"Các nhà khoa học trẻ là tài sản xã hội"

Nhật Hồng

(Dân trí) - Đội ngũ trí thức và các nhà khoa học trẻ cần phải trở thành những chủ thể sáng tạo và cống hiến, là tài sản xã hội, động lực trí tuệ. trong các hoạt động KH&CN hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Các nhà khoa học trẻ khối kinh tế và kinh doanh 2020 - Icyreb 2020" do Trường Đại học Thương mại cùng với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN), Trường ĐH Kinh tế - Đại học Huế, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà nẵng và Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) đồng tổ chức.

 Hội thảo khoa học quốc tế "Các nhà khoa học trẻ khối kinh tế và kinh doanh 2020 - Icyreb 2020" với 4 chủ đề lớn đưa ra để các nhà khoa học trẻ bàn luận là: tăng trưởng kinh tế và đầu tư; thương mại, xuất khẩu và chuỗi cung ứng; đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong marketing và kế toán, tài chính, ngân hàng…

Các nhà khoa học trẻ là tài sản xã hội - 1

Các nhà khoa học trẻ tham dự hội thảo

 PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan cho biết, mục đích hội thảo nhằm bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nghiên cứu trẻ có năng lực và tạo ra những sản phẩm khoa học ngang tầm khu vực và quốc tế. Đây là diễn đàn khoa học thường niên để các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ trình bày công trình nghiên cứu của mình, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các chủ đề nghiên cứu kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Hiệu phó trường ĐH Thương Mại chia sẻ, hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN) nói chung và nghiên cứu khoa học (NCKH) nói riêng trong các trường đại học không chỉ được xem là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, mà còn sáng tạo ra tri thức mới và chuyển giao công nghệ, quy trình, sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Để KH&CN đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, các nhà nghiên cứu, những người làm khoa học, đặc biệt là đội ngũ giảng viên phải là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các nhà khoa học trẻ là tài sản xã hội - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan

Bà Loan nhấn mạnh, Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11/4/2012) về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ "Phát triển KH&CN cùng với giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát tiển đất nước nhanh và bền vững. KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, đội ngũ trí thức là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực kinh tế, là nguồn lực xã hội, là lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất vật chất. Sự dịch chuyển mạnh mẽ trong xu hướng tri thức hóa đang diễn ra trên toàn thế giới đặt ra yêu cầu cấp bách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trí thức nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng cần phải trở thành những chủ thể sáng tạo và cống hiến, là tài sản xã hội, động lực trí tuệ, đặc biệt quan trọng trong các hoạt động KH&CN hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang chuyển mình cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, ngày càng được đề cao, là nền tảng cho phát triển, phản ánh sức mạnh của quốc gia. Hơn lúc nào hết, những nhà khoa học trẻ nói riêng và thanh niên nói chung "phải làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất".

Các nhà khoa học trẻ là tài sản xã hội - 3

Hiệu phó trường ĐH Thương Mại chia sẻ, trong thời gian vừa qua, ngày càng có nhiều nhà khoa học trẻ tại các cơ sở giáo dục đại học được giao làm chủ trì, chủ nhiệm các đề tài cấp Nhà nước, các chương trình trọng điểm cấp Quốc gia.

Nhiều nhà khoa học trẻ nhận được các nguồn kinh phí tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ các Quỹ tài trợ nghiên cứu Nafosted, công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc các danh mục ISI, SCOPUS đã góp phần đáng kể vào sự phát triển vượt bậc trong nghiên cứu cơ bản của Việt Nam trong những năm gần đây.