Đề thi đại học được biên soạn và bảo mật thế nào?

(Dân trí) - Bắt đầu từ kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2002, hầu như tất cả các trường ĐH trong cả nước đều sử dụng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và việc ra đề thi chung do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD- ĐT đảm trách.

Cũng vì công việc chung này, đã từ 4 năm nay, vấn đề làm thế nào để đề thi đạt được yêu cầu và được bảo mật luôn là một vấn đề giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong mỗi kỳ tuyển sinh.

 

Theo Cục Khảo thí thì việc biên soạn đề thi được tổ chức tại một địa điểm bí mật, biệt lập và quy trình biên soạn đề thi là một quy trình khép kín với 5 bước sau:

 

- Trưởng Ban đề thi yêu cầu các Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm, trong đề thi phát cho thí sinh phải ghi điểm cho từng câu. Đối với một số môn khoa học xã hội thì bốc thăm chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề ngẫu nhiên đã chọn đó.

 

- Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ làm đề thi để hoàn chỉnh đáp án, thang điểm.

 

- Tổ chức phản biện đề thi. Người làm phản biện trong điều kiện không tiếp xúc với người đã ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, tự làm bài theo thời gian quy định như một thí sinh. Sau đó, người phản biện đề xuất ý kiến bằng văn bản về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề.

 

- Sau khi phản biện, người ra đề và người phản biện dưới sự chủ trì của Trưởng môn họp lại để thống nhất ý kiến về những điểm cần sửa chữa và bổ sung.

 

- Sau khi tu chỉnh lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm với sự đóng góp ý kiến của cán bộ ra đề và phản biện đề của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban đề thi.

 

- Trưởng ban đề thi tự mã hoá các đề thi và quyết định chọn đề chính thức và đề dự bị.

 

Toàn bộ đề chính thức và đề dự bị, các đáp án và thang điểm cùng tất cả các tài liệu quan trọng trong quá trình soạn thảo đề thi đều là tài liệu đóng dấu “TỐI MẬT” và phải nộp cho Trưởng ban đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật. Dang sách những người tham gia làm đề được tuyệt đối giữ bí mật. Tất cả những người này từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, có đeo phù hiệu riêng và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép. Trong trường hợp cần thiết, chỉ Trưởng ban đề thi mới được liên hệ với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh bằng điện thoại dưới sự giám sát của bảo vệ. Trưởng môn thi phải thường trực tại Hội đồng tuyển sinh trong suốt thời gian thí sinh làm bài của môn thi do mình phụ trách để giải đáp và xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi.

 

Tuy nhiên, để đề thi được bảo mất đến cùng còn phụ thuộc khá nhiều vào việc vận chuyển đề từ Cục tới các trường ĐH và các điểm thi của các trường ĐH. Chỉ cần một điểm thi sơ suất làm lộ đề thi thì sơ suất này sẽ trở thành một vết dầu loang và gây nên hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ kỳ thi tuyển sinh. Quy trình bảo mật này được tiếp tục thế nào? 

 

Theo TS Quách Tấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT, nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ thông tin thì việc bảo mật này là không thể thực hiện được. Đề thi chung của Bộ GD-ĐT được ghi trong đĩa mềm đã cài khoá bảo mật  và để thuận lợi cho công tác bảo mật, việc in sao đề sẽ chỉ tiến hành tại một số Hội đồng tuyển sinh (hàng năm, có khoảng hơn 40 trường ĐH được Bộ GD- ĐT giao trách nhiệm việc in sao đề này). Để đề thi đến tay thí sinh được an toàn cũng phải trải qua 4 bước:

 

Bước 1: Tại một địa điểm và thời gian quy định, Bộ chuyển đề thi ghi trong đĩa mềm đã có khoá bảo mật cho cho HĐTS của những trường ĐH đã được giao trách nhiệm in sao đề.

 

Bước 2: Những trường này này nhận trách nhiệm in sao đề trong địa điểm cách ly đạt yêu cầu bảo mật theo quy định.

 

Bước 3: Các trường trong khu vực theo chỉ định của Ban chỉ đạo thi ký hợp đồng với các trường đươc giao in đề và thông báo chính xác số lượng thí sinh của từng khối thi, số phòng thi, điểm thi.

 

Bước 4: Trong thời gian từ 4h- 6h của hôm thi sáng và từ 11h- 13h của hôm thi chiều, Chủ tịch HĐTS của trường phải mang theo giấy giới thiệu, chứng minh thư, ô tô, hòm đựng đề thi có khoá niêm phong và đại diện công an địa phương được ngành Công an phân công tham gia giám sát việc tiếp nhận, vận chuyển và phân phối đề thi của từng trường đó.

 

 

Mai Minh- Hồng Hạnh