Cần Thơ:

Ý kiến trái chiều về việc đập bỏ, xây mới ngôi trường gần trăm tuổi

(Dân trí) - Ở Cần Thơ đang có 2 luồng dư luận trước việc sắp đập bỏ trường THPT Châu Văn Liêm để xây mới. Theo đó, một số ý kiến cho rằng đó là ngôi trường cổ cần giữ gìn và tu tạo, số khác lại nói nên đập bỏ để xây mới vì trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Cổng trường này đã được xây mới trong những năm gần đây.
Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Cổng trường này đã được xây mới trong những năm gần đây.

Trường THPT Châu Văn Liêm tiền thân là Collège de Can Tho, được xây dựng năm 1917 đến nay đã qua 98 năm tồn tại. Giai đoạn 1945 - 1975, trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Sau ngày thống nhất, trường có tên Phổ thông cơ sở An Cư I (1975 - 1983); Trường phổ thông cấp 3 thành phố Cần Thơ (1983 - 1985), từ tháng 11/1985 đến nay có tên Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm.

Theo nhiều tài liệu ghi nhận, Collège de Can Tho là công trình kiến trúc cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đã hình thành và tồn tại từ gần 100 năm. Dưới mái trường này từng là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo yêu nước, như: Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thượng Tư, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Kiệt... Ngoài ra, rất nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành nhà khoa học, những chiến sĩ cách mạng, văn nghệ sĩ nổi tiếng, như: Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của,Tô Bửu Giám...

Nhiều học sinh tìm về trường cũ để chụp hình lưu niệm trước  giờ G.
Nhiều học sinh tìm về trường cũ để chụp hình lưu niệm trước " giờ G".

Sau khi UBND TP Cần Thơ phê duyệt quyết định đập bỏ trường để xây mới thì có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau. Hiện Hội Kiến trúc sư thành phố Cần Thơ đang đi thực tế để khảo sát hiện trạng trường THPT Châu Văn Liêm.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, việc đập bỏ và xây dựng mới Trường THPT Châu Văn Liêm là thực hiện quyết định phê duyệt của UBND TP. Các thủ tục đầu tư, xây dựng trường đều tuân thủ đúng các quy định, hiện Sở đang tiến hành bán hồ sơ mời thầu với tổng kinh phí 98 tỉ đồng. Dự kiến tháng 8 này sẽ tiến hành khởi công và đến đầu năm 2017 thì hoàn tất công trình, tiến hành khánh thành vào đúng dịp 100 năm kỷ niệm thành lập trường. Trong thời gian xây dựng lại trường, thầy và trò của trường sẽ học tại Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều.

Ông Khiếm cho biết thêm: Từ năm 1987, phía Pháp đã gửi cảnh báo về việc trường hết thời hạn sử dụng, nhưng do nhiều điều kiện nên đến nay mới thực hiện việc xây lại. Trước khi có quyết định đầu tư xây dựng trường mới, ngành chức năng đã họp, khảo sát thực tế, thẩm định kỹ càng chất lượng của công trình và kết quả cho thấy không thể duy tu, sửa chữa hay tôn tạo được nữa.
 
Liên quan đến quyết định đập bỏ trường THPT Châu Văn Liêm để xây mới thì có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau. Xin trích đăng một số ý kiến:

Cô Phạm Thị Bình (nhà ở An Thới, Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết: trường đã qua ít nhất 4 giai đoạn xây dựng, sữa chữa và xây dựng thêm. Nhìn chung, hệ thống kết cấu và kiến trúc bao che đang bị xuống cấp trầm trọng, không thể đảm đương công năng sử dụng thì nên xây mới. 

Những vết nứt trên tường của các phòng học.
Những vết nứt trên tường của các phòng học.

Tương tự cô Bình, chị Nguyễn Lê Thu ở Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết: Tôi từng là học sinh ở đây, trường gắn liền với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò, tuy nhiên bây giờ trường đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt những lúc mưa to gió lớn thì lại cực kỳ nguy hiểm và việc xây mới trường tôi thấy hợp lý.

Còn bạn Ngô Thanh Việt cũng ở Ninh Kiều Cần Thơ cho rằng: Việc đập bỏ trường Châu Văn Liêm để xây mới đã có quyết định gần cả năm nay, lúc ấy sao không ai có ý kiến gì? Giờ sắp đến ngày thi công, nhiều người lại "la làng" lên, liệu đây có phải là chạy theo tâm lý đám đông không? Mọi người nên bình tĩnh trước khi đưa ra ý kiến.

Trường đã xuống cấp nên có những chỗ phải để biển nguy hiểm
Trường đã xuống cấp nên có những chỗ phải để biển nguy hiểm
Trường đã xuống cấp nên có những chỗ phải để biển nguy hiểm

Trong khi đó, anh Nguyễn Hùng Cường ở Ninh Kiều thì "lý luận": Nếu tường vẫn còn khả năng chịu lực, chưa hư hỏng hoàn toàn thì có thể trùng tu. Vì đây là lớp công trình có giá trị lịch sử và nhân văn cần được bảo tồn.

Anh Huỳnh Quốc Huy nói: "Trường THPT Phan Thanh Giản Cần Thơ được xây dựng cách đây gần 100 năm theo kiến trúc Á - Âu độc đáo của các kiến trúc sư người Pháp thiết kế & trực tiếp thi công. Sau 1975, ngôi trường được đổi tên thành THPT Châu Văn Liêm (bức tượng Phan Thanh Giản ngay giữa sân cũng đã bị đập bỏ, xây thế vào tượng Châu Văn Liêm).

Phía trước cổng trường là một bức tượng đúc bằng đồng đen hình con gà trống Gô-loa (biểu tượng của Pháp quốc). Đặc biệt, trong ngôi trường giàu lịch sử và giá trị kiến trúc này, có Phòng truyền thống đang lưu giữ bộ xương thật của nữ viên chức (Chánh thanh tra Giáo dục Cần Thơ) người Pháp. Sau thời gian gắn bó đời mình với nền Giáo dục miền Nam, bà đã viết di chúc khi chết đi để lại nguyên vẹn bộ xương cho học sinh và giáo chức ở đây dùng làm "phương tiện học tập nghiên cứu".

Rất nhiều thế hệ nhân sĩ đã được đào tạo từ ngôi trường này
Rất nhiều thế hệ nhân sĩ đã được đào tạo từ ngôi trường này

Ngoài ra, ngôi trường Phan Thanh Giản - Châu Văn Liêm đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ nhân sĩ trí thức, cán bộ lãnh đạo & doanh nhân thành đạt... của cả nước. Trong đó có nhiều vị đã được phong học hàm - học vị Giáo sư - Phó Giáo sư - Tiến sĩ...

 Một kiến trúc sư có nhiều năm trong nghề ở Cần Thơ cho biết: Sau khi nghe thông tin về việc đập bỏ trường THPT Châu Văn Liêm, anh em chúng tôi có đến tham quan và khảo sát thì thấy, đúng là nhiều phần của trường đã bị hư hỏng và xuống cấp nặng nề, nếu để như vậy sử dụng sẽ dễ dẫn tới nguy hiểm. Tuy nhiên, ngôi trường này lại tồn tại 4 loại kiến trúc khác nhau (thời Pháp thuộc, sau thời Pháp, năm 1975 và gần đây) nên việc cải tạo, trùng tu là vẫn có thể.
 
Các bức tường chịu lực của trường được xây dưới thời Pháp thuộc hầu như là còn nguyên vẹn chỉ bị nứt một số chỗ do thời gian nên việc đập bỏ hoàn toàn ngôi trường là không cần thiết và rất đáng tiếc. Thay vào đó, chúng ta nên khảo sát, kiểm tra kỹ lưỡng, bóc tách các lớp để sửa chữa nhằm giữ lại những kiến trúc có giá trị.

Nhiều người vẫn muốn bảo tồn và tu tạo ngôi trường gần trăm tuổi này.
Nhiều người vẫn muốn bảo tồn và tu tạo ngôi trường gần trăm tuổi này.

Hoàng Tùng