3 giải pháp đột phá cho chất lượng tiến sĩ

(Dân trí) - Nhằm mục tiêu hoá giải cho bất hợp lý giữa số lượng, chất lượng đào tạo tiến sĩ và “dọn đường” cho chiến lược đào tạo 2 vạn tiến sĩ vào năm 2020, Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD- ĐT vừa đưa ra 3 giải pháp đột phá.

1. Đột phá về tiền đầu tư cho tiến sĩ

Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ và dự trù kinh phí cho chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ từ nay đến năm 2020 sẽ dành khoảng 120 triệu đồng để đào tạo ra một tiến sĩ. Ngay trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất mức đầu tư tối thiểu cho 1 nghiên cứu sinh là 110 triệu đồng.

Được biết, kinh phí đào tạo quy định từ năm 1994 đến nay là 1 nghiên cứu sinh được cấp từ 4,5 - 5 triệu đồng/năm, cộng với tiền đóng thêm lên thì mức đào tạo dành cho nghiên cứu sinh là khoảng 10 triệu đồng/ năm.Trong khi đó, kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài trung bình là 50.000-100.000 USD/người.

Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng kinh phí đào tạo tiến sĩ quá thấp sẽ kéo theo điều kiện vật chất, trang thiết bị kém, chất lượng đào tạo khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng đi xuống.

2. Bỏ thi tuyển “đầu vào” tiến sĩ

Quyết định trên xuất phát từ thực tế từ trước đến nay, 100% nghiên cứu sinh tham gia thi không có trường hợp nào trượt, kết quả thi chỉ là đỗ cao hay thấp. Kỳ thi tuyển sinh đầu vào tiến sĩ thực sự đã trở thành vô nghĩa.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phân cấp mạnh cho các trường. Các cơ sở đào tạo được quyền phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển, được toàn quyền trong mọi hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh và cấp bằng tiến sĩ. Trường nào có đội ngũ cán bộ quản lý tốt, nghiêm túc thì chất lượng đào tạo sẽ tốt.

3. Nghiên cứu sinh phải chịu “quản thúc”

Dự thảo Quy chế mới quy định: Nghiên cứu sinh không được tiếp tục học theo hình thức không tập trung mà bắt buộc phải học tập trung.

Theo kết luận của Bộ GD-ĐT, tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh chỉ phải thực hiện 3 chuyên đề tiến sĩ rồi tự làm luận án “tại nhà hay tại cơ quan”. Thậm chí có trường hợp nghiên cứu sinh trong 3 năm đào tạo hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn...

Với dự thảo Quy chế đào tạo mới này thì tất cả những hình thức làm luận án như kể trên sẽ phải chấm dứt.

Những bất cập tồn tại trong đào tạo tiến sĩ hiện nay:

- Chạy theo thành tích: Phần đông người làm tiến sĩ chạy theo mục đích “chuẩn hoá” bằng cấp để dễ bằng thăng quan tiến chức: 70% số người có trình độ TS đang làm quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ chưa đầy 30% làm nghiên cứu và giảng dạy. Điều này xuất phát từ đánh giá của xã hội coi trọng TS làm quản lý cao hơn TS làm chuyên môn và đã khiến 68% cán bộ quản lý không có nhu cầu nghiên cứu mà chỉ để kiếm được văn bằng TS.

- Phương pháp đào tạo lại chậm đổi mới, việc phân công giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh ít coi trọng nguyện vọng của nghiên cứu sinh và của giáo viên. Quy trình đào tạo trong các chương trình đào tạo từ trình độ ĐH trở lên ở có sự trùng lặp kiến thức giữa các bậc học và khá lạc hậu.

- Thủ tục hành chính quá rườm rà. Từ lúc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh cho đến khi được công nhận trúng tuyển và được cấp bằng TS ở các cơ sở đào tạo thường phải trải qua khoảng 300 loại văn bản và báo cáo thống kê với xấp xỉ 400 chữ ký các loại. Trong đó, có gần 200 văn bản cần dấu của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nghiên cứu sinh.

M.M