Chiếc cặp căng phồng… và nỗi lo giáo viên "mất quyền" giáo dục học sinh

(Dân trí) - Có những lỗi lầm, sai phạm cần được nghiêm khắc xử phạt để trò nhận ra lỗi lầm và rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh được Bộ GD&ĐT triển khai đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều điểm mới tích cực. Một trong số đó là hủy bỏ hình thức đuổi học và khiển trách, phê bình trước lớp, trước trường đối với học sinh vi phạm.

Đây thật sự là một quan điểm tiến bộ, nhân văn phù hợp với xu hướng giáo dục tôn trọng cá tính học sinh. Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều vẫn lo ngại về việc giáo viên mất quyền giáo dục học sinh và học sinh vi phạm nhiều lần sẽ bị "nhờn thuốc" khi các hình thức kỷ luật dần bị tước bỏ.

Mặc dù báo chí suốt mấy hôm nay đã bàn luận sôi nổi về các hình thức kỷ luật tích cực, hiến kế không ít cách làm hay đã thực hiện và đem lại hiệu quả giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, lòng trăn trở của mọi người, đặc biệt là giáo viên và phụ huynh xoay quanh những đổi mới trong dự thảo vẫn đang diễn ra. Tôi xin chia sẻ câu chuyện nhỏ ở trường tôi xung quanh việc kỷ luật học sinh vi phạm.   

Chiếc cặp căng phồng… và nỗi lo giáo viên mất quyền giáo dục học sinh - 1

Ba năm trước, trên hành lang về các lớp trước giờ sinh hoạt lớp, tôi tình cờ bắt gặp một chiếc cặp căng phồng của một cô giáo chủ nhiệm lớp 6. Tò mò, tôi hỏi chị sao tay xách nách mang nhiều thứ như thế. Chị mở cặp và khoe tôi về vô số quyển vở, bút chì, thước kẻ, cục tẩy… mới tinh, đủ màu sắc.

Chị kể rằng lớp chị chủ nhiệm đã thống nhất với phụ huynh ngay từ đầu năm học sẽ không đánh mắng các em. Thay vào đó, cứ hễ học sinh vi phạm sẽ phải "đóng phạt" bằng hình thức bốc thăm vở, bút, thước, tẩy và nộp vào đầu tuần sau.

Đồng thời, những em nào có thành tích xuất sắc trong tuần như đạt điểm số cao ở các môn học, tích cực phát biểu xây dựng bài hoặc làm được nhiều việc tốt sẽ được thưởng. Phần thưởng cho các em là vở, bút, thước và tẩy từ chính những vật các bạn nộp phạt vào. Và các em cũng sẽ được bốc thăm nhận quà.

Chị hào hứng kể về những tiết sinh hoạt lớp rộn ràng niềm vui của học trò đầu cấp. Bằng cách thưởng phạt này, học sinh vi phạm không quá buồn nản, nhụt chí khi bị xử phạt. Các em lại luôn ganh đua nhau trong học tập để được cô giáo khen và nhận phần của lớp. 

Bàn tay chị lắc nhẹ hộp giấy cứng màu hồng đựng dùng để bốc thăm, mắt chị long lanh niềm vui. Và chị sắp bước vào lớp sinh hoạt cuối tuần với tâm thế rất nhẹ nhàng.

Tôi đã nghĩ về lớp chủ nhiệm của mình, khá nhiều em đang chờ cô giáo về lớp trong nơm nớp nỗi lo về những vi phạm trong tuần với đánh giá khắt khe và bản kiểm điểm… Dù thương trò nhưng tôi không thể không uốn nắn các em không học bài, không làm bài và liên tục phạm lỗi về nề nếp. Tôi có yêu thương học sinh sai cách không?

Và nhìn chiếc cặp căng phồng món quà tặng của người đồng nghiệp, tôi giật mình nhận ra việc khiển trách trước lớp rồi thỉnh thoảng nhờ thầy tổng phụ trách phê bình học sinh trước trường dường như đang khiến quan hệ thầy - trò trở nên xấu hơn bao giờ hết.

Có những lỗi lầm, sai phạm cần được nghiêm khắc xử phạt để trò nhận ra lỗi lầm và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tuy nhiên, việc "bêu tên" trò trước trường, trước lớp đã không còn phù hợp trong bối cảnh hôm nay. Bởi một lần đứng "chào cờ" trước lớp, trước trường là một lần đau đớn và ám ảnh không dứt khi tiếng thầy trên loa rang rảng đọc lỗi vi phạm còn hàng chục, hàng trăm cặp mắt bên dưới chăm chú chỉ trỏ, xầm xì, bêu riếu.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số thì khoảnh khắc ấy rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của những chiếc điện thoại thông minh để rồi hình ảnh xấu xí và dấu ấn không hay lúc bị phê bình sẽ công khai cho cả thế giới cùng biết, cùng chê bai và cười cợt!

Xử phạt học sinh chứ không phải là trừng phạt. Một khi hình thức kỷ luật đi chệch mục tiêu giáo dục sẽ rất dễ đẩy thầy - trò về hai phía đối đầu, luôn thận trọng, đề phòng, giám sát và tìm cách bắt lỗi lẫn nhau!

Bởi vậy, tình cờ bắt gặp chiếc cặp căng phồng của chị đồng nghiệp hôm ấy, tôi chợt nhận ra rằng: Học sinh vi phạm phải được uốn nắn nhưng quan trọng hơn là người thầy cần tìm ra giải pháp giáo dục tích cực để trò biết sai, có ý thức sửa lỗi và có động lực phấn đấu vươn lên…

                                                                        Nguyễn Thanh

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục của độc giả, xin gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!