp thường kể về mẹ, các em trai lại “tôn vinh” bố. Riêng em N.T.A. có bài viết về tình cảm với bố khi ông không còn nữa.

Theo bài viết, bố em bị tai nạn giao thông mới qua đời. May sao cô giáo dạy văn lại chính là cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô mới gặp bố N.T.A. trong cuộc họp phụ huynh cách đó ít ngày. Giật mình, cô giáo gọi em ra hỏi: “Tại sao con lại viết sai sự thật như thế?”. Em trả lời: “Bố mẹ em đều bình thường, nhà em chả có chuyện gì xúc động. Em nghĩ nếu không viết cho “đặc biệt” thì khó được điểm cao”.

Loại đề khuyến khích các em viết “tự truyện sớm”, kể ước mơ, kỷ niệm, tưởng tượng tương lai... thế này đang dẫn đến nhiều chuyện nực cười “thật giả lẫn lộn” khiến chính các thầy cô lắm khi cũng bị xúc động… nhầm. 

Không riêng lớp nào, trường nào, hầu hết học sinh đầu cấp THPT năm nay đều đang bị cuốn vào cuộc đổi mới... “tuốt”. Năm nay, Bộ GD-ĐT phát hành hai bộ sách Ngữ văn 10: Bộ Chuẩn dành cho ban Cơ bản và ban Khoa học tự nhiên, còn Bộ Nâng cao dành cho học sinh học Ban Khoa học xã hội. Các sách này được giáo viên gọi là sách “cải cách”.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 “cải cách” có phần gợi ý về các đề văn cho mỗi lần kiểm tra. Đề số 2 từ sách giáo khoa (Bộ chuẩn - Ban Cơ bản) có yêu cầu: Viết tiếp truyện “An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy”, với giả thiết họ gặp nhau dưới thủy cung

Có em tưởng tượng Trọng Thủy xin lỗi Mỵ Châu và được tha thứ theo đạo lý của dân tộc “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Rồi hai người đoàn tụ, sinh ra một bé gái, một bé trai. Họ đặt tên con gái là Âu, con trai là Lạc để nhớ chuyện nước Âu Lạc đã bị mất vì sai lầm ngày trước... Cô giáo cũng khó mà khen - chê để học trò thật “tâm phục khẩu phục” trong trường hợp này.

Nhiều em khác thì lấy tình tiết, lời lẽ từ phim Hàn Quốc, phim Hong Kong kiểu mất trí nhớ, gặp tai nạn... Với đề yêu cầu hình dung mẹ con Cám gặp nhau dưới âm phủ có em hình dung ra gặp cả bố Tấm trong... “phòng chờ”.

Ông bố lên tiếng trách dì ghẻ: “Mình! Sao mẹ con mình lại ác với con gái tội nghiệp của tôi thế?”. Lại có em “sáng tạo” Cám bị tai nạn rơi xuống vực mất trí nhớ rồi gặp được “tình yêu” của tráng sĩ ở âm phủ...

Có trường hợp đề văn của cô giáo là: Em hãy tưởng tượng đang ở 15 năm sau của đời mình và hồi tưởng lại quá trình trưởng thành. Một học sinh đã hình dung mình đang đưa con đi chơi, “nhìn mắt con ngây thơ” và kể cho con về “ngày xưa của bố”. Cả bài văn, em này xưng “bố” rất hồn nhiên (giọng kể cho con mà)...

Nhiều giáo viên dạy văn lớp 10 ngán ngẩm: Em nào “ngấm” bài thì viết khá thú vị nhưng em nào lười học thì bịa lung tung. Ranh giới của việc này rất khó lường.

Bất cập cả với cô giáo

Khi chấm bài theo cách ra đề mới, thầy cô sẽ đỡ thấy chán như chấm loạt bài giống nhau do cùng chép bài mẫu ngày trước. Nhưng đây chính là điều khó cho giáo viên dạy văn. Một cô giáo cho biết: Trước đây, chỉ cần “ngửi văn” là biết ngay học sinh dùng tài liệu nào, sau đó liều liệu “đo gang, chấm ý” rất nhanh. Còn bây giờ, là những tâm sự riêng, hoàn cảnh riêng của học trò nên các thầy cô không chấm “xêm xêm” được.

Với không ít nhà giáo, đây còn là một “kênh” để hiểu học trò và thế hệ của các em. Tuy nhiên, các thầy cô có thể bị xúc động sai và chấm điểm theo cảm tính. Và khi văn “trăm hoa đua nở”, nhiều “phách”, đa “nhịp” thì việc thầy nhận xét bài hay, bài dở trong tiết dành để trả bài cũng khó có chuẩn...

Một điều nữa mà nhiều người kinh nghiệm trong nghề tiên liệu: Sau giai đoạn “sáng tạo”, nhiều em sẽ nhận ra và copy những kiểu bài mẫu hiện không thiếu trên mạng. Và sắp tới sẽ có đầy những “bài văn” kiểu “vai gầy của mẹ”, “tiếng ho của cha” hay “nỗi đau nhức nhối từ vết thương ở chiến trường năm xưa của cha luôn xé lòng con lúc trái gió, trở trời”... những bài luận na ná các bài trong những tập sách “học làm người”, “những tấm lòng cao cả”…

Người viết bài này biết chuyện một học sinh lớp 6, em là học sinh giỏi văn và là con của một nhà giáo có uy tín. Đầu năm học, cô giáo dạy văn mới đã cho em điểm 4. Mẹ em tâm sự: Cả nhà “ăn không ngon ngủ không yên” vì con gái tôi cứ khóc dấm dứt mãi.

Đề văn cô giáo ra là: Em hãy kể một kỷ niệm tình bạn. Em kể chuyện sáng sáng mình thường đi ăn phở 7.000 đồng với một bạn gái học cùng lớp. Mấy hôm bạn ấy tránh không đi ăn cùng khiến em rất buồn. Em tìm hiểu thì biết bạn toàn mua 1.000 đồng xôi và ăn một mình. Bác hàng xóm cho biết mẹ bạn mới phát hiện bị bệnh ung thư nên bạn không dám xin tiền ăn phở hàng ngày nữa. Biết thế, sáng sáng, em đã mua một gói xôi to để ăn cùng bạn. Hai tuần trôi qua, mỗi lần ăn xôi em đều bị nghẹn.

Có lần em thầm gọi mẹ mình: “Mẹ ơi, mẹ vẫn biết con ghét nhất là ăn xôi, nhưng nếu mẹ biết chuyện thì mẹ cũng đồng ý mẹ nhỉ. Xôi khó ăn nhưng con thấy ấm lòng vì thật gần gũi với bạn con”… Đọc bài văn của em, cả nhà em đều xúc động chảy nước mắt vì câu chuyện có thật em đã viết.

Nhưng lời phê của cô giáo là: “Tình bạn sao lại toàn chuyện ăn uống?”. Là giáo viên dạy giỏi môn văn mẹ em hiểu rằng không phải cô giáo không “thẩm” được mà vì cô quen kiểu chấm bài ẩu, đọc lướt qua thấy toàn “phở” và “xôi” nên đã cho điểm 4 với lời phê như vậy.

Học văn hay đào tạo nhà văn?

Với cách ra đề mới, ngỡ học trò có thể “thăng hoa” bằng trí tưởng tượng bay bổng song thật ra lại khuyến khích các em “quên” kiến thức cơ bản và khó có thể tự “ôn luyện”.

Đổi mới ra đề là đúng nhưng hình như sự đổi mới hơi quá giật cục. Thay vì bàn mãi về nàng Kiều, về anh Hoàng - anh Độ trong truyện của Nam Cao… nay học trò gần như không cần quan tâm mà chỉ cần “thả hồn” theo những bài văn luận về tình bạn tình yêu, về cảm nhận cuộc sống.

Khi đề không hỏi gì về các nhân vật và các tác phẩm nổi tiếng mà thầy cô đang dạy trên lớp, thì các em từ chỗ học nhồi nhét nay không cần học gì nữa. Không lẽ “xã hội hóa môn văn” đến chỗ không còn gì liên quan đến tác phẩm văn chương nữa sao? Đổi mới cách ra đề quá độ, có thể học sinh sẽ lười học.

Theo loại đề này mãi có nguy cơ các em sẽ bị hổng đáng kể kiến thức nền tảng của bộ môn. Nếu theo hẳn kiểu ra đề văn này thì chương trình cũng phải thay đổi tận gốc. Theo đó, cung cấp kiến thức cơ bản là phụ, mà phát huy sáng tạo - thực chất là đào tạo nhà văn - là chính.

Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên bộ sách Ngữ văn nâng cao, đề đổi mới đến đâu cũng không nên xa rời việc giảng dạy các tác phẩm văn học. Nếu “xoay 180 độ”, người chóng mặt không sớm thì muộn vẫn là học sinh. Tuy các em không bị trói buộc bởi một số kiểu bài nhưng lại “khôn lường” trước sự đổi mới đề của thầy cô.

Trả lời chúng tôi, một số giáo viên dạy văn cho biết: Đề theo “định hướng” của sách đang quay lưng lại chương trình học. Tổ văn ở nhiều trường đang bàn sẽ “tự cơ cấu” kiểu đề 5-5. Tức là 5 điểm cho dạng đề truyền thống để kiểm tra việc lĩnh hội tác phẩm văn học và 5 điểm cho kiểu đề mới (phát biểu cảm tưởng, kể lại chuyện riêng, luận về các vấn đề…). Nhưng lại vướng vấn đề thời gian kiểm tra, 1 tiết làm bài thì không thể thoả mãn cho đề hai câu như thế.

Cho nên giáo viên “năng động” lại phải tự “du di” tăng thành làm bài 2 tiết. Còn giáo viên “nguyên tắc” thì đành chờ “cải cách của cải cách”... Việc co kéo tiết như thế lại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chương trình dạy...

Thế mới hay, việc đổi mới chỉ bàn từ góc độ ra đề môn văn cũng đã thấy không phải cứ “cố lên” làm ào ào, vội vàng là được. Kéo gần môn văn về đời sống là ý tưởng hay nhưng không nên thực hiện bằng con đường đơn giản, làm thô vụng bộ môn vốn được coi là môn học của tâm hồn này.

Theo Thiên Anh
Tiền Phong