16 triệu USD và câu hỏi có nên làm thêm bộ sách giáo khoa dự phòng?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - "Chúng ta có 3 bộ sách giáo khoa đạt yêu cầu nên không cần tiêu tốn ngân sách làm bộ thứ 4 để dự phòng. Như vậy vừa tiết kiệm ngân sách, vừa rút ra bài học tâm đắc: Giáo dục có thể xã hội hóa".

Trên đây là ý kiến của PGS. TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc có nên để Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK).

Bộ GD&ĐT thiếu ứng viên làm sách nhưng đơn vị trực thuộc tìm được 700 người

Vài ngày gần đây, việc Bộ GD&ĐT phải làm một bộ SGK tiếp tục được dư luận "đào xới" trở lại.

Một số ý kiến cho rằng, vẫn cần phải có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn như quy định.

Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK như Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV: "Không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước".

16 triệu USD và câu hỏi có nên làm thêm bộ sách giáo khoa dự phòng? - 1

Bộ GD&ĐT thiếu ứng viên nhưng đơn vị trực thuộc kéo được 700 người (Ảnh: M.H).

Được biết trước đây, Bộ GD&ĐT từng được đề nghị biên soạn bộ SGK. Cụ thể, trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được việc này.

Lý giải của Bộ GD&ĐT thời điểm đó, đơn vị này đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn nhưng qua 2 lần đấu thầu, Bộ không tuyển chọn đủ tác giả để biên soạn bộ SGK chuẩn vì hầu hết chuyên gia đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản triển khai công việc.

Trong khi đó, các nhà xuất bản (NXB) đã chuẩn bị tương đối tích cực, đã hình thành được một số bộ sách giáo khoa lớp 1 và các lớp sau.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí lúc đó về việc, mặc dù là bộ chủ quản nhưng vì sao Bộ GD&ĐT không thu hút được chuyên gia?

Trong khi đó, NXB Giáo dục chỉ là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT lại "kéo" được gần 700 chuyên gia để làm sách?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định, đơn vị tổ chức cá nhân nào biên soạn SGK cũng phải có một NXB được thành lập với chức năng xuất bản SGK nhận biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK đề nghị Bộ thẩm định.

NXB Giáo dục trực thuộc Bộ. Nếu Bộ GD&ĐT làm sách cũng phải giao cho một NXB biên tập. Để tránh độc quyền, bộ đã không giao cho NXB Giáo dục để đảm bảo tính minh bạch.

Vì thế NXB Giáo dục đã chủ động tổ chức biên soạn SGK bằng nguồn vốn của mình.

Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến số ứng viên đăng ký không đủ là do hầu hết tác giả sách giáo khoa đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn sách giáo khoa từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên sách giáo khoa có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.

16 triệu USD và câu hỏi có nên làm thêm bộ sách giáo khoa dự phòng? - 2

Chúng ta đã có 3 bộ SGK đạt chuẩn (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Không cần làm thêm bộ sách thứ 4 để… dự phòng

Được biết, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng, tính theo tỷ giá hiện hành).

Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện.

Thế nhưng với các lý do trên đây, Bộ GD&ĐT đã không thực hiện việc biên soạn một bộ SGK.

Thời điểm ấy dư luận đã dấy lên nhiều băn khoăn, bởi nếu không thực hiện được bộ sách, vậy số tiền 16 triệu USD, Bộ đã chi vào việc gì?

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, do không làm SGK nữa nên Bộ GD&ĐT phải tái cơ cấu sang các đầu việc khác.

Khoản tiền này thời điểm đó, vẫn chưa được giải ngân do đang trong quá trình đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tái phân bổ vào các  việc như: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình; Đổi mới phương pháp dạy học; Kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng 900.000 cán bộ, giáo viên.

Đồng thời, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định trên truyền thông khoản tiền 16 triệu USD thời điểm đó vẫn nằm trong tài khoản của Ngân hàng thế giới.

Để tránh chồng chéo và đỡ lãng phí nguồn lực, năm 2019, Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới đã thống nhất ngừng tự biên soạn bộ SGK và tập trung nguồn lực cho việc thẩm định.

Về điều này, PGS. TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa IX, đại biểu Quốc hội 5 khóa (VII, VIII, IX, X, XI) từng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xã hội hóa làm sách nghiêm túc.

Hiện chúng ta có 3 bộ SGK đạt yêu cầu nên không cần tiêu tốn tiền ngân sách làm bộ thứ 4 để dự phòng nữa.

"Ta tiết kiệm được ngân sách nhà nước và rút ra được một bài học rất tâm đắc, đó là giáo dục có thể xã hội hóa được.

Qua lần này, nếu có quan điểm tốt, cơ chế, chính sách tốt, nhiều tổ chức cá nhân sẵn sàng đầu tư xã hội hóa cho giáo dục và giáo dục triển khai xã hội hóa có khả năng thành công", PGS. TS Trần Thị Tâm Đan nói.