4 bất cập trong Luật Giáo dục

(Dân trí) - Ngày 16/4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Giáo dục. Chỉ qua 2 năm thực hiện, Luật Giáo dục lại đứng trước nguy cơ phải sửa đổi khi phải đứng trước 4 bất cập lớn đang tồn tại trong Luật này…

Luật Giáo dục (GD) được ban hành lần đầu vào năm 1998. Qua 7 năm thực hiện, năm 2005, Luật GD được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2006 để thay thế Luật GD năm 1998.

Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ qua 2 năm thực hiện nhưng Luật GD lại tiếp tục đứng trước nguy cơ phải sửa đổi khi phải đứng trước 4 bất cập lớn đang tồn tại trong Luật này:

1. Các quy định về giáo dục nghề nghiệp thiếu nhất quán, khó cho việc thi hành và quản lý giám sát việc thi hành.

2. Lẫn lộn mục tiêu giáo dục ĐH và CĐ, giữa mục tiêu THCN và dạy nghề.

3. Rối rắm tên gọi cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.

4. Bất hợp lý khi phân chia hệ thống GD quốc dân thành 2 bộ phận "GD chính quy" và "GD thường xuyên" vì đã có "GD chính quy" thì bộ phận kia phải là "GD không chính quy" chứ không thể gọi là "GD thường xuyên".

Được biết, Luật GD năm 1998 phải sửa đổi để xác định rõ hơn hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động giáo dục và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý giáo dục... Tuy nhiên, Luật GD 2005 sau khi đã được sửa đổi vẫn không khắc phục được nhược điểm này.

Ví dụ như về hệ thống đào tạo TCCN. Từ năm 2006, hệ thống giáo dục có thêm hệ Trung cấp nghề tồn tại song song với hệ TCCN, bên cạnh hệ CĐ có thêm hệ CĐ nghề với 2 đầu mối quản lý nhà nước khác nhau là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH, đã tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống giáo dục.

Luật GD năm 2005 bao gồm 9 chương, 120 điều, so với Luật GD năm 1998 đã bỏ đi 3 điều, bổ sung 13 điều mới và sửa đổi 83 điều.

MM