Đào tạo gắn với nhu cầu thực tế

Cơ chế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là đặc trưng lớn nhất của các nền giáo dục hiện đại thế giới. ĐH Đại Nam sớm nhận ra lợi ích của sự gắn kết đó và đang khai thác triệt để các mối quan hệ nhằm xây dựng cơ chế đào tạo theo hướng này.

Đào tạo theo tiêu chí của người tuyển dụng

Điểm khác biệt quan trọng giữa đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế là căn cứ vào yêu cầu “đầu ra” để lựa chọn phương thức đào tạo và số lượng “đầu vào” phù hợp. Muốn vậy, trường đại học cần xác định các tiêu chí mà người tuyển dụng đòi hỏi đối với các ngành và các chuyên ngành cụ thể như: Kiến thức chuyên ngành gì, kỹ năng, nghiệp vụ nào và những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết khác. Nhờ làm tốt việc gắn kết nên chính các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã cung cấp cho ĐH Đại Nam các tiêu chí tuyển dụng này.

Hàng năm, với hơn 3000 sinh viên theo học các ngành như Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Công trình Xây dựng và Ngoại ngữ…, ĐH Đại Nam đã khẳng định được ưu thế của trường bằng chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và nhất là phương pháp học lý thuyết kết hợp với thực hành thực tế.

Chương trình dành cho… giảng viên!

Các nhà quản trị có kinh nghiệm luôn coi trọng “kỹ năng mềm”. Theo họ, 80% sự thành công của một cá nhân là nhờ vào “kỹ năng mềm” chứ không phải “kỹ năng cứng” (kiến thức). Thế nhưng cũng có tới 80% nhà quản trị than phiền nhân viên trẻ quá yếu kỹ năng mềm, không đáp ứng được yêu cầu công việc dù nhiều người có bằng cấp rất tốt. Nhận thấy sự cần thiết của các kỹ năng mềm trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống, Hội đồng Quản trị Trường ĐH Đại Nam tổ chức chương trình đào tạo “Khẳng định bản thân trong nghề giảng dạy” dành cho toàn thể giảng viên, cán bộ nhà trường. Các khóa đào tạo kỹ năng mềm và rèn luyện tư duy kết hợp với những trải nghiệm thiết thực, những kỹ năng mềm cần thiết và những khám phá thú vị về khả năng tiềm ẩn của con người sẽ hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên ĐH Đại Nam có những bài giảng sinh động. Đối với các khóa đào tạo về kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp… dành cho sinh viên khá giỏi, đồng thời đưa 10 kỹ năng mềm trở thành môn học cơ bản nhất vào nội dung của chương trình học chính khóa (từ 45 đến 100 tiết học tùy từng chuyên ngành) để đào tạo sinh viên các ngành Kinh tế - Quản lí - Quản trị Kinh doanh.

Bên cạnh việc đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy, Trường ĐH Đại Nam đầu tư đưa các môn học như Tư duy Thịnh vượng, Tư duy Làm giàu, Tư duy Kinh doanh, Tư duy Khởi sự Doanh nghiệp thành công... Các môn này do các doanh nhân thành đạt ở Việt Nam trực tiếp giảng dạy và thảo luận. Điều này đã giúp sinh viên khi ra trường có bản lĩnh kinh doanh để phát triển nghề nghiệp và đóng góp cho xã hội

Kinh nghiệm thực tế và tiếng Anh là chìa khóa thành công

Thời gian qua, ĐH Đại Nam đã ký văn bản hợp tác với nhiều ngân hàng thương mại như Ngân hàng Thương mại Dầu khí toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh (VP Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank)… để tạo điều kiện cho các sinh viên tới thực tập; cử các chuyên gia đầu ngành đến trao đổi kinh nghiệm thực tế và ưu tiên tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi và khá vào làm việc. Ngoài ra, nhà trường sẽ giới thiệu, tư vấn các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng về các ngành nghề do nhà trường đào tạo cho các sinh viên về làm việc sau khi tốt nghiệp. Do cả quá trình đào tạo, các doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia nên khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thực sự yên tâm mà không phải đào tạo lại..

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tế - 1
Lễ ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo giữa Đại học Đại Nam và Ngân hàng Thương mại Dầu khí toàn cầu.

Trong hội nhập quốc tế, tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc nên việc xây dựng hệ thống đánh giá khả năng tiếng Anh theo chuẩn TOEIC đối với sinh viên là một đổi mới ở ĐH Đại Nam. Đây là một trong những trường ĐH đầu tiên đưa TOEIC vào đào tạo. Sinh viên ĐH Đại Nam sẽ được tiếp cận thường xuyên, làm bài thi thử TOEIC, phân loại trình độ... theo các kỳ học để sao cho khi tốt nghiệp, đạt được trình độ 650 điểm đối với khối Tiếng Anh chuyên ngữ, 550 diểm đối với khối ngành kinh tế và 450 điểm đối với khối ngành kỹ thuật. Chứng chỉ tiếng Anh chuẩn TOEIC cũng là chiếc chìa khóa mở cho sinh viên của trường nhiều cơ hội đến với các nền giáo dục hiện đại thế giới.

Thủy Ngân