GS Hồ Ngọc Đại: "Nhiều người nói tôi chọn giáo viên như chọn... hoa hậu"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Tiêu chuẩn đầu tiên của tôi khi chọn giáo viên là cô giáo phải đẹp. Nhiều người nói ông Đại chọn giáo viên như chọn... hoa hậu", Giáo sư Hồ Ngọc Đại thẳng thắn.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại mang đến nhiều chia sẻ về vấn đề giáo dục tại buổi ra mắt cuốn sách "Giáo dục hiện đại" của ông ở TPHCM ngày 23/9. 

Trước câu hỏi tiêu chí về chọn giáo viên, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn cho biết: "Tiêu chí đầu tiên chọn giáo viên của tôi là cô giáo phải đẹp. Khóa đầu tiên ở Trường Thực Nghiệm, có mấy trăm cô, tôi chỉ chọn được hơn chục cô giáo. Có người nói ông Đại chọn giáo viên như chọn hoa hậu".

"Cha đẻ" của Trường Thực Nghiệm lý giải, ông chọn giáo viên không phải cho ông mà chọn cho học trò, chọn vì trẻ nhỏ. Đẹp ở đây là giáo viên phải tạo được sự thiện cảm, thân thiện, thu hút, có sức ảnh hưởng đến học trò. 

Điều quan trọng nhất của giáo dục, theo GS Hồ Ngọc Đại: "Đó là coi trọng học sinh. Từ nhỏ một đứa trẻ được coi trọng, lớn lên sẽ có lòng tự trọng".

GS Hồ Ngọc Đại: Nhiều người nói tôi chọn giáo viên như chọn... hoa hậu - 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Đứa trẻ được coi trọng từ nhỏ, lớn lên sẽ có lòng tự trọng" (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Với ông, bản chất lớn nhất, nguyện vọng lớn nhất của đứa trẻ là tự làm ra cái gì mà nó làm được. Coi trọng học trò là phải để các em tự làm mọi việc và thứ quan trọng nhất của việc tự làm là thao tác. 

Người lớn chỉ cung cấp nguyên liệu và chỉ cho trẻ cách làm. Còn thao tác phải do học sinh làm bằng tay, mô tả qua ngôn ngữ và cuối cùng là đi vào đầu đứa trẻ, đó chính là trật tự của công nghệ giáo dục. 

GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục của chính mình, không cho điểm. Người thầy chỉ giúp các em nhận ra đúng - sai, tốt - xấu, không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho trẻ em, buộc trẻ em phải chấp nhận.

Ông ví nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục "bên kia sông". Trong đó, thầy thiết kế, giao việc còn trò làm việc, chuyển từ chỗ thầy giảng sang thầy không giảng, thầy áp đặt sang thầy trao cho trò khả năng làm việc, từ đó hình thành năng lực của mỗi học sinh.

Ông cũng xóa bỏ triệt để khẩu hiệu thầy giảng, trò ghi nhớ và học thi, luyện thi bởi những thứ đó đều vì lợi ích của người lớn. Còn giáo dục trước hết phải giúp học sinh yêu thích, đi học phải vui, phải hạnh phúc.

GS Hồ Ngọc Đại trải lòng khi ông nói linh hồn giáo dục là con trẻ, rất nhiều người cười phản đối rằng linh hồn giáo dục phải là giáo viên. 

Với ông, khi đứa trẻ đến trường chúng phải được tôn trọng. Những gì đưa đến với trẻ phải chân thực, hiện đại và khoa học không thể đưa những thứ "tèm nhèm". Đó phải là những thứ xứng đáng với thời đại, với thế hệ của trẻ chứ không phải theo ý người lớn. 

Vị giáo sư 88 tuổi trải lòng, tất cả những gì chúng ta làm cho người thầy, khi người thầy vui vẻ, được tôn trọng thì không ai khác, chính học trò sẽ được thụ hưởng, hưởng lợi. 

"Bản chất của Trường Thực Nghiệm thật ra chính là câu hỏi với học sinh: "Thầy làm như thế có được không?", ông nói. 

GS Hồ Ngọc Đại: Nhiều người nói tôi chọn giáo viên như chọn... hoa hậu - 2

Theo GS Hồ Ngọc Đại chọn giáo viên phải vì học trò (Ảnh: Hoài Nam).

Giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ, trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là trách nhiệm với thế hệ trẻ. Đừng nghĩ thế hệ trẻ sai lầm, thế hệ trẻ chính là thứ cảnh báo rõ ràng nhất về thực trạng đất nước. Lịch sử đất nước như thế nào đều thể hiện qua trẻ nhỏ. 

Trước câu hỏi liệu có điểm chung nào của tất cả học trò Trường Thực Nghiệm được hưởng thụ công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại đáp: "Nó là nó! Người nào ra người đấy!". 

Theo ông, xã hội trước đây thô sơ với những đứa trẻ hao hao nhau nhưng con người trẻ em hiện đại phải khác, không ai giống ai. Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình, tự trở thành chính mình, là một cá nhân duy nhất có một không hai.