Đề nghị có chế tài xử lý Hội đồng giáo sư cơ sở để "lọt" hồ sơ sai sót

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhắc nhở và có chế tài xử lý đối với các HĐGS cơ sở khi thẩm định hồ sơ chưa tốt; các HĐGS ngành/liên ngành xét duyệt hồ sơ còn để xảy ra nhiều sai sót, đơn thư.

Năm 2020 là năm thứ hai Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) triển khai công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 37); các vấn đề liên quan đến quy định về tiêu chuẩn, quy trình xét đã được HĐGSNN phối hợp với các Bộ ngành, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện về cơ sở pháp lý theo hướng nâng cao chất lượng ứng viên, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, rõ ràng và thống nhất cho việc thẩm định đánh giá hồ sơ ứng viên, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Chính vì vậy, năm 2020, xét giáo sư, phó giáo sư đã có nhiều vấn đề xảy ra từ Hội đồng Giáo sư cơ sở đến Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành, nảy sinh nhiều đơn thư, khiếu kiện khiến Văn phòng HĐGSNN phải đề xuất nhiều biện pháp để hạn chế, khắc phục tình trạng này. 

Đề nghị có chế tài xử lý Hội đồng giáo sư cơ sở để lọt hồ sơ sai sót - 1

Nhiều Hội đồng giáo sư cơ sở "đá bóng lên trên"

Văn phòng Hội đồng GSNN cho biết, trong quá trình giám sát hoạt động của các HĐGS cơ sở (Hội đồng giáo sư cơ sở) và rà soát hồ sơ ứng viên, còn hiện tượng một số chuyên gia thẩm định ở HĐGS cơ sở chưa rà soát kỹ các minh chứng, chủ yếu đánh giá dựa vào bản đăng ký của ứng viên, dẫn đến thiếu minh chứng (về thâm niên giảng dạy, sách, hướng dẫn NCS, hướng dẫn ThS, đề tài khoa học) hoặc minh chứng chưa chính xác, không đúng thẩm quyền xác nhận minh chứng ở một số tiêu chuẩn;

Có hiện tượng chạy theo số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế như: công bố nhiều bài báo trong thời gian ngắn; có tác giả công bố nhiều bài trên cùng một số của tạp chí được khuyến cáo là có vấn đề về chất lượng; thời gian phản biện rất ngắn hoặc không có thông tin về thời gian xuất bản;

Văn phòng Hội đồng GSNN cho rằng, vẫn còn hiện tượng một số HĐGS cơ sở "đá bóng lên trên", chưa làm hết trách nhiệm rà soát tính pháp lý của các minh chứng trong Hồ sơ ứng viên như về xác định thâm niêm nhà giáo để ứng viên bị loại từ vòng thẩm định Hồ sơ của HĐGS ngành; hay có ứng viên công bố nhiều bài báo QTUT trong thời gian ngắn nhưng vẫn chuyển lên xét tại các HĐGS ngành, liên ngành; có ứng viên có nhiều CTKH không thuộc ngành, chuyên ngành đăng ký;…

Hiện tượng thẩm định năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh ở một vài HĐGS cơ sở chưa thực chất, mang tính hình thức, biên bản thẩm định sơ sài, chưa thể hiện rõ năng lực ngoại ngữ của ứng viên;

Những vấn đề nêu trên đã được Văn phòng HĐGSNN lưu ý, khuyến nghị gửi đến các HĐGS ngành, liên ngành để tiếp tục thẩm định kỹ và có báo cáo gửi Thường trực HĐGSNN xem xét, xử lý về trách nhiệm của các HĐGS cơ sở để xẩy ra các sai sót.

Đề nghị có chế tài xử lý Hội đồng giáo sư cơ sở để lọt hồ sơ sai sót - 2

Năm 2020, nhiều đơn thư khiếu nại về ứng viên giáo sư, phó giáo sư được gửi lên văn phòng hội đồng GSNN

57 lượt đơn thư

Theo thống kê của Hội đồng GSNN, năm 2020, 28 HĐ Giáo sư ngành, liên ngành đã xét 450 hồ sơ ứng viên (66 ứng viên chức danh GS và 384 ứng viên chức danh PGS), kết quả đề nghị lên xét tại HĐGSNN là 357 ứng viên, đạt 79,3% (40 ứng viên GS, đạt 60,6%; 317 ứng viên PGS, đạt 82,6%);

Trong đó, 07 Hội đồng có kết quả xét đạt 100% (Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản - 10/10; Lịch sử, Khảo cổ học - 01/01; Tâm lý - 03/03; Thủy lợi - 07/07; Văn học - 02/02; Khoa học Quân sự - 14/14; Khoa học An ninh - 22/22); 01 Hội đồng không có ứng viên nào đạt (HĐGS ngành Ngôn ngữ - 0/02).

Sau khi có ý kiến rà soát của Văn phòng HĐGSNN và ý kiến giám sát từ xã hội, 14 ứng viên xin rút hồ sơ không xét tiếp (01 ứng viên (UV) GS và 08 ƯV PGS ngànhY học; 02 ƯV PGS ngành Hóa học-Công nghệ thực phẩm; 01 ứng viên PGS ngành Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản; 01 ứng viên PGS ngành Dược học và 01 ứng viên PGS ngành Tâm lý học). Như vậy, số ứng viên chính thức được xét tại HĐGSNN là 343 ứng viên (đạt 76,2%), trong đó có 39 ứng viên GS (đạt 59,1%) và 304 ứng viên PGS (đạt 79,2%).

Nếu so với số ứng viên đăng ký năm 2020 (639 ứng viên) và số ứng viên nộp hồ sơ tại các HĐGS cơ sở (506 ứng viên) thì tỷ lệ các ứng viên được xét chính thức tại HĐGS nhà nước lần lượt là 53,68% và 67,79%.

Trong quá trình xét của các HĐ Giáo sư ngành/liên ngành (HĐGSNLN), Văn phòng HĐGSNN đã tiếp nhận 57 lượt đơn thư, liên quan đến 16 HĐGSNLN (đến ngày 27/11/2020), trong đó: 05 lượt đơn thư tố cáo qua email liên quan đến 36 ứng viên ngành Y học và 06 ứng viên ngành Dược học; 46 lượt đơn thư tố cáo 39 cá nhân ứng viên (02 đơn thư nêu liên quan đến thành viên HĐGS ngành Dược học và Giáo dục học); 02 lượt đơn thư kiến nghị của ứng viên đối với HĐGSNLN (Toán học, Vật lý); 02 đơn thư liên quan đến thành viên HĐGS ngành/liên ngành (Ngôn ngữ học, Vật lý); 10 ứng viên nêu trong đơn thư đã bị loại/xin rút.

HĐGSNLN có nhiều lượt đơn thư và nhiều ứng viên bị tố cáo, là: HĐGS ngành Dược học (14 lượt đơn thư); HĐGS ngành Y học (07 lượt đơn thư).

Theo Văn phòng Hội đồng GSNN, vấn đề nổi bật nêu trong các đơn thư là liên quan đến chính trị tư tưởng, vi phạm đạo đức nhà giáo, viên chức; vi phạm liêm chính học thuật/nghiên cứu khoa học theo công văn số 3514/BGD ĐT-KHCNMT (mua bán bài, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn, tổ chức số tạp chí để đăng nhiều bài, hưởng Gift Author…); đăng báo trên tạp chí không uy tín (đăng mất phí, thời gian phản biện ngắn, trong số đặc biệt, số bổ sung, …); công trình khoa học không đúng chuyên ngành.

Các đơn thư khiếu nại tố cáo đã được chuyển đến các bên liên quan để xem xét, xử lý, cụ thể: Các đơn thư, trước khi công khai kết quả xét của HĐGS ngành, tố cáo 13 ứng viên thuộc 10 HĐGSNLN và 02 đơn thư kiến nghị của ứng viên đã được chuyển đến các HĐGSNLN để xem xét xử lý, kết quả: 04 ứng viên không đạt tiêu chuẩn; 02 thư kiến nghị của ứng viên đã được các HĐGS ngành Toán học và Vật lý trả lời thỏa đáng.

Các đơn thư sau khi công khai kết quả xét của HĐGS ngành/liên ngành (chính danh và nặc danh) đã được Văn phòng chuyển đến các HĐGSNLN liên quan để xem xét, xử lý và báo cáo giải trình.

Các Hội đồng đã nghiêm túc xem xét và báo cáo giải trình. Riêng hai HĐGS ngành Y học và Dược học đã phối hợp tổ chức cuộc họp xem xét riêng về những đơn thư, ý kiến rà soát của Văn phòng HĐGSNN.

Cần nhắc nhở  và có chế tài xử lý đối với Hội đồng giáo sư để xảy ra nhiều sai sót

Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, trong đợt xét năm 2020, Văn phòng HĐGSNN và các HĐGS ngành, liên ngành phát hiện một số tạp chí kém chất lượng mặc dù vẫn nằm trong danh mục ISI/Scopus, một số HĐGS ngành, liên ngành đề xuất loại bỏ các tạp chí này khỏi danh mục;

Văn phòng đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định rõ yêu cầu về minh chứng "chủ trì hoặc tham gia phát triển Chương trình đào tạo trình độ ĐH trở lên" trong hồ sơ ứng viên; Cần hoàn thiện công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về: Tạp chí quốc tế uy tín; thời hạn công bố của các bài báo khoa học; định dạng bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế; sách chuyên khảo…

Đề nghị HĐGSNN nhắc nhở và có chế tài xử lý đối với các HĐGS cơ sở chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, minh chứng về thâm niên, giờ giảng; Các HĐGS ngành/liên ngành xét duyệt các hồ sơ còn để xảy ra nhiều sai sót dẫn đến nhiều đơn thư, khiếu kiện như: HĐGS ngành Y học, Dược học để xảy ra nhiều khiếu kiện; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nơi bị khiếu kiện về có nhiều ứng viên liên quan đến đăng nhiều bài báo quốc tế trên tạp chí Open Access...