Các ĐH dân lập phía Nam lại phập phồng lo thiếu sinh viên

Nhiều ĐH dân lập trên địa bàn hiện mới xét tuyển được 10-30% chỉ tiêu đề ra. Số thí sinh trúng tuyển của hầu hết các trường đều ít hơn so với cùng kỳ năm trước, có trường chưa tới 10 em đỗ. Cảnh phập phồng lo không tuyển đủ sinh viên lại tái diễn.

Theo thầy Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo ĐH dân lập Văn Hiến, chỉ tiêu tuyển năm nay của Văn Hiến tương đương năm trước với 1.100 em. Trường có khoảng 800 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng hồ sơ ảo rất nhiều. Có chừng 200 hồ sơ đăng ký tuyển đợt 1 song thống kê sơ bộ sau khi Bộ công bố điểm sàn, chỉ được vài em đủ điểm đỗ.

"Tuyển sinh năm nay chắc không hy vọng hơn năm ngoái. Năm ngoái số lượng thí sinh xấp xỉ điểm sàn khá nhiều. Còn năm nay, điểm rất cách biệt, nhất là ở khối C. Do điểm môn Sử quá kém nên tổng điểm 3 môn bị kéo thấp hẳn. Mức ngang điểm sàn và cao hơn điểm sàn rất ít, phần nhiều là tổng điểm 5-6 trở xuống", ông Hợp nhận xét một cách bi quan.

Ông Nguyễn Hữu Lân, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng, việc tuyển sinh của Kỹ thuật công nghệ cũng khó suôn sẻ. Trường này mới có 159 hồ sơ trúng tuyển, chưa đạt 20% chỉ tiêu, bằng khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

ĐH Dân lập Ngoại ngữ Tin học tuyển được 479 hồ sơ, chưa đạt 30% chỉ tiêu, bằng khoảng 50% cùng kỳ năm ngoái. Theo Trưởng phòng Đào tạo Lý Ngọc Đức, trường này đang hy vọng xét tuyển đợt 2, đợt 3. Năm nay, quy chế tuyển sinh được thông báo kỹ nên đợt 1, phần lớn thí sinh có học lực Khá trở lên đã đăng ký nguyện vọng vào các trường công lập. Điểm thi cũng phân hóa rõ. Ở đợt 1, đa số những em hơn điểm sàn đăng ký vào trường "top" trên. Hầu hết các trường dân lập sẽ phải chờ xét tuyển đợt sau. "Cũng vì thí sinh lượng được sức mình như vậy nên năm nay, có thể lượng thí sinh ảo của các trường dân lập sẽ ít hơn năm trước.

Tuy nhiên, đây mới là nhận định còn kết quả thế nào phải chờ thực tế điểm của thí sinh, sau khi các trường công lập chuyển hồ sơ về", ông Đức nói.

Không chỉ các trường dân lập, ĐH Tây Nguyên, An Giang cũng trong tình trạng trên. ĐH Tây Nguyên mới có 787 thí sinh đủ điểm đỗ đợt 1, ít hơn cùng kỳ năm trước hơn 300 em. Trưởng phòng Đào tạo Trần Ngọc Tuyển cho biết, so với năm trước, điểm khối C, D năm nay thấp hơn.

Ông Tuyển tính toán, nếu mức sàn hạ 0,5 điểm thì đợt này, trường có thêm gần 500 thí sinh trúng tuyển. Còn với mức sàn hiện hành, ĐH Tây nguyên chỉ có vài ngành đủ chỉ tiêu. Xét tuyển đợt 2, đợt 3 vẫn thiếu. Năm sau, trường sẽ phải đề nghị tăng thêm sinh viên cử tuyển, dự bị ở các tỉnh để bù vào.

Còn ĐH An Giang, nếu không được phép áp dụng quy định giãn điểm ưu tiên khu vực từ 0,5 đến 2 điểm thì tình trạng thiếu sinh viên sẽ trầm trọng hơn năm trước.

Theo Vnexpress