Xây dựng đại học tinh hoa ở Việt Nam có khó?

(Dân trí) - Để có một đại học tinh hoa như mong muốn thì phải có môi trường đậm đặc nhân tài từ giảng viên đến sinh viên, cùng với đó, hệ thống quản trị văn minh, cơ sở vật chất và tài chính đều phải rất mạnh.

 Đó là chia sẻ của TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tại buổi tọa đàm về: “Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có đại học tinh hoa”.

Cần đầu tư nhiều tỉ đô để đào tạo nhân tài

Tại buổi tọa đàm, TS. Lê Mai Lan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, không phải tự nhiên mà người ta nói rằng, cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay chính là cạnh tranh về nhân tài bởi nhân tài là những người tiên phong, có năng lực dẫn dắt sự phát triển thịnh vượng, thậm chí có khả năng thay đổi vận mệnh quốc gia. 

Khan hiếm nhân tài là vấn đề toàn cầu. Ngay từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu đã tìm kiếm các giải pháp thu hút và đào tạo nhân tài, trong đó việc hình thành các Đại học Tinh hoa, đẳng cấp thế giới được coi là một giải pháp căn cơ và then chốt. 

Kết quả là tạo ra các hình mẫu của Đại học Tinh hoa, nơi tập trung đậm đặc nhân tài, nơi kiến tạo các thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá và những nhà lãnh đạo, tỷ phú, nhà khoa học, chuyên gia… dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu.

Xây dựng đại học tinh hoa ở Việt Nam có khó? - 1

Bản đồ thiếu hụt nhân tài thế giới

TS. Lê Mai Lan dẫn chứng, vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, chính phủ một số quốc gia châu Á nhận thấy lợi ích to lớn của đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu đỉnh cao, nên đã thiết kế các chương trình chiến lược để hấp dẫn tài năng toàn cầu và nâng hạng một số Đại học tinh hoa.

Đơn cử, Hàn Quốc có chương trình Brain Korea 21 với quy mô khoảng 3,5 tỷ Đô la; Đài Loan có chương trình Dự án 550 quy mô 1,7 tỷ Đô la; Trung Quốc có chương trình China 985 quy mô 10 tỷ Đô la  và Nhật Bản có Chương trình  GCE quy mô 2,5 tỷ Đô la.

Theo TS Lê Mai Lan, các nỗ lực của Chính phủ và Doanh nghiệp  đều có chung  mục tiêu đầu tư cho Đại học Tinh hoa, nhằm tìm kiếm, đào tạo và phát triển nhân tài. Bởi nhân tài có 3 đặc điểm nổi bật: "Là người kiến tạo ra ý tưởng, công trình, sản phẩm… xuất sắc; Có tác động lớn, ảnh hưởng tích cực đến đời sống, con người; Là “nhà sản xuất” ra các thành quả xuất sắc, để những người còn lại được thụ hưởng thành quả đó".

TS Lê Mai Lan cũng chia sẻ thêm bài học của Hàn Quốc. Theo đó, từ năm 1960 đến nay, Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ từ một quốc gia nghèo châu Á với GDP vỏn vẹn 3,4 tỷ USD trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới với GDP 2.235 tỷ USD, thu nhập bình quân 43.000 USD/người.

Trong quá trình ngoạn mục này, chính phủ Hàn quốc và các Tập đoàn lớn như Samsung, LG, Huyndai, Daewoo, Posco,…đã đầu tư, tài trợ hàng chục tỉ đô la để phát triển một số rất ít các Đại học Tinh hoa với sứ mệnh đào tạo các lãnh đạo với tầm nhìn rõ ràng, tri thức sáng tạo, và nhân cách tuyệt vời cho xã hội tương lai.

Các trường Đại học này thực sự đã đóng vai trò dẫn dắt, mở đường cho tiến bộ khoa học và kỹ thuật quốc gia; thúc đẩy công nghệ, học thuật và phát triển kinh tế tại Hàn quốc.

Xây dựng đại học tinh hoa ở Việt Nam có khó? - 2

Sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Hàn quốc từ 1960-2010

 Hiện nay, Hàn Quốc có 4 trường đại học thuộc nhóm “Skys” được xếp hạng Top 100 các Đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS 2019.

Đặc biệt họ có Viện Khoa họcvà Công nghệ Postech và Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn quốc KAIST là những đại học Top10 trong nhóm các Đại học trẻ dưới 50 tuổi và có vị trí  hàng đầu trong lĩnh vực khoa học vật liệu; điện điện tử; kỹ thuật cơ khí và khoa học máy tính.

Cần nguồn lực như thế nào để xây dựng được ĐH tinh hoa?

Vậy, ĐH tinh hoa xây dựng như thế nào? Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup TS. Lê Mai Lan cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên ĐH tinh hoa đó là: Có môi trường đậm đặc nhân tài (giáo sư, nghiên cứu sinh, sinh viên, tính quốc tế…); Quản trị văn minh (tầm nhìn, tự do học thuật, văn hóa…) và tài chính dồi dào.

Theo TS Lê Mai Lan, việc đầu tư để xây dựng đạt tiêu chuẩn của ĐH tinh hoa sẽ vô cùng đắt đỏ, vì từ chế độ đãi ngộ giáo sư, chính sách đào tạo giảng viên, thư viện, phòng thí nghiệm, hệ thống CNTT,  môi trường thực tập, học kỳ quốc tế cho sinh viên… đều  theo tiêu chuẩn hết sức cao.

Theo khảo sát, học phí của các ĐH tinh hoa trên thế giới chỉ bù đắp khoảng 60% chi phí học tập, phần còn lại cần dựa vào các nguồn thu từ nghiên cứu, tài trợ của chính phủ và các khoản hiến tặng khác.  

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thành lập trường đại học tinh hoa ở Việt Nam là vô cùng khó khăn. Nhà nước làm là rất khó vì nhà nước phải lo cho giáo dục đại chúng, nhất là chúng ta là một nhà nước công nông nên không thể đòi hỏi nhà nước thúc đẩy xây dựng đại học tinh hoa, tập trung đầu tư cho giới tinh hoa.

Ông Dũng cho hay, cách đây mười mấy năm, Việt Nam đã có ước vọng xây dựng một đại học kiểu Harvard nhưng đã gặp vô cùng khó khăn, không dễ chút nào. Sau đó, chục năm sau mới ra được hình hài một trường đại học theo mô hình đó là trường Fulbright. Tuy nhiên, hành trình đó vẫn khó khăn vô cùng về mọi mặt mà một trường đại học tinh hoa cần phải có. 

Chính vì vậy, ông Dũng nhận định, có lẽ chỉ có tư nhân mới làm được trường đại học tinh hoa, chứ khó mà đòi hỏi điều này ở nhà nước. Việc xây dựng một đại học tinh hoa của Vingroup thực sự là một cố gắng rất to lớn. 

Xây dựng đại học tinh hoa ở Việt Nam có khó? - 3

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn đặt câu hỏi, nếu VinUni đưa mô hình đào tạo nhân tài ở Mỹ về, liệu có phát huy được trong môi trường văn hóa Việt Nam hay không? Nếu không có sự gắn kết với môi trường xã hội Việt Nam thì liệu có thành công được hay không?

Ông Dũng cho rằng, người tài không có được một cái gắn kết với văn hóa, với môi trường xã hội ở Việt Nam, thì chưa chắc đã thành công. 

Theo ông Dũng, nhân tài thiếu nhiều nhất thực ra là trong lĩnh vực Khoa học xã hội. Lĩnh vực này không thể nhập khẩu nhưng đây lại là mảng mà chúng ta thiếu rất nhiều người tài, hơn nữa đây lại là lĩnh vực nền tảngrất quan trọng có thể thúc đẩy, thay đổi đất nước. 

Vậy, tại sao VinUni không đào tạo nhân tài Khoa học xã hội mà chỉ hướng tới việc phát triển đào tạo 3 lĩnh vực trọng điểm là kinh doanh, công nghệ và khoa học sức khỏe?

Trả lời câu hỏi này, GS Rohit Verma, hiệu trưởng trường ĐH VinUni cho biết, câu hỏi là chúng ta làm gì với tài năng đó để đóng góp cho xã hội. Chúng tôi muốn làm và xác định 3 lĩnh vực Việt Nam đang rất cần. Sau đó thành công sẽ phát triển ra các lĩnh vực khác như KHXH.

Xây dựng đại học tinh hoa ở Việt Nam có khó? - 4

TS. Lê Mai Lan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và GS Rohit Verma, hiệu trưởng trường ĐH VinUni.

Phát biểu trong buổi tọa đàm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT bày tỏ, rất hy vọng Vingroup xây dựng thành công được ĐH tinh hoa bởi vì VinUni đang đi theo sự khác biệt với các đại học khác, bên cạnh đó, VinUni không phải lo lắng về đất, lo về tiền, trong khi đây là khó khăn mà nhiều trường đại học Việt Nam đang gặp phải. 

 “Việt Nam là quốc gia đông dân,  đang nằm trong khu vực có tốc độ phát triển nhanh vào loại nhất thế giới, còn nhiều lĩnh vực mà đất nước có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn thành lập Đại học VinUni theo mô hình Đại học Tinh hoa, để đào tạo phát triển nhân tài có hoài bão lớn, phẩm chất tốt đẹp và đủ bản lĩnh, trí tuệ để dẫn dắt thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Với đầu vào chọn lọc, quy mô không thể lớn, và không thể có lợi nhuận từ Đại học tinh hoa. Nhưng vì sự phát triển chung của đất nước, chúng ta vẫn phải làm” – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.

Hồng Hạnh