Bạn đọc viết:

Yêu con thì hãy yêu… bạn của con

(Dân trí) - Chủ nhật tuần trước, đang học bài thì con tôi hớn hở chạy ra khoe với mẹ là bố bạn ngồi bên cạnh vừa gọi điện xin phép bố con, trưa nay cho con đi chơi với các bạn. Hôm trước, bạn cũng mời con và 7 bạn nữa nhưng con từ chối vì sợ bố mẹ không đồng ý.

Từ lâu rồi, tôi thường được nghe con kể về bạn ngồi bên cạnh. Bạn thấp bé nhất lớp, học giỏi nhưng tính tình không hòa đồng, hơi ích kỉ, hay nổi cáu với mọi người. Có lẽ thế nên bố bạn đã tổ chức buổi đi chơi này để con và các bạn được cởi mở, chan hòa với nhau hơn. Thật là một ông bố tâm lý, rất biết cách yêu con!

Buổi chiều về, con khoe đi chơi vui lắm mẹ ạ. Bố bạn cho chúng con đến siêu thị ăn uống thoải mái, xong về nhà bạn chơi, nhà bạn có cơ man bao nhiêu là thứ để bày trò, sau đó đi xem phim siêu nhân ở rạp. Bố bạn còn bảo thi học kì xong nếu tất cả đều đạt kết quả cao, sẽ thưởng cho một chuyến đi dã ngoại ngoài trời, chúng con đứa nào cũng thích thú, vui sướng với điều đó.

Đọc đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ phải là gia đình có điều kiện lắm mới có thể cho các con đi chơi như thế, nhà nghèo thì lấy đâu ra, yêu con và các bạn của con như thế thì chịu. Nhưng không phải vậy. Yêu bạn của con có nhiều cách thể hiện: ví dụ luôn tôn trọng, lắng nghe bọn trẻ nói bằng nụ cười, ánh mắt, sự cởi mở, thân thiện, trò chuyện với bọn trẻ khi có thể, dành cho chúng một khoảng thời gian không gian vui chơi tự do, không can thiệp vào.

Nhớ khi xưa, cách đây ba chục năm, lúc tôi bắt đầu học tiểu học, mẹ đã quan tâm đến các bạn của tôi rồi. Tôi chơi với ai mẹ đều biết cả. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, tôi có rất nhiều bạn, nhưng bạn nào đến nhà dù chỉ một lần là mẹ tôi nhớ ngay. Cứ ai chơi với tôi, mẹ đều quý cả, nhất là những đứa bạn thân. Mối quan hệ của mẹ với các bạn tôi thân tình đến mức bây giờ tất cả đều coi mẹ là phần thăm hỏi, trò chuyện không thể thiếu mỗi lần đến chơi với tôi. Mẹ đã gần như là một người bạn của những đứa bạn tôi.

Tôi cũng gặp nhiều người mẹ khác rất tâm lý với bạn của con, luôn tạo cảm giác chân tình cho tôi khi lui tới nhà.

Ngược lại, có nhiều ông bố bà mẹ tỏ ra rất thờ ơ, lạnh nhạt với các bạn của con. Thậm chí còn mắng chửi con khi có mặt bạn ở đó. Có thể do tâm lý coi thường trẻ nhỏ không biết gì hoặc cũng có thể do cuộc sống mưu sinh quá mệt mỏi, thế giới người lớn đầy rẫy phức tạp nên dễ dàng cáu gắt bực bội. Nhưng dù là bất cứ lý do nào thì tôi đều thấy ác cảm với những người đó. Bây giờ nhiều năm đã trôi qua, ác cảm ấy vẫn cứ gợn lên, khó xóa mờ.

Từ kí ức của bản thân, đến khi có con, tôi luôn tự hứa sẽ tôn trọng, sẽ quý mến bạn của con như bạn của chính mình vậy.

Đừng nghĩ chúng là trẻ nhỏ, cư xử sao cũng được hoặc cho rằng trẻ con đến chơi chỉ thêm bận nhà, mệt người. Đúng là mọi thứ có thể bừa bộn hơn một chút, sách truyện, đồ chơi có thể bị lục tung lên. Đúng là nhà cửa sẽ ồn ào, mất trật tự. Đúng là sau khi bọn trẻ về phòng ốc sẽ bị giây bẩn so với lúc đầu. Nhưng cái được lại lớn hơn rất nhiều đó là sự gắn kết của con với các bạn. Sau này lớn lên chúng có thêm kỉ niệm để nhớ về nhau. Tình bạn trong sáng hồn nhiên thuở đi học đem lại ý nghĩa rất lớn khi trưởng thành. Bản thân tôi chính là một minh chứng rõ ràng nhất vì những người bạn thuở thiếu thời đến nay vẫn là chỗ dựa vững chắc của tôi lúc ốm đau, hoạn nạn. Bởi vậy, tôi hiểu giá trị của tình bạn những ngày thơ ấu và khuyến khích con chơi với nhiều bạn. Yêu bạn của con chính là góp phần để tình bạn ấy được bồi đắp đậm sâu hơn, bền lâu hơn.

Quan trọng nhất, yêu bạn của con là một cách để gần gũi con, hiểu về con hơn. Theo thời gian, gu kết bạn của con sẽ thay đổi dần, nếu luôn theo sát bên các mối quan hệ ấy, cha mẹ sẽ định hướng được nhân cách cho con. Các cụ vẫn thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Có quan tâm đến bạn của con mới biết được con chơi với ai, tính cách ra sao, tốt xấu như thế nào để khuyên nhủ con chọn bạn mà chơi.

Trong xã hội hiện nay, có nhiều vấn đề phức tạp, bạo lực học đường gia tăng ở mức báo động, tâm lý con trẻ lại phức tạp hơn xưa rất nhiều, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng cách xa nên hơn bao giờ hết càng cần thiết phải “yêu bạn của con”, để biết cách yêu con cho đúng.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!