"Đường tắt" thẳng tiến vào Đại học bằng chứng chỉ TOEFL ITP

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngoài lợi thế được miễn thi và nhận điểm 10 tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOEFL ITP còn là "đường tắt" giúp các em học sinh thẳng tiến vào các trường đại học theo nguyện vọng.

Nhận điểm 10 tiếng Anh tốt nghiệp THPT và ưu tiên xét tuyển ĐH

Theo Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2014, thí sinh đạt tối thiểu 450 điểm TOEFL ITP sẽ được miễn thi và nhận điểm 10 tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Tận dụng lợi thế của chứng chỉ TOEFL ITP, nhiều em học sinh THPT đã ôn luyện và thi chứng chỉ ngay từ năm lớp 10,11, dành thời gian ôn luyện cho các môn học khác phục vụ kỳ thi tốt nghiệp và tổ hợp môn xét tuyển Đại học.

Ngoài ra, tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL ITP là một trong những phương án tuyển sinh được nhiều trường ĐH lựa chọn trong năm học 2022-2023: cùng với xét học bạ, xét điểm tốt nghiệp THPT hay xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực…

Theo công bố phương án tuyển sinh năm học 2022-2023, gần 50 trường ĐH hàng đầu trong nước sử dụng phương thức tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ như TOEFL.

Cụ thể, với ĐH Kinh tế Quốc dân, trường dành từ 25-35% tổng chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực của hai trường ĐH Quốc gia. Trong đó, thí sinh có điểm TOEFL ITP 500 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng Nghe & Đọc 785, Nói 160, Viết 150) trở lên.

Đường tắt thẳng tiến vào Đại học bằng chứng chỉ TOEFL ITP - 1

Ngoài ra nhiều trường đại học uy tín như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Luật, Học viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Y dược Huế, ĐH Công nghiệp Hà Nội… cũng ưu tiên xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL ITP trong năm học tới.

Theo quan điểm của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, với tình hình dịch bệnh Covid chưa được khống chế thì tỉ trọng nhập học đối với các phương thức tuyển sinh năm nay tương tự như năm học 2020-2021. Điều đó có nghĩa phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn là một trong những phương án tối ưu của nhiều trường.

Đường tắt thẳng tiến vào Đại học bằng chứng chỉ TOEFL ITP - 2
Quan điểm của Bộ GD&ĐT về các phương thức tuyển sinh năm học 2022-2023

Giảm áp lực cho học sinh THPT

Đối với mỗi em học sinh sau 12 năm đèn sách, việc tập trung cao độ ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH luôn là những mối quan tâm lớn. Nó gây không ít áp lực cho nhiều em.

Việc Bộ GD&ĐT công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL ITP có giá trị trong việc miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, cùng với việc nhiều trường đại học áp dụng xét tuyển đầu vào bằng chứng chỉ này là một bước tiến giúp các em học sinh giảm được gánh nặng thi cử, đồng thời mở ra cho các em cơ hội tiến vào các bậc học cao hơn.

Với em Khổng Tú Anh, học sinh lớp 12, trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội thì: "với lượng kiến thức tiếng Anh tương đối sát với chương trình phổ thông, cùng với lệ phí bài thi vô cùng hợp lý chỉ bằng 1/4 các bài thi quốc tế khác, em đã lựa chọn TOEFL ITP để giảm áp lực ôn thi tốt nghiệp cũng như tăng cơ hội trúng tuyển vào những trường đại học lớn cho bản thân".

Đường tắt thẳng tiến vào Đại học bằng chứng chỉ TOEFL ITP - 3
Em Khổng Tú Anh, học sinh lớp 12, trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội đã lựa chọn thi TOEFL ITP để giảm áp lực thi cuối cấp và tăng cơ hội trúng tuyển ĐH.

Theo TS.Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hình thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho những em có trình ngoại ngữ tiếng Anh tốt có cơ hội được vào các trường đại học.

Cú hích cho dạy và học ngoại ngữ

Xu hướng tuyển sinh đại học bằng các chứng chỉ quốc tế đã được nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới áp dụng từ lâu. Việc các trường đại học tại Việt Nam đưa vào triển khai trong những năm gần đây cũng là tất yếu. Điều này cũng nằm trong lộ trình quốc tế hóa trong hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu của xã hội mà các trường đề ra.

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đầu vào cũng là cách để thúc đẩy hơn nữa việc học ngoại ngữ của học sinh phổ thông. Giúp các em có ý thức rèn luyện và nâng cao năng lực ngoại ngữ như tiếng Anh ngay từ cấp học nền tảng, từ đó tiếp tục phát huy hơn nữa trong cấp học cao hơn.

Bên cạnh đó, thông qua hình thức xét tuyển này, các trường đại học cũng tuyển chọn được đội ngũ sinh viên có nền tảng tiếng Anh tốt, theo học các chương trình liên kết, tiếng Anh chất lượng cao của bậc đại học; đồng thời thúc đẩy sinh viên nỗ lực chinh phục tiếng Anh - kỹ năng quan trọng mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. "Việc mở ra cơ chế quy đổi chứng chỉ quốc tế sang điểm thi môn ngoại ngữ là giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sinh viên đầu vào, đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều chương trình đào tạo hệ đại học có lồng ghép các môn phải học bằng ngoại ngữ", TS. Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM chia sẻ.