Học sinh giỏi ngủ quên bị 0 điểm: Thay vì trách móc nên nghĩ đến bài học!

Mai Châm

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN) cho rằng, sự việc đã xảy ra, thay vì phân tích để trách móc các bên thì nên nghĩ đến những bài học.

"Không thể lấy cái tình để làm sai cái lý"

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội chia sẻ rằng, với kinh nghiệm nhiều năm làm giám thị coi thi các cuộc thi từ cấp trường cho tới cấp quốc gia, thầy đánh giá tình huống thí sinh ngủ trong giờ làm bài thi là không phải hiếm gặp.

"Nhiều năm làm giám thị coi thi, tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp thí sinh ngủ (chủ động) trong giờ thi. Với những môn học "dưới sức" của thí sinh, nhiều em hoàn thành bài thi rất nhanh, thừa nhiều thời gian rảnh lại chẳng thể nói chuyện hay làm việc riêng nên các em gục xuống bàn ngủ. Đặc biệt là thời kỳ còn tổ chức thi tốt nghiệp và thi đại học riêng, độ khó của đề thi tốt nghiệp là vừa phải, các bạn học sinh giỏi chỉ mất 10-15 phút làm xong bài thi, nên nhiều thí sinh ngủ gục.

Với kỳ thi tốt nghiệp hiện nay, ở những môn thi làm điều kiện tốt nghiệp, nhiều thí sinh vẫn ngủ trong giờ làm bài. Trong phòng thi có thể xuất hiện vài bạn ngủ. Khi xảy ra hiện tượng này, có giám thị giục thí sinh thức dậy, có giám thị thì không", thầy Tùng cho hay.

Học sinh giỏi ngủ quên bị 0 điểm: Thay vì trách móc nên nghĩ đến bài học! - 1

Thí sinh được điểm cao khối A0 nhưng trượt tốt nghiệp vì điểm 0 môn Tiếng Anh.

Về phía thầy Tùng, nếu gặp trường hợp thí sinh ngủ thầy sẽ tìm cách nhắc nhở phù hợp với quy chế. "Kể cả làm bài kiểm tra ở trường tôi cũng không cho học sinh ngủ, chứ không nói tới đi thi một kỳ thi quan trọng như thế này", thầy nói.

Theo nhìn nhận của thầy Tùng, các giám thị đã làm đúng quy chế. Điều này cũng đã được kết luận trong Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau.

Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, trong cuộc sống còn có rất nhiều trường hợp đáng tiếc nữa chứ không phải chỉ mỗi trường hợp này.

Thầy Tùng thẳng thắn: "Thí sinh cũng đã 18 tuổi, cần phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Tôi không đồng tình với quan điểm đặc cách cho thí sinh này đỗ tốt nghiệp.

Biết rằng trong vụ việc có nhiều tiếc nuối, về tình không ai nỡ. Tuy vậy, không thể lấy cái tình để làm sai cái lý. Đó là quan điểm của tôi, mặc dù tôi biết rằng cộng đồng mạng mấy ngày hôm nay có khá nhiều ý kiến ủng hộ đặc cách cho thí sinh này. Thế nhưng công cuộc tổ chức thi sẽ còn diễn ra thường niên, cho nên chúng ta không nên tạo ra một tiền lệ xấu".

"Đây cũng là một sự việc cần rút kinh nghiệm cho ngành giáo dục. Tuy vậy, chỉ nên rút kinh nghiệm bằng cách nhắc nhở nhau, vì giám thị không làm sai. Việc chịu áp lực từ cộng đồng mạng và phải báo cáo dù đúng cũng tác động tới tâm lý của những người làm công tác coi thi. Chúng ta cần tuân thủ quy chế cũng như luật pháp nói chung, không thể bị dư luận tác động. Tất nhiên những gì dư luận nói cần phải lắng nghe, nhưng đúng - sai cần phải theo quy định, theo luật. Cần phải tuân thủ "cái lý", thầy giáo ở Hà Nội kết luận.

Không đồng tình với việc đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh

Học sinh giỏi ngủ quên bị 0 điểm: Thay vì trách móc nên nghĩ đến bài học! - 2

Câu chuyện thí sinh ngủ quên đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. (Ảnh minh họa)

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh phân tích sự việc trên những khía cạnh khác nhau.

Thầy nói: "Đầu tiên, chúng ta cần nhìn nhận lại sự chuẩn bị của nhà trường, thầy cô cho học sinh khi bước vào một kỳ thi quan trọng. Những kỹ năng cần thiết để các em làm bài thi tốt nhất lẽ ra phải được nhà trường tập dượt, chuẩn bị thật tốt trong năm học lớp 12, bằng những cuộc kiểm tra, thi thử…

Thầy cô cũng cần truyền đạt về tâm lý, kinh nghiệm đi thi cho học trò. Cụ thể, trong trường hợp của học trò này, bạn còn chưa tô một đáp án nào trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Tức là kỹ năng làm bài trắc nghiệm ở trong tình huống này cũng là một vấn đề cần phải bàn đến, vì ai cũng có thể hoàn thành bài thi trắc nghiệm (dù đúng dù sai) trong khoảng vài phút. Không thể để trắng bài thi, đây là điều giáo viên nào cũng cần nhắc nhở học sinh trước khi đi thi.

Thứ hai, vấn đề sức khỏe của học trò cũng cần phải được thầy cô tập huấn để các em có được thể trạng tốt nhất khi đi thi. Thí sinh cần phải rút kinh nghiệm về những kỹ năng này.

Bên cạnh đó, người thầy cũng cần phải "thổi" vào trong học sinh khát vọng khi đi thi, đó là khát vọng vượt qua chính mình, đáp ứng với yêu cầu của một kỳ thi".

Về vấn đề cán bộ coi thi, thầy Cường cho rằng họ đã làm đúng quy chế. Học sinh ngủ gục ở trong phòng thi, cán bộ coi thi không thể biết được thí sinh đang suy nghĩ gì, họ có thể coi đó là phản ứng cá nhân của thí sinh.

"Cán bộ coi thi không được phép động viên thí sinh cố lên, hay quan tâm tới chất lượng bài thi của thí sinh. Đó là về lý thuyết. Tuy nhiên, xét trên một góc độ khác, cán bộ coi thi có thể xử lý tình huống theo cách hỏi thí sinh về tình trạng sức khỏe. Đây là kinh nghiệm của những cán bộ coi thi lâu năm.

Trong trường hợp thí sinh có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cán bộ coi thi sẽ phải báo với cán bộ coi thi hành lang và lãnh đạo điểm thi để có biện pháp y tế giúp đỡ thí sinh. Đây cũng chính là một kỹ thuật để gọi/nhắc thí sinh về vấn đề sức khỏe, hoặc nói với thí sinh là còn bao nhiêu phút sẽ hết giờ làm bài, để thí sinh biết rằng có nên tô vào phiếu trắc nghiệm hay không", thầy Cường chia sẻ.

Tiếc nuối cho sự nhỡ nhàng đường học vấn của học trò, thầy Cường nói: "Tôi rất trách thí sinh đã không có chiến lược làm bài hợp lý. Bạn đã 18 tuổi chứ không phải một học trò còn non nớt, vậy mà bạn không chuẩn bị một chiến lược làm bài hợp lý, tạo sự an toàn cho bản thân.

Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình với việc đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh. Đã là quy chế phải đảm bảo tính công bằng".

Chuyện đã xảy ra, quan trọng là bài học

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự việc đã xảy ra, thay vì phân tích để trách móc các bên thì nên nghĩ đến những bài học.

"Chúng ta sẽ phải làm tốt hơn việc thay đổi tâm lý đánh giá thành công hay thất bại của một cá nhân bằng điểm số của một kỳ thi; thay đổi cách nhìn về thất bại như một cơ hội để học hỏi và phát triển; thay đổi thói quen học nhồi nhét chỉ để đối phó với những kỳ thi áp lực…

Chúng ta cũng sẽ phải làm tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, cần hỗ trợ và chuẩn bị cho con những kỹ năng học tập hiệu quả trước kỳ thi qua các diễn đàn cộng đồng, các hoạt động theo định hướng từ nhà trường và gia đình", PGS Trần Thanh Nam nói.

PGS Trần Thành Nam nhận thấy, những giám thị, những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, làm những công việc có trách nhiệm cao, việc nhiều áp lực. Điều này có thể đẩy cá nhân vào tình huống ứng xử thiếu trách nhiệm cần luôn tự nhắc nhở mình rằng tự chăm sóc bản thân là điều cần thiết vì sự phát triển nghề nghiệp bền vững và luôn lưu ý về những khoảng thời gian kiệt quệ về cảm xúc, giảm sút sự nhạy cảm, mất tập trung chú ý làm tăng nguy cơ mắc lỗi.

"Do vậy, chúng ta cũng cần đưa vào quy trình và nội dung tập huấn những nguyên tắc đạo đức của người tham gia tổ chức kỳ thi, cần phải luôn ứng xử với sự nỗ lực mang tính xây dựng để bảo vệ học sinh khỏi các điều kiện bất lợi trong cơ hội học tập, sức khỏe và an toàn. Tìm cách giải quyết vấn đề trên cơ sở cân nhắc thận trọng trên tinh thần thiện tâm và không gây hại khi phải giải quyết các tình huống lưỡng nan có sự mâu thuẫn giữa việc duy trì nghiêm nội quy kỷ luật và tính nhân văn.

Ví dụ trong trường hợp cụ thể này, mặc dù giám thị không thể để cho thí sinh tiếp tục viết vào bài sau khi đã hết thời gian nhưng có thể viết bản tường trình, nộp bài thi cùng minh chứng giấy nháp điền sẵn các đáp án để báo với cấp trên để giải quyết vì quyền lợi tốt nhất của các em trong khả năng có thế.

Và cuối cùng, nhân vụ việc một học sinh bị mất điểm này, tôi kỳ vọng ngành giáo dục có thể tận dụng cơ hội này để ghi điểm bằng cách lựa chọn một cách ứng xử thể hiện đúng tinh thần nhân văn của một nền giáo dục vì người học, tập trung vào người học trong thời gian tới", ông Trần Thành Nam nói.