Bạn đọc viết:

Xin đừng bắt ép trẻ phải chở giấc mơ của mẹ cha!

(Dân trí) - Áp lực học hành mỗi ngày đều đặn gõ nhịp. Áp lực thi cử mỗi dịp cuối năm cứ thế dội đến khiến con trẻ choáng ngợp. Và khi nhà có trẻ rục rịch thi vượt cấp, thi tốt nghiệp mới thật sự xáo trộn lớn trong sinh hoạt.

Đọc bài viết “Tôn trọng và đồng hành cùng con trong mùa thi: Vẹn cả đôi đường” của bạn đọc Thanh Thanh trên báo Dân Trí, tôi thật sự mừng vui cho cô bé tuổi trăng rằm trong câu chuyện. Con may mắn nhận được sự thấu hiểu của bố mẹ và bước đường học hành trở nên nhẹ tênh, lâng lâng hạnh phúc.

Tiếc thay, không phải đứa trẻ nào cũng có thể nở nụ cười tươi tắn như cô bé trong câu chuyện giữa bập bùng “lửa thi”. Áp lực học hành mỗi ngày đều đặn gõ nhịp. Áp lực thi cử mỗi dịp cuối năm cứ thế dội đến khiến con trẻ choáng ngợp. Và khi nhà có trẻ rục rịch thi vượt cấp, thi tốt nghiệp mới thật sự xáo trộn lớn trong sinh hoạt.

Một người chị của tôi vừa kể chuyện gia đình mình giữa tâm điểm mùa thi khiến mọi người đều “rùng mình” trước sức ép thi cử. Chị có cô con gái đầu chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học trong mùa hè này. Không nói ra thì ai cũng mường tượng được sức ép thi cử đè nặng thế nào để nhân lên không khí căng thẳng trong gia đình chị.

Con gái của chị đang theo học ngôi trường có tiếng ở thành phố. Bé con vừa tổng kết điểm cuối năm đứng đầu khối và đây là kết quả được cô bé duy trì thường xuyên suốt 3 năm qua. Dù vậy, kết quả ấy vẫn không làm chị hài lòng bởi giấc mơ của chị lại đặt hoàn toàn ở ngôi trường bên cạnh - Trường chuyên Quốc Học.

Còn nhớ thời điểm 3 năm trước, khi cô bé thi tuyển lớp 10 vào lớp chuyên Anh, con bị thiếu mất gần 1 điểm. Sau khi phúc khảo bài thi Văn, con vẫn không đủ điểm đậu vào ngôi trường mơ ước. Vậy là theo nguyện vọng đã đăng ký, con đậu vào ngôi trường khác với số điểm cao nhất nhì năm đó. Suốt những năm cấp 3, con luôn phấn đấu trong tốp đầu nhưng dường như vẫn chưa giành lại được nụ cười trọn vẹn của bố mẹ.

Trước ngưỡng cửa kỳ thi THPT quốc gia năm nay và đăng ký xét tuyển vào đại học, con lại liên tục được bố mẹ nhắn nhở về “cú ngã” của 3 năm trước khi thi tuyển sinh lớp 10. Lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của bố mẹ vang lên suốt khiến cô bé bị căng thẳng, mất ngủ thường xuyên. Ngày thi càng cận kề, con càng gầy rọp đi vì áp lực.

Là bố mẹ, tôi biết anh chị rất yêu thương con. Nhưng tiếc rằng cách định hướng tương lai của anh chị đã vô tình tạo ra vô số áp lực học hành lên con trẻ. Cô bé cao ráo, xinh xắn ấy thích theo ngành Du lịch trong khi bố mẹ lại muốn con phải theo ngành Y dược. Ông nội của con là một phó giáo sư một trường đại học Y dược đã về hưu, bà nội của con lại là dược sĩ. Trong khi đó bố mẹ con và các cô đều không ai nối nghiệp gia đình. Vậy là giấc mơ nghề y ấy được gia đình ấp ủ trọn vẹn cho cô cháu gái học hành giỏi giang suốt những năm phổ thông.

Điểm chuẩn vào ngành Y luôn cao chót vót, đồng nghĩa với việc con phải miệt mài học thêm, học kèm để kiếm cho bằng được một “chiếc vé” danh dự. Lịch học kín mít suốt 7 ngày trong tuần. Thứ bảy và chủ nhật hầu như kín lịch học thêm. Tối nào cũng thấy con ngồi sau xe bố mẹ chở về nhà khi trời đã mịt mùng trăng sao…

Trang viết “Thanh xuân” của tuổi 18 trong con trẻ chỉ vỏn vẹn chữ học và thi. Và giữa cái nóng hầm hập của những ngày thi, tôi thấy thương vô cùng những cô bé, cậu bé thất thần vì học, vì thi, vì điểm số, vì đậu - rớt…

Bố mẹ tôn trọng và đồng hành cùng con bước qua mùa thi, sao khó lắm thay!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!