Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Ba giải pháp tuyển sinh đại học

(Dân trí) - Bằng sự nhiệt tình và cả những trăn trở, anh Nguyễn Thành Lưu - Giám đốc Markcom Research & Consulting đã bày tỏ ý kiến của riêng mình qua lá thư ngỏ gửi đến Bộ GD&ĐT - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Dưới đây là nguyên văn nội dung lá thư:

Kính gửi: Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

 

Sau khi Bộ trưởng đảm nhận chức vụ, ngành Giáo dục đã nhanh chóng có những động thái mới nhằm chấn hưng giáo dục và chúng tôi với tư cách vừa là công dân vừa là người sử dụng sản phẩm của ngành giáo dục đánh giá rất cao điều đó. Trong thư ngỏ này chúng tôi mong muốn được đề xuất với Bộ trưởng một số nghiên cứu và đánh giá riêng về ý định bỏ thi tuyển sinh đại học trước năm 2009 của Bộ và nếu có điều gì không hợp lý hay không hợp ý thì rất mong được Bộ trưởng lượng thứ.

 

Có thể nói đây là ý định tốt và phù hợp với thông lệ được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên trong điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay khả năng thành công của giải pháp này theo nghiên cứu riêng của chúng tôi là thấp và nếu áp dụng không thận trọng có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm làm trầm trọng thêm các vấn đề mà bản thân ngành giáo dục đang nỗ lực tháo gỡ.

 

Ngoài ra việc thay đổi hình thức thi và tuyển nên được tiến hành trong khuôn khổ một giải pháp cải cách đồng bộ hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục thống nhất từ bậc học thấp nhất đến bậc học cao nhất, nhằm tạo ra các sản phẩm giáo dục tốt (là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tê,ë xã hội của đất nước), chứ không nên chỉ nhằm giải quyết một số vấn đề ngắn hạn mà xã hội đang bức xúc.

 

Qua tiến hành tự nghiên cứu (ở mức tiền khả thi) chúng tôi nhận thấy rằng giải pháp phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay là bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học kết hợp cải cách cơ chế thi và tuyển vào đại học hiện hành. Về cơ bản giải pháp bao gồm ba điểm chính như sau:

 

Một là: Bộ GD&ĐT đề xuất sửa Luật Giáo dục để bỏ kì thi tốt nghiệp THPT và thay thế bằng hình thức cấp Chứng chỉ học xong phổ thông trung học do giám đốc sở GD&ĐT cấp trên cơ sở đề nghị của chính các giáo viên trực tiếp giảng dạy và hiệu trưởng nhà trường. Học sinh học xong lớp 12 nếu đạt các tiêu chí do Cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) của Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được cấp chứng chỉ. Học sinh có nhu cầu học nghề hoặc đi làm chỉ cần xuất trình chứng chỉ này là đủ.

 

Điều cần lưu ý là các giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh phải ký tên xác nhận lên chứng chỉ thay vì như hiện nay, tuy họ là người trực tiếp giảng dạy nhưng trường và sở tổ chức thi và cấp bằng nên không thể hiện rõ trách nhiệm cũng như uy tín nghề nghiệp cá nhân của họ (nếu điều này được thực hiện liên hòan từ lớp 1 đến lớp 12 thì sẽ giúp giảm tình trạng ngồi nhầm chỗ vì giáo viên lớp dưới phải ký tên xác nhận và chịu trách nhiệm cũng như uy tín nghề nghiệp về học lực của học sinh được lên lớp trên).

 

Hai là: Đối với những học sinh muốn học lên đại học, cao đẳng sẽ tham dự một kỳ thi quốc gia theo đề thống nhất trên toàn quốc do Cơ quan KĐCLGD ra đề. Tại kỳ thi này, thí sinh không cần đăng ký trường và nguyện vọng như hiện nay mà chỉ cần đăng ký địa điểm thi, môn thi và tham gia dự thi. Hàng năm Cơ quan KĐCLGD sẽ lựa chọn các trường đại học, cao đẳng hoặc trường phổ thông có đủ năng lực và cơ sở vật chất ở nhiều vùng trên toàn quốc để ký hợp đồng thực hiện tổ chức thi và chấm thi theo một qui trình kiểm tra giám sát chặt chẽ. Sau khi có kết quả thi, Cơ quan KĐCLGD sẽ cấp (hoặc ủy quyền cho Chủ tịch hội đồng thi cấp) Chứng nhận kết quả thi có giá trị trên toàn quốc. Thí sinh sử dụng giấy chứng nhận này để đăng ký dự tuyển vào các trường đại học và cao đẳng mà họ quan tâm.

 

Do kết quả thi được lưu trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan KĐCLGD để các trường tra cứu và đối soát trực tuyến, nên thí sinh chỉ cần gửi bản sao không cần công chứng hoặc đăng ký trực tuyến qua website của trường mà không lo bị làm giả. Cần chú ý là về nguyên tắc thí sinh có thể tự do lựa chọn địa điểm thi trong danh sách các địa điểm thi được Cơ quan KĐCLGD qui định để dự thi, nhưng theo logic họ sẽ lựa chọn địa điểm thi gần nhà nhất để tiết kiệm chi phí vì việc thi ở đâu không liên quan đến kết quả xét tuyển vào đại học sau này, do đó sẽ giảm rất nhiều chi phí cho xã hội so với việc hàng triệu thí sinh dồn về các trường đại học ở các đô thị lớn như hiện nay.

 

Ba là: Dựa trên chứng nhận kết quả thi nói trên, các trường đại học, cao đẳng tiến hành tự tuyển sinh theo nguyên tắc xếp từ cao xuống thấp. Tùy theo nhu cầu đặc thù, trường có thể áp dụng thêm kỳ thi bổ sung đối với các ứng viên đăng ký dự tuyển. Đối với các khu vực, nhóm đối tượng hoặc ngành cần ưu tiên đào tạo hàng năm thì Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu và các trường sẽ tuyển theo kết quả thi của những người đăng ký dự tuyển hội đủ các điều kiện ưu tiên thay vì cơ chế cộng điểm theo khu vực 1, 2, 3 như hiện nay vốn mang nặng tính tràn lan, bình quân, không minh bạch và không rõ ràng.

 

Trong khuôn khổ của thư này chúng tôi không thể trình bày rộng và chi tiết hơn về các vấn đề khác có liên quan mật thiết với việc cải cách hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục như thay đổi hình thức đánh giá (chấm điểm) để hạn chế nhu cầu chạy điểm "ảo", hoàn thiện và minh bạch hóa thị trường dịch vụ dạy thêm để kiểm soát các hình thức dạy thêm phi đạo đức, tối ưu hóa công tác tuyển vào đại học, hay việc nâng cấp Cục Khảo thí hiện nay thành một Cơ quan Kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia với phạm vi quyền hạn rộng hơn... Nếu Bộ trưởng quan tâm, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết đề án nghiên cứu riêng và thực hiện nghiên cứu khả thi để trình Bộ xem xét.

 

Trân trọng cảm ơn và chúc Bộ trưởng mạnh khỏe và thành công.          

 

Nguyễn Thành Lưu

            (Giám đốc Markcom Research & Consulting)