Bức xúc chuyện "phân luồng" sau THCS

Quyết định phê duyệt chỉ tiêu vào lớp 10 (cả bán công và công lập) từ 80 - 85% của UBND tỉnh Lâm Đồng trong năm học 2005 – 2006 đã gây bức xúc cho hàng ngàn phụ huynh và học sinh.

Theo quyết định của UBND tỉnh, năm học 2005 - 2006, toàn tỉnh có 20% trong tổng số 22.200 học sinh đã tốt nghiệp THCS của năm học 2004 - 2005 (trên 4.400 em) không được tuyển vào lớp 10 và phải áp dụng các định hướng phân luồng.

 

Đây là một chủ trương đúng đắn và mang tính chiến lược, nhưng do tuyên truyền không hiệu quả, nên hầu hết các bậc phụ huynh không nhận thức đầy đủ, nhầm tưởng việc con mình không được tuyển vào lớp 10 là do các trường “làm khó”.

 

Đại diện của 588 phụ huynh ở thị trấn Liên Nghĩa và các xã của huyện Đức Trọng có con vừa tốt nghiệp THCS với tổng điểm dưới mức sàn 40 điểm (mức tuyển đầu vào của các trường THPT trên địa bàn) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

 

Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) tỉnh đã phải xin nâng chỉ tiêu cho 5 trường THPT trên địa bàn huyện, nhưng cũng chỉ giải quyết được trên 50% nhu cầu cho học sinh.

 

Những ngày gần đây, tại trường THPT dân lập Nguyễn Thái Bình đã xảy ra tình trạng tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường vì trường đã tăng thêm 80 chỉ tiêu (so với 200 chỉ tiêu được duyệt ban đầu) nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu nhập học của học sinh.

 

Nhiều bậc phụ huynh tại Đức Trọng đã phải tìm mọi cách gửi con đi học ở các địa phương khác như Lâm Hà, Đà Lạt... Ông Lý Quang Nhẫn - Giám đốc Sở GD - ĐT Lâm Đồng cho biết: “Tâm lý còn nặng về bằng cấp và quan niệm phải bằng mọi giá cho con học lên THPT của các bậc phụ huynh là áp lực hết sức nặng nề đối với công tác phân luồng”.

 

Mặt khác, do lộ trình chuẩn bị cho công tác phân luồng không được chuẩn bị đủ, gây khó khăn cho trong việc lựa chọn luồng khác.

 

Theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS nếu không được tuyển vào bậc THPT thì có thể thi tuyển vào các trường trung cấp kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp hay hệ bổ túc văn hóa. Nhưng do các em còn nhỏ nên phần lớn phụ huynh đều muốn cho con em mình theo học hệ bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, tính đến nay, tỉnh mới chỉ có 1 trường bổ túc văn hóa tại Đà Lạt.

 

Trước yêu cầu về công tác phân luồng, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp dạy nghề (GDTX&HNDN) được chỉ đạo phải kiêm nhiệm thêm chức năng hoạt động bổ túc văn hóa, nhưng hầu hết 10 Trung tâm GDTX&HNDN trong toàn tỉnh đều khó có khả năng đáp ứng tốt chức năng này.

 

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, các Trung tâm GDTX&HNDN ở các huyện, thị của tỉnh đều không có đội ngũ giáo viên cơ hữu để tổ chức hoạt động bổ túc văn hóa. Khi triển khai dạy chương trình bổ túc văn hóa, các trung tâm này phải hợp đồng thỉnh giảng đội ngũ giáo viên phổ thông trên địa bàn.

 

Tiếp xúc với lãnh đạo Sở GD - ĐT và một số nhà quản lý giáo dục khác ở Lâm Đồng, được biết ngành đang mong muốn các cấp thẩm quyền cho phép xây dựng một loại hình đào tạo kết hợp giữa hướng nghiệp - dạy nghề và đào tạo chương trình THPT toàn diện (thay vì chỉ học 6 môn văn hóa như hệ bổ túc văn hóa hiện nay).

 

Đây cũng chính là mong muốn của đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh sau khi đã tốt nghiệp THCS không được tuyển vào các trường THPT.

 

Thiết nghĩ, Bộ GD - ĐT và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần sớm xem xét và quan tâm tìm hướng giải quyết ổn thỏa công tác phân luồng sau THCS. Đừng để hàng nghìn học sinh ở độ tuổi vị thành niên phải bỏ học hoặc vào đời bằng nhiều nẻo tự phát quá sớm.

 

Theo Sơn Tùng
 Tiền phong