Chuyển trường bán công sang tư thục: Không ổn

Nên chăng xem trường bán công là trường công tự hạch toán, chuyển một số trường công kém hiệu quả sang hoạt động theo dạng này và khuyến khích thành lập các ĐH-CĐ tư thục mới.

Hai lý do thường được các chuyên gia của Bộ GD-ĐT cũng như một số người khác đưa ra giải thích cho nhu cầu chuyển đổi là: 1) Để cho sở hữu trường học công ra công, tư ra tư; 2) Thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục ĐH-CĐ theo chủ trương của Đảng.

 

Có mấy loại hình sở hữu?

 

Về mặt thực tiễn, ngày nay không một quốc gia nào trên hành tinh này chỉ có 2 hình thức sở hữu trong giáo dục ĐH. Ngoài những trường do Nhà nước thành lập, có những ĐH do tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp... thành lập và cũng có ĐH do tư nhân thành lập. Tuy nhiên, khái niệm tư nhân sở hữu trường ĐH-CĐ được hiểu rất tương đối. Sau một thời gian hoạt động, chính những trường tư do một nhóm người thành lập dần dần cũng phát triển thành trường do rất nhiều người đồng sở hữu và đa số trở thành trường của một cộng đồng nhất định nào đó. Tựu trung, ngoài trường do nhà nước thành lập và thuộc sở hữu công, đa số những trường khác thuộc sở hữu cộng đồng.

 

Hai lý do không đứng vững

 

Như vậy, việc chuyển các trường ĐH-CĐ bán công tại Việt Nam hiện nay sang hình thức tư hữu để cho công ra công, tư ra tư có là một việc làm đúng không? Thông thường, khi và chỉ khi có tình trạng trường công nhưng lại hoạt động theo kiểu tư nhân hoặc trường thực chất là tư, nhưng lại núp bóng Nhà nước thì việc làm tách bạch công ra công, tư ra tư mới có lý do thuyết phục.

 

Trong thực tế, ngoài 2 trường có hoàn cảnh thành lập đặc biệt là Trường CĐ Bán công Hoa Sen và CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, 4 trường còn lại thực chất là trường công, thì liệu có cần phải tách bạch công ra công, tư ra tư ở những trường này hay không?

 

Lý do thứ hai cũng không đứng vững. Tiến trình xã hội hóa một bộ phận, khu vực hay hoạt động nào đó phải được hiểu là bộ phận, hoạt động ấy vốn trước nay hoàn toàn được tài trợ bởi Nhà nước hoặc thuần túy tư nhân, nay chuyển dần tài trợ này về cho cộng đồng xã hội, để những người hưởng dịch vụ phải đóng góp, đầu tư và tham gia quản lý. Vì đất nước chúng ta đến nay không có cơ sở giáo dục ĐH-CĐ nào thuần túy của tư nhân, chúng ta chỉ có tiến trình xã hội hóa từ Nhà nước sang. Đứng trên giác độ như vậy, đa số trường ĐH-CĐ bán công hiện có đã và đang được xã hội hóa, vì ngoài phần đầu tư ban đầu (từ ngân sách) vào cơ sở vật chất (mà hầu hết là rất nhỏ), toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư cơ bản về sau do trường tự trang trải bởi đóng góp của người nhận dịch vụ.

 

Trường bán công thực chất không tạo bất kỳ gánh nặng nào cho ngân sách, vậy việc chuyển những cơ sở giáo dục, đã được xã hội hóa rồi, sang cho tư nhân có phải là con đường đúng?

 

Cần thận trọng

 

Điều đáng lưu ý khác đó là những trường bán công hiện nay sau một thời gian hoạt động đều tích lũy được những tài sản gấp nhiều lần hơn lượng tài sản mà Nhà nước đầu tư ban đầu cho trường. Tài sản này đang là tài sản công cộng bởi nó hình thành từ phần thặng dư đóng góp bao năm của người học, của xã hội. Một khi nó là tài sản công cộng, nó cần được quản trị và khai thác bởi Nhà nước cho những mục đích chung. Việc chúng ta chuyển đổi loại hình tổ chức, rút phần vốn của Nhà nước trên sổ sách (hiện chiếm không đáng kể) để rồi tư nhân hóa toàn bộ tích lũy có tính công cộng này cho một số người, thì liệu đó có phải là một việc làm công bằng đối với xã hội?

 

Chúng tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng việc chuyển đổi sở hữu các trường bán công hiện nay. Nên chăng xem trường bán công là trường công tự hạch toán, chuyển một số trường công kém hiệu quả sang hoạt động theo dạng này và khuyến khích thành lập các ĐH-CĐ tư thục mới. Bằng cách đó, chúng ta sẽ có một hệ thống trường công gồm những trường trọng điểm (được Nhà nước bao cấp), không trọng điểm (tự hạch toán) và trường tư.

 

Về lâu dài, trường công tự hạch toán và trường tư sẽ được định hướng phát triển thành trường thuộc sở hữu cộng đồng.

 

 

Tiến sĩ Lê Vinh Danh

Theo Người Lao Động