Ý kiến giáo viên về xử phạt dạy thêm: Phạt tiền chưa hẳn là biện pháp tối ưu

(Dân trí) - Vấn đề là làm sao không còn dạy thêm, học thêm, làm sao cho học sinh giảm áp lực học tập, phụ huynh đỡ tốn kém chi phí học tập cho con em, làm sao giảm bớt quan hệ tiền tệ trong môi trường giáo dục.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra mức phạt tiền từ 2 - 15 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm đối với giáo viên. Đáng lưu ý là mục 8, 9, 10 của Điều 8 của Dự thảo này quy định: Phạt tiền t8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn. Phạt tiền t8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Phạt tiền t10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép”.

Theo tôi, ban hành quy định, chế tài không khó. Khó là ở khâu thực thi, áp dụng và khó ở sự “tâm phục khẩu phục” của người bị xử phạt về dạy thêm. Không ai có thể bao biện cho hành vi dạy thêm sai quy định, ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, không nên “quản” không được thì “cấm”, cấm không được thì “phạt”. Phạt tiền chưa hẳn là biện pháp tối ưu, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên đó là biện pháp có tác động trực tiếp mạnh nhất, nhanh nhất.

Trước tiên hãy xem căn nguyên, cái gốc của dạy thêm ở đâu? Do chương trình học quá tải, do thu nhập giáo viên thấp hay do nhu cầu của học sinh? “Tất cả đều đúng”, đó có phải là “đáp án” của câu hỏi này không?

Chương trình học hiện này quá nặng nề, học sinh phổ thông vừa môn chính, môn phụ cả thảy đến mười mấy môn, chưa kể các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác. Quỹ thời gian tự học của học sinh rất ít, vì vậy các em tìm đến học thêm như một “cứu cánh”, thay vì tự mò mẫm ở nhà, các em đến lớp học thêm để thầy cô hướng dẫn, bày vẻ. Học thêm đúng nghĩa là theo nhu cầu thực sự của học sinh.

Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy, không phải em nào học thêm cũng vì kiến thức, cũng vì nhu cầu thực sự. Nếu vì nhu cầu kiến thức thì tại sao các em cứ phải học thầy cô đang dạy lớp mình? Nếu không học thầy cô đang dạy lớp mình thì chuyện gì xảy ra? Các em có bị thầy cô “phân biệt đối xử” không?

Khoản 1, Điều 9 của Nghị định quy định: Phạt tiền t2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên”.

Khoản 5, Điều 8 quy định: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa”.

Tôi đảm bảo 100% giáo viên và cơ sở giáo dục sẽ bị phạt bởi quy định của Điều 9. Bởi vì, chương trình dạy thêm thường giáo viên dạy trước chương trình chính khóa, đại đa số học sinh đều học thêm ở thầy cô đang dạy mình, hiệu trưởng đồng ý cấp phép cho giáo viên dạy thêm, đồng nghĩa với việc “tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa” - nghĩa là hoàn toàn trái quy định.

Khoản 4, Điều 9 quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa”. Thử hỏi khi tiến hành kiểm tra dạy thêm, ai là người đi sâu vào chuyên môn từng tiết dạy của giáo viên để phát hiện “hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa” của giáo viên đó? Còn trường hợp khác, giáo viên dạy thêm không cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, và họ cũng không dạy trước chương trình chính khóa, nhưng trên lớp chính khóa họ dạy a-ma-tơ (amateur), dạy qua loa, dạy để học sinh… không hiểu, khó hiểu, khiến các em phải “cầu cứu” đến học thêm thì xử lý như thế nào?

Mức phạt khá cao (8 - 10 triệu đồng) đối với giáo viên ép buộc học sinh học thêm liệu có đủ sức răn đe và thuyết phục? Ai ở trong ngành sẽ rõ, có những giáo viên chuyên dạy thêm, dạy rất nhiều học sinh, rất nhiều năm rồi, mức thu nhập của họ rất “khủng”, 8 - 10 triệu đồng/ 1 lần phạt đối với họ không quá nhiều so với mức thu nhập mấy chục triệu đồng/ tháng từ dạy thêm.

Thật đáng lưu ý với khái niệm “ép buộc học sinh học thêm”. Thế nào là “ép buộc”? Có những “ép buộc” rất tinh vi, nhiều khi học sinh không thể thấy, phụ huynh nào tinh ý mới “cảm nhận” được. Vậy nên mới có chuyện lần nào hễ gặp phụ huynh, cô giáo đều phàn nàn về học sinh. Cho đến ngày phụ huynh chở con đến nhà cô giáo gửi con học thêm thì cô giáo vui vẻ, thay đổi thái độ ngay.

Vậy nên quy định xử phạt giáo viên “ép buộc học sinh học thêm” xem ra khó vận dụng.

Nhiều người trong cuộc nói: hãy tăng lương giáo viên trước khi xử phạt dạy thêm, bác sỹ được khám chữa bệnh ngoài giờ, tại sao giáo viên không được dạy thêm?

Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm, chỉ quy định những điều cấm trong dạy thêm. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng chỉ quy định xử phạt những trường hợp dạy thêm trái quy định. Vấn đề là làm sao không còn dạy thêm, học thêm, làm sao cho học sinh giảm áp lực học tập, phụ huynh đỡ tốn kém chi phí học tập cho con em, làm sao giảm bớt quan hệ tiền tệ trong môi trường giáo dục. Trong môi trường giáo dục, do tính chất đặc thù nên nhiều quan hệ thầy - trò, quan hệ đồng nghiệp... được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa chứ không chỉ bởi các quy định, chế tài.

Lê Xuân Chiến

(Quảng Nam)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!