Tự chủ đại học:

GS.TS Hoàng Văn Cường: Trường đại học là tài sản của xã hội

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, tự chủ đại học đang là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam, đặc biệt là từ các nhà hoạch định chính sách và hệ thống giáo dục đại học.

Tự chủ đại học được hiểu là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình cũng như cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về các quyết định cũng như hoạt động của mình.

Theo EUA (2017), tự chủ đại học tập trung vào 4 khía cạnh chủ yếu gồm: Tổ chức, Tài chính, Nhân sự và Học thuật. Tự chủ đại học được xem như là một động lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề tự chủ đại học, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Chủ tịch Câu lạc bộ các trường đại học tự chủ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Trường đại học là tài sản của xã hội - 1

GS.TS Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ các trường đại học tự chủ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân (Ảnh:NH).

Tự chủ mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học

Thưa giáo sư, là Chủ tịch Câu lạc bộ các trường đại học đã tự chủ, ông cho biết việc triển khai tự chủ của 23 trường đại học thời gian qua có kết quả như thế nào?

- Thực hiện tự chủ được xem như cởi trói, gỡ bỏ các ràng buộc đang mang lại cho các trường nhiều thành công trên tất cả các mặt:

Thứ nhất, sự phát triển hoạt động đào tạo đáp ứng nhanh yêu cầu phát triển của xã hội: việc ra đời các ngành đào tạo mới rất mạnh và phong phú, sự chuyển đổi rất nhanh những ngành và cấu trúc các ngành cho phù hợp với những xu thế phát triển, đặc biệt là những ngành đào tạo thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và kinh tế số.

Cơ chế tự chủ đã cho phép các trường chuyển nhanh theo xu thế quốc tế hóa và hội nhập trong đào tạo, thay đổi tính chất gò bó theo khuôn khổ, cô lập của các chương trình đào tạo sang phương thức phát triển các chương trình liên thông quốc tế.

Thứ hai, tự chủ vừa tạo cho các trường có điều kiện tốt hơn, vừa đòi hỏi bắt buộc các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ chất lượng đào tạo tăng lên, được xã hội thừa nhận, từ đó quy mô tuyển sinh của các trường tăng lên, mặc dù học phí của các trường tự chủ tăng cao hơn các trường được nhà nước cấp ngân sách, điểm số chuẩn vào các trường tự chủ cũng luôn giữ ở mức cao.

Phương thức tổ chức đào tạo phát triển rất đa dạng, tạo ra sự lựa chọn phong phú cho người học. Ví dụ, phát triển đào tạo quốc tế phát triển rất mạnh, thay cho việc trước đây, ta phải đi du học nước ngoài, thì bây giờ ta có thể du học bán thời gian, liên kết, học nửa thời gian trong nước và nửa thời gian ở nước ngoài. Những mô hình đào tạo gắn với khởi nghiệp, kinh doanh ra đời đã giúp cho người học có nhiều cơ hội tiếp cận, thích ứng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đều khởi sắc hơn so với trước đây. Các trường phải tự vận động tìm kiếm các nguồn cho hoạt động khoa học, thay vì ngồi chờ giao đề tài, phải nâng cao năng lực để đấu thầu, tìm kiếm các đề tài nghiên cứu trong và ngoài ngân sách; tích cực liên kết, liên doanh với địa phương, doanh nghiệp để nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ.

Số lượng các bài báo quốc tế của các nhà khoa học thuộc các trường tự chủ công bố tăng lên rất nhanh. Nhờ tự chủ, các Trường đã có cơ chế đầu tư cho nghiên cứu công bố các bài báo quốc tế không theo cơ sử dụng tiền ngân sách, đã khuyến khích các nhà khoa học tập trung nghiên cứu chuyên sâu theo các hướng học thuật để viết được các bài báo quốc tế.

Còn về các yếu tố con người, cơ sở vật chất và tài chính thì thế nào thưa ông?

- Tổ chức bộ máy ở các trường tự chủ phát triển rất đa dạng, năng động: có trường xây dựng mới cơ sở 2 nhưng có trường lại sáp nhập các cơ sở khác thành phân hiệu của mình để mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động. Nhiều trường đã phát triển thành đại học, hình thành các trường con, hình thành các đơn vị nội bộ làm cho bộ máy năng động, hiệu quả, phát triển đa dạng hơn.

Sự thay đổi về nhân lực là điều rất đáng quan tâm. Khi chưa tự chủ, ngân sách ít thì các trường lại luôn muốn xin các cơ quan chủ quản cho tăng thêm biên chế, tuyển dụng thêm nhân sự. Khi chuyển sang tự chủ, các trường không phải đi xin chỉ tiêu biên chế, trường muốn tuyển bao nhiêu do trường tự quyết định, thì các trường lại không tăng biên chế, thậm chí có bộ phận giảm, nhưng thay vào đó là sự lựa chọn, sàng lọc, có chính sách thu hút người tài để có được nhân sự có chất lượng cao. Điều này giúp kêu gọi, thu hút được những người có trình độ, kể cả các chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy.

Về vấn đề tài chính, nguồn thu các trường đều tăng mặc dù không được nhà nước cấp tiền. Điều này thể hiện các hoạt động của nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, và xã hội sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ đào tạo do nhà trường cung cấp. Điều kiện phương tiện làm việc, đời sống của đội ngũ giảng viên, nhân viên trong trường cũng nhận được chế độ đãi ngộ, thu nhập tốt.

Về cơ sở vật chất, hầu hết các trường đều khẳng định, không có tự chủ thì không có được cơ sở vật chất tốt, đồng bộ, đầy đủ giúp cho quá trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu. Ngân sách nhà nước cũng giảm được gánh nặng khi không còn phải chi ngân sách thường xuyên cho các trường tự chủ. Đây là một trong những giải pháp góp phần vào sự thành công của xã hội, thay đổi cơ cấu từ chi thường xuyên sang tăng chi đầu tư.

Có thể nói, tự chủ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho nhà trường mà còn cho người học và cả nhà nước, xã hội.

Tự chủ nhưng không được tự quyết

Việc thực hiện tự chủ khiến các trường đại học thay đổi căn bản như vậy thì chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc?

- Bên cạnh những thành công, các trường đại học thực hiện tự chủ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tự chủ đại học là thay đổi một cách căn bản cơ chế quản lý nhà nước, quản trị của các trường và vận hành hệ thống. Mức độ tự chủ là giá trị của hàm số đa biến, gồm các biến "nội sinh" như: năng lực, sự trách nhiệm, sự đồng hành và các "biến ngoại sinh" như: cơ chế quản lý chi phối, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước; sự đồng thuận của và sự ủng hộ của xã hội.

Giá trị của hàm đa biến không phụ thuộc rất lớn dấu âm hay dương của hệ số các biến số. Nếu tất cả đều đồng thuận, thì dấu của hệ số các biến đều là dương thì giá trị của hàm sẽ tăng. Vấn đề hiện nay, các biến này chưa "cùng dấu", đang tạo ra các vectơ "lệch chiều" làm phân tán lực, cản trở sự tiến lên của các trường.

Sự lệch chiều trước hết thể hiện ngay ở các biến nội sinh khi tập thể trường chưa đồng thuận, chưa quyết tâm hành động theo phương châm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo và sự ủng hộ những đổi mới, thay đổi, trút bỏ các nếp quen của cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Các biến ngoại sinh đang là những vectơ đa hướng, tự nó đã cản trở triệt tiêu nhau do sự mâu thuẫn chồng chéo của hệ thống pháp luật điều tiết các lĩnh vực quản lý nhân sự, tài chính, tài sản không đồng nhất với các qui định pháp luật về tự chủ đại học.

Tự chủ về nhân sự là các trường được tự quyết định, nhưng trên thực tế, khi tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn phải theo cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá phân loại nhân sự của các trường vẫn phải tuân thủ các qui định về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá viên chức theo qui định chung như các đơn vị sự nghiệp không tự chủ. Các quyết định khai thác, cho thuê, kêu gọi hợp tác đầu tư liên quan đến tài sản đều phải xin phép.

Trường đại học là tài sản của xã hội

Vậy theo ông trong trường đại học Chủ tịch Hội đồng trường - Hiệu trưởng - Bí thư đảng ủy thì ai sẽ làm chủ nhà trường?

- Theo tôi, ta không nên tìm một cá nhân nào đó làm chủ của trường đại học.

Trường đại học không vì mục đích lợi nhuận thì dù là trường công hay tư cũng trở thành tài sản của xã hội, cộng đồng xã hội mới thực sự là người chủ của Trường đó. Giá trị, danh tiếng, uy tín của trường không phải chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên, sinh viên mà còn có cả cựu sinh viên - cũng coi trường này là một phần của họ. Bởi lẽ, danh tiếng của trường mà tăng lên, thì tấm bằng họ đạt được cũng mang lại cho họ danh giá hơn, và ngược lại. Vì vậy, không chỉ giảng viên, sinh viên mà những cựu học viên, gia đình của người học và người sử dụng lao động - là sản phẩm của trường tạo ra cũng phải quan tâm, có tiếng nói, coi trường như là một phần giá trị của mình.

Vì vậy, trường đại học là tài sản xã hội, do cộng đồng xã hội làm chủ và ý chí quyết định, không nên coi cá nhân người nào là người chủ. Do đó, trong một trường tự chủ, không nên quan niệm chủ tịch hay hiệu trưởng là người "to" nhất trường.

Mọi quyết định liên quan đến nhà trường đều phải phụ thuộc vào bên có liên quan. Hội đồng trường chính là người đại diện, tập hợp, lắng nghe các ý kiến, mong muốn, nguyện vọng, ý chí của tất cả các bên có liên quan để quyết định hướng đường hướng phát triển. Giám hiệu, là người triển khai, thực hiện các quyết định của hội đồng trường - chính là thực hiện theo các ý chí, nguyện vọng của các bên có liên quan.

Khi đó, hiệu trưởng trực tiếp thực hiện sẽ là người đại diện pháp luật, còn hội đồng trường là cơ quan quyết định chủ trương sẽ phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Bí thư đảng ủy - người thay mặt cho đảng ủy giữ vai trò lãnh đạo để hội đồng trường thực hiện đúng sứ mệnh là người đại diện và thể hiện ý chí nguyện vọng của các bên liên quan, đồng thời lãnh đạo ban giám hiệu thực thi có kết quả các quyết nghị của hội đồng trường theo đúng các qui định. Chúng ta phải hiểu cơ chế ở đây theo một sự phân công nhiệm vụ và phân định trách nhiệm.

Tài chính là vấn đề khó khăn và đau đầu nhất với các trường đại học thực hiện tự chủ khi nguồn thu từ học phí hiện nay quá thấp dựa theo quy định của nhà nước. Theo giáo sư vấn đề tự chủ tài chính có phải là rào cản lớn nhất của các trường đại học thực hiện tự chủ?

- "Có thực mới vực được đạo" - tài chính là điều kiện để biến các ý tưởng, ước mơ trở thành hiện thực. Nếu không tự chủ về tài chính thì tất cả các quyền tự chủ khác cũng không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu không có đủ năng lực để làm chủ chuyên môn và năng lực tổ chức, thì hoạt động của trường không thuyết phục được xã hội thừa nhận thì cũng chẳng thể có tiền mà tự chủ.

Do vậy, điều quan trọng nhất là năng lực tự chủ và cơ chế cho phép tự chủ toàn diện. Vấn đề đặt ra là cần tạo điều kiện để nhà trường thể hiện năng lực ấy, tháo gỡ các nút thắt, gỡ bỏ các rào cản rào cản kìm hãm quá trình tự chủ.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!