Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh

(Dân trí) - Văn học Việt Nam biến hóa và đầy sức sống. Ngữ pháp phong phú, cách hành văn đa dạng và những bối cảnh lịch sử đầy biến động khiến cho nền văn học nước ta như một kho tàng châu báu. Khai thác kho tàng ấy như thế nào cho hiệu quả, đặc biệt ở trong môi trường giáo dục quốc tế là vấn đề cô giáo Trịnh Thị Quỳnh - giáo viên Văn trường TH School trăn trở tìm tòi và thể nghiệm.

Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh - 1
Học sinh lớp 6 kể lại về chuyến đi tới rừng Cúc Phương - một hoạt động ngoại khóa của môn học quốc tế.

Cổ vũ sự sáng tạo

Trước khi đến với TH School, cô Quỳnh có 3 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Văn tại một số trường công lập tại Hà Nội. Qua quá trình giảng dạy, cô Quỳnh thấy thực tế phần lớn học sinh còn ngại học môn Văn, thậm chí càng lên lớp lớn thì càng không thích học Văn. “Một phần do bối cảnh xã hội thay đổi khiến các em thích chọn môn tự nhiên hay ngoại ngữ hơn, một phần là do các em không hiểu được ý nghĩa của các bài tập văn học và chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Học Văn để làm gì”. Mặt khác, vẫn còn tồn tại cách dạy theo lối mòn đọc – chép, nặng về luyện thi nên chưa phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, khiến cho các em mất đi hứng thú”- cô Quỳnh chia sẻ.

Khi đến TH School, cô Quỳnh đã mang tới một không khí hoàn toàn khác trong các giờ học Văn, tiết học Văn luôn diễn ra sôi nổi và học sinh luôn tích cực tham gia các hoạt động trong giờ. Điều gì làm nên sự khác biệt này?

Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh - 2
Các bạn lớp 6 trong giờ ôn tập văn học (Cuộc đua kì thú phiên bản cá ngựa)

Theo cô Quỳnh, tại TH School, phương pháp dạy Văn là cổ vũ sự sáng tạo dựa trên hiểu biết đa chiều, chú trọng phát triển kỹ năng mềm. Sáng tạo sẽ đẹp và rộng mở nếu học sinh có thật nhiều kiến thức. Học sinh của cô được học một cách chủ động, tự tin, biết bảo vệ quan điểm, phát triển ý tưởng và yêu thích văn học từ sự tìm tòi. Cô và các đồng nghiệp mỗi ngày đều nỗ lực hết sức nghĩ ra các phương pháp giúp học sinh có được kiến thức, kỹ năng và cả kinh nghiệm để hình thành nên những tư duy phản biện, biết cách giải quyết vấn đề và có các cách nhìn đa chiều.

Với môi trường học quốc tế, yếu tố dân tộc tưởng chừng như bị xóa mờ. Nhưng không, yếu tố “bản sắc dân tộc” luôn được lồng ghép vào các bài giảng và hoạt động hàng ngày cũng theo cách rất “tây”.

Ngoài môn văn học Việt Nam, yếu tố văn hóa, bản sắc Việt Nam được lồng ghép vào trong tất cả các chủ đề quốc tế, khiến học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và thêm trân trọng, giá trị bản sắc Việt Nam. Ví dụ, trong chương trình học IMYC (International Middle Years – Chương trình Trung học Quốc tế), có phần học về Celebration (Lễ hội), học sinh sẽ được tìm hiểu về phong tục truyền thống, các ngày lễ của đất nước, so sánh tìm điểm tương đồng và khác biệt của văn hóa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh - 3
Cô Quỳnh cùng các em học sinh lớp 9.

Phương pháp “Tây” + bản sắc Việt

Với định hướng như vậy, việc giảng dạy môn văn học Việt Nam được cô Quỳnh và các đồng nghiệp sử dụng nhiều phương pháp đa dạng.

Học sinh lớp 6 còn non nớt, cô tập trung cung cấp nhiều thông tin cơ bản và tạo các hoạt động thực hành kỹ năng làm việc nhóm. Ví dụ với văn học dân gian, thay vì đọc – hiểu và phân tích tác phẩm, những tiết đầu tiên học sinh sẽ được tìm hiểu chung khái quát về thể loại văn học đó. Sau đó, cô chia nhóm cho học sinh thuyết trình hoặc tự viết kịch bản, làm đạo cụ, biểu diễn.

Với Văn miêu tả, cô tạo một số đề văn theo thực tế để học sinh được thực hành như tả cây bằng lăng, cây sấu trong khuôn viên trường. Học sinh được rời khỏi lớp để đi quan sát, chụp ảnh, chạm tay, so sánh nên có những cách diễn đạt rất chân thật.

Với Văn kể chuyện, cô tổ chức câu lạc bộ đọc sách, mỗi tuần học sinh sẽ thay nhau kể về một quyển sách mà các em thấy thích thú. Các em được tự do lựa chọn hình thức thuyết trình với nhiều công cụ khác nhau: vẽ tranh, làm slide Powerpoint, quay video reaction (như các Youtuber, Vlogger hay làm). Từ đó, học sinh phát triển từ vựng một cách tự nhiên, văn phong kể chuyện đa dạng và trí tưởng tượng phát huy tối đa.

Học sinh lớp 7 và thể loại văn biểu cảm, cô khuyến khích học sinh làm thiệp, viết thư tay nhân Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, Ngày Tình bạn... “Những bức thư các con viết cho mình nhân ngày 20/11 luôn khiến cho mình thấy xúc động và tự hào vì thư của các con chứa chan tình cảm yêu thương và còn có lối hành văn khoáng đạt, đầy sáng tạo” - cô Quỳnh nhớ lại.

Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh - 4

Học sinh thuyết trình nhóm trên lớp trong giờ Văn.

Với thể loại văn nghị luận, tại TH School, học sinh được học về tranh biện (debate), tổ chức thành nhóm để tranh luận và biểu đạt ý kiến của mình. Giáo viên có vai trò làm người hướng dẫn, không chấm đúng – sai, không phân thắng – thua, chỉ đồng hành và đóng góp ý kiến.

Tương tự như vậy, với các lớp lớn hơn, văn học Việt Nam được đưa vào hoạt động nhóm, gameshow, trải nghiệm… để học sinh chủ động tìm hiểu.

Trong bài học về các biện pháp tu từ, học sinh được chọn sáng tác thơ theo phong cách tự do về cuộc sống xung quanh. Khi tìm hiểu về Văn học dân gian, cô Quỳnh tổ chức các buổi thăm quan - trải nghiệm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam để học sinh có những cảm nhận chân thực và sống động hơn. Cô khuyến khích học sinh viết về Văn học Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng hay giới thiệu văn học dân gian tới các bạn người nước ngoài.

Bí quyết dùng “phương pháp Tây” dạy văn học Việt Nam thu hút học sinh - 5

Cô Trịnh Quỳnh cùng các em học sinh tốt nghiệp K2019.

Tại TH School, Văn học không phải là điều gì đó viển vông, xa rời thực tế mà bắt nguồn từ những điều rất giản dị. Văn học nhắc học sinh mình mang dòng máu của người Việt, nói và viết tiếng Việt, biết trân trọng cảm ơn những con người bình dị nhất quanh ta.

Theo cô Quỳnh, để có thể dạy Văn học Việt Nam hiệu quả trong môi trường quốc tế thì cần có phương pháp phù hợp – mà cô gọi là “Dạy kiểu Tây”. Giáo viên được quyền sáng tạo và thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với từng lớp học và khả năng tiếp nhận của học sinh; áp dụng những tinh hoa của nền giáo dục phát triển nhưng luôn tôn trọng, nâng niu bản sắc Việt Nam, từ đó rèn luyện những học sinh ưu tú vững mạnh về kiến thức và có trái tim ấm nóng, tình cảm.

TH School hiện đang đào tạo chương trình quốc tế chuẩn Cambridge hoàn toàn bằng tiếng Anh từ cấp mầm non cho đến hết cấp Trung học phổ thông như chương trình IPC, IGCSE, A level. Với mục tiêu đào tạo học sinh có tư duy toàn cầu, có được kiến thức, kỹ năng theo chương trình quốc tế nhưng vẫn luôn ý thức giữ gìn bản sắc, nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào Việt Nam, tại TH School học sinh được truyền cảm hứng để yêu văn học, lịch sử, địa lý Việt Nam. Cách dạy và học khơi gợi hứng thú và đam mê đã xóa tan nghi ngại của phụ huynh là học chương trình quốc tế sẽ bị mất gốc tiếng Việt và văn hóa Việt mà ngược lại, các em thực sự hào hứng và có cái nhìn toàn diện về văn hóa, lịch sử Việt Nam.