Cải tổ Đại học Oxford

Lãnh đạo mới của Đại học Oxford cho rằng trường này cần cải tổ triệt để, để vẫn xứng đáng là đại học hàng đầu trong thời đại toàn cầu hóa.

Về nhận chức hiệu phó của Đại học Oxford hồi tháng 10/2004, tiến sĩ John Hood đề xuất một kế hoạch cải tổ táo bạo nhằm biến Oxford thành một trong những đại học hàng đầu của thời đại toàn cầu hóa.

 

Kế hoạch này sẽ đưa Oxford không những chỉ cạnh tranh với Đại học Cambridge mà còn có thể so sánh với những đại học hàng đầu của Mỹ như Yale, Harvard, Stanford về chất lượng giảng dạy và trình độ sinh viên.

 

Trước đây khi làm hiệu phó Đại học Auckland của New Zealand ông đã từng giúp Auckland huy động thêm 500 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất. Với tư duy của nhà kinh doanh hơn là nhà giáo, ông Hood 53 tuổi, người New Zealand, từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo trong 18 năm công tác tại tập đoàn Fletcher Challenge.

 

Oxford là một trong những đại học uy tín nhất của Anh và châu Âu với 900 năm lịch sử – nơi từng đào tạo 25 vị thủ tướng Anh trong đó có ông Tony Blair. Ông Hood có thể đã gặp đúng cơ hội vì trước khi ông về trường đã có những tín hiệu cho thấy Oxford bắt đầu nhạy bén trong việc kinh doanh.

 

Trước đây nhiều giáo sư của trường còn cười chế nhạo việc lẫn lộn giữa học thuật và mua bán, nhưng hiện tượng này không còn nữa. Đóng góp của giới công nghiệp, thu lợi về sở hữu trí tuệ và hợp tác khác trong kinh doanh đã mang về cho trường 56 triệu USD trong niên khóa 2003-2004. Với ưu điểm như vậy nhưng nhiều giáo sư cho rằng Oxford vẫn không đạt ngang tầm với các trường ở Mỹ như Harvard hay Học viện Công nghệ Massachusetts.

 

Giáo sư trẻ John March-Russell nhận định rằng, Oxford thiếu sự tiến công, thiếu khao khát đạt được thành tựu lớn. Hơn nữa, sự tiến bộ trong nghiên cứu các ngành khoa học thực nghiệm đòi hỏi phải có nhiều phòng thí nghiệm lớn và đắt tiền hơn là những gian giảng đường từ thời Trung cổ.

 

Ông Hood mong muốn vực dậy khoản góp vốn 5 tỉ USD cho Oxford, đồng thời cải tạo cơ sở vật chất cũ kỹ của trường này. Một trong những khó khăn theo ông cần phải làm là hiện đại hóa công tác điều hành để có cơ sở thuyết phục nhà tài trợ lớn rằng đồng tiền của họ được tiêu xài một cách có hiệu quả.

 

Cho đến nay Chính phủ Anh vẫn là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho Oxford nhưng ngân sách nhà nước, theo thông lệ, không vượt qua rào cản của chủ nghĩa bình quân. Cho nên lương giáo sư tại Oxford thấp, chỉ khoảng 88.000 USD/năm so với lương giáo sư tại Harvard lên tới 163.000 USD/năm. Vốn góp của Oxford cũng quá ít ỏi so với khoản góp vốn của Harvard lên đến 25,9 tỉ USD. Việc lệ thuộc vào nhà nước cũng làm cho Oxford bị bó buộc tài chính. Mỗi năm nhà trường lỗ từ 12.000 USD đến 14.000 USD chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên Anh hoặc EU. Nguồn tài chính bù đắp lại thâm hụt này nhờ vào 419 triệu USD lợi nhuận của nhà xuất bản Oxford University Press từ 8 năm qua. Chính vì vậy nhiều người cho rằng Oxford cần có sự độc lập đối với nhà nước.

 

Theo ông Hood, để có thể bù vào khoản ngân sách 350 triệu USD do nhà nước cấp mỗi năm, Oxford cần phải nâng khoản góp vốn cho mình lên 8,6 tỉ USD. Khó khăn về tài chính ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, theo nghiên cứu của tổ chức OxCHEPS, chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở Oxford chỉ bằng 1/3 chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở Princeton và Harvard của Mỹ. Để giúp mình hoàn thành các mục tiêu tài chính, hiệu phó Hood đã thuê ông Jon Dellandrea, một nhà huy động vốn xuất sắc từ Đại học Toronto ở Canada, về làm giám đốc phát triển đầu tiên của Oxford.

 

Thừa nhận Oxford là nhãn hiệu hàng đầu trên thế giới, nên ông Dellandrea biết thử thách của mình rất lớn. Về cơ sở vật chất, ông dự kiến xây dựng thêm một cơ sở cho các ngành học nhân văn trị giá 1,5 tỉ USD; một thư viện mới với 8 triệu đầu sách và một cơ sở bệnh viện bên cạnh nhà trường.

 

Trong lúc có nhiều quan điểm khác nhau về việc quản lý và cải tổ ở Oxford, ông Hood chủ trương kiên trì thuyết phục. Liệu ban lãnh đạo mới của Oxford có thể biến một trong những đại học lâu đời nhất trên thế giới trở thành một cơ sở tiên tiến của thời đại toàn cầu hóa hay không. Giáo sư Anthony Smith nói rằng, ông Hood biết cần phải đặt vị trí của Oxford ở đâu cho xứng với tầm vóc của nó, và trong việc này ông Hood bị nhiều chỉ trích.

 

 

Theo Trúc Lâm

Người Lao Động/Business Week