Hai bộ sách giáo khoa "biến mất": Giáo viên mất công, chủ biên "kêu trời"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Do không "hợp nhất" được 4 bộ sách giáo khoa (SGK) thành 2, nên NXB Giáo dục Việt Nam đã xóa bỏ 2 bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng trong giáo dục" trong năm học tới.

"hợp nhất" là chưa hiểu hết về khoa học sách giáo khoa

Theo quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký ngày 9/2/2021, chỉ còn ba bộ sách: "Cánh Diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" được phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022.

Ở lớp 2, lớp 6 sẽ không còn 2 bộ sách: "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".

Như vậy, từ 4 bộ sách giáo khoa gồm: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Cùng học để phát triển năng lực", "Chân trời sáng tạo", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", NXB Giáo dục Việt Nam hợp nhất còn 2 bộ là "Chân trời sáng tạo" và "Kết nối tri thức với cuộc sống".

GS.TS. NGƯT. Đỗ Thanh Bình, Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử - trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ biên SGK Lịch sử lớp 6 (Bộ "Cùng học để phát triển năng lực") cho biết, nhóm tác giả mất gần một năm để biên soạn bộ SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 để chuẩn bị cho Chương trình phổ thông mới.

"Đến giữa tháng 7/2020, chúng tôi đột ngột được NXB thông báo bộ sách này sẽ hợp nhất với bộ khác mà không biết lý do.

Sau này, khi đại diện NXB Giáo dục Việt Nam phát biểu trên báo chí, chúng tôi mới thấy lý do hợp nhất là để 'tập trung nguồn lực đầu tư cho chất lượng'", GS Bình cho biết.

Hai bộ sách giáo khoa biến mất: Giáo viên mất công, chủ biên kêu trời - 1

Chuyên gia cho rằng, mỗi bộ SGK có cách thể hiện, tiếp cận, cách viết và cấu trúc khác nhau. (Ảnh: Mỹ Hà). 

Cũng theo nhà giáo này, mặc dù điểm chung của các cuốn sách đều tiến tới việc đổi mới. Tuy nhiên, về mặt khoa học, theo GS Đỗ Thanh Bình, các bộ SGK không thể "sáp nhập" bởi mỗi bộ SGK có cách thể hiện, tiếp cận, cách viết và cấu trúc khác nhau.

"Chẳng hạn ở cuốn SGK Lịch sử của tôi, có bài học chúng tôi chia thành 2 tiết nhưng ở bộ SGK kia, họ chỉ học một tiết.

Về thời lượng khác đã đành nhưng về mặt khoa học, mỗi tiết học của chúng tôi có mô hình và cấu trúc khác nhau nên việc "hợp nhất" SGK chưa đúng về khoa học.

Nếu sáp nhập đúng khoa học, các chuyên gia phải "đập ra làm lại" và rất mất thời gian, ít nhất khoảng một năm mới hoàn thành.

Do không làm được như vậy nên NXB Giáo dục Việt Nam đã xóa bỏ hai bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng trong giáo dục", GS Bình bức xúc nói.

Chuyên gia Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, mặc dù các bộ SGK có điểm chung là đổi mới giáo dục nhưng ở cả 5 bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt chính thức đưa vào nhà trường giảng dạy cho học sinh lớp 1 có những cách tiếp cận riêng và khác nhau.

Do đó, không thể hợp nhất các bộ SGK này với nhau một cách cơ học.

"Thực tế khi xem xét các bộ SGK, có thể thấy cách tiếp cận khoa học và phương pháp sư phạm có quan điểm khác nhau ở mỗi nhóm tác giả trong từng bộ SGK.

Không thể cắt đứt đoạn các mạch kiến thức, mạch phương pháp và cả cách đánh giá học sinh ở lớp 1 ra khỏi cấu trúc chung cả bộ SGK của giáo dục tiểu học.

Nếu nói hợp nhất sách, hợp nhất các nhóm tác giả là ảnh hướng tới việc dạy học và quá trình đổi mới giáo dục, không hiểu hết về khoa học SGK", chuyên gia Đặng Tự Ân cho biết.

Giáo viên vẫn là những người bối rối và lo lắng nhất

TS Vũ Thu Hương, nguyên giáo viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, giáo viên vẫn là những người sẽ bối rối và lo lắng nhất.

Cả năm qua, giáo viên đã tập huấn và làm quen với hai bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng trong giáo dục".

Nếu năm nay địa phương nào không tiếp tục chọn lựa hai bộ sách này, đồng nghĩa với việc giáo viên phải tập huấn lại để dạy bộ SGK khác.

Hai bộ sách giáo khoa biến mất: Giáo viên mất công, chủ biên kêu trời - 2

Giáo viên sẽ rất bối rối trong việc làm quen với bộ SGK khác từ đầu. (Ảnh: Mỹ Hà). 

"Dù có chung chương trình nhưng mỗi cuốn sách vẫn có độ chênh về nội dung, dù không nhiều. Cả năm qua, giáo viên ở các địa phương đã rất nỗ lực để tập huấn, dạy học, làm quen với hai bộ sách. May mắn một số địa phương cho biết sẽ vẫn dùng lại SGK lớp 1 cũ nhưng nhiều trường, sẽ chọn lại sách khác để liên thông tốt hơn với các lớp trên. Như vậy, ngoài việc tập huấn lại, giáo viên sẽ rất bối rối trong việc làm quen với bộ SGK khác từ đầu, phải tìm ra cách bù lấp chỗ chênh về nội dung", TS Thu Hương nói.

Cũng theo TS Hương, hiện giáo viên quá bận với các công việc dạy học sinh và sổ sách, thi đua nên thêm việc sẽ khiến họ rất vất vả nếu không nói là quá tải.

Thứ hai về học sinh, TS Hương cho rằng về lý thuyết, SGK chỉ là tài liệu nhưng mỗi bộ SGK có cách tiếp cận riêng.

Nếu được học theo mạch của một bộ sách từ lớp 1 trở lên, sẽ dễ hơn cho các con, không bị hụt hẫng.

Thầy Nguyễn Xuân Khang,  Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, mặc dù có sự giải thích của NXB Giáo dục Việt Nam nhưng giáo viên và phụ huynh vẫn còn rất nhiều băn khoăn.

Đành rằng cả 5 bộ SGK lớp 1 được viết theo một chương trình thống nhất (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), nhưng các bộ SGK đó chắc chắn khác nhau, từ giá tiền, cách in ấn, đến cơ bản nhất là cách tiếp cận chương trình; ở phong cách và ngữ liệu của từng nhóm tác giả. Chính sự khác nhau cơ bản này tạo nên sức thu hút của từng bộ sách.

Năm học 2020-2021, khi các trường được giao quyền chọn SGK lớp 1, giáo viên đã bỏ rất nhiều thời gian để đọc, thảo luận... và chọn ra những cuốn SGK thích hợp cho trường.

Đặc biệt, nó gây lo lắng cho các nhà trường khi chọn các bộ sách kế tiếp ở các lớp 3,4,5,7,8,9 sắp tới.