Học trò vùng cao không biết... rét?

(Dân trí) - Hôm nay, buổi học cuối cùng để nghỉ Tết, cu Thắng (trường Tiểu học Thái Thịnh) nhất định bắt mẹ phải dẫn đến trường vì cu cậu đã nghỉ học suốt hai tuần nay nên nhớ lắm. Cũng như nhiều trường tiểu học khác ở Hà Nội, Thái Thịnh đang phải “đóng cửa” vì rét.

Chiều con, nên từ sáng sớm nay, chị Thu đã dậy sớm nấu cơm và nai nịt quần áo gọn gàng để đưa con đến lớp. Bị nhốt trong nhà gần 20 ngày, giờ lại được đeo balô đến trường, em tung tăng vừa đi vừa líu lo hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con nghỉ học lâu thế, cô giáo có nhớ con không? Các bạn có nhớ con không?”...

Nhưng, niềm vui của cu Thắng đã sớm vụt tắt khi cổng trường của em vẫn đóng khoá im ỉm và có thông báo nghỉ Tết cho học sinh luôn đến 14/2. Chị Thu trách con: “Mẹ đã nói mà con không nghe!” Định trách thêm nhưng thấy thằng bé đã mếu máo và chực nước mắt lưng tròng nên chị đành thôi.

Dọc đường về, cu Thắng cứ vừa đi vừa hỏi mẹ: “Vậy cô giáo không “thèm” con nữa hả mẹ? Mẹ ơi, sao con xem trên tivi, rét hơn Hà Nội mà các bạn ở nơi khác vẫn đi học đấy thôi mà tại sao con lại không được đi học?”.

Chị Thu cũng đem câu hỏi này của con để hỏi chúng tôi: “Tôi xem tivi thấy họ đưa có những địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, rét 5-7 độ đến rơi tuyết mà học sinh tiểu học, mầm non vẫn đi học, mà sao ở Hà Nội khi mới chỉ trên dưới 10 độ mà các trường đã đồng loạt nghỉ thế nhỉ?”

Để trả lời câu hỏi này của chị, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội từ 10 độ C trở xuống; Học sinh THCS được nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 7 độ C trở xuống. Sở dĩ phải có quy định như vậy là để đảm bảo sức khoẻ cho các em.

Nhưng vậy tại sao những vùng cao không cho học sinh nghỉ học? Ông Trương Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết những ngày qua, học sinh của tỉnh vẫn đi học bình thường. Sở GD-ĐT chưa phải ra thông báo để lưu ý học sinh nghỉ học dù nhiệt độ đã xuống dưới 5 độ C.

Nếu theo nền nhiệt độ Bộ GD-ĐT quy định thì học sinh Lào Cai có khi phải nghỉ học thường xuyên. Do đó, chỉ vùng nào nhiệt độ xuống dưới 5 độ như Ô Quế Hà (Sa Pa), Ý Tý (Bát Xát) học sinh mới không phải tới trường. Nhiệt độ không xuống quá thấp thì các trường, điểm trường không cho học sinh nghỉ học vì nếu cho phép, các em sẽ... nghỉ học luôn!

Và trong khi Hà Nội đang tìm nhưng giải pháp cho việc dạy đuổi cho học sinh khi các em đang phải nghỉ học quá dài thì học sinh vùng cao vẫn phải đều đặn ngày hai buổi đến trường.

Sự khác biệt của trẻ em vùng núi, nông thôn và thành thị trong tiết trời giá rét này một lần nữa lại thể hiện càng rõ rệt. Trẻ em miền núi mong được nghỉ học, còn trẻ em thành thị thì lại mong được đến trường.
 
Về sự sắm sanh quần áo để chống chọi với giá rét, chắc chắn, học sinh quê cũng không thể so bì được với học sinh thành thị. Những đứa trẻ nông thôn, miền núi, chúng tới trường mà nhiều em trong số đó chỉ với quần cộc, chân trần tím tái trong giá rét và học giữa những căn phòng bốn bề lộng gió...

Còn những đứa trẻ thành phố được bao bọc, ấp ủ trong một đống quần áo ấm chỉ hở mỗi hai đôi mắt, nếu đến trường thì chúng cũng sẽ ngồi trong những căn phòng ấm áp mà gió lạnh chỉ còn biết “khóc” bên ngoài...

Nhưng, dù vậy thì học sinh thành thị vẫn được nghỉ còn học sinh miền xa vẫn phải tới trường, vì chính sự học của các em và cũng chính vì mục tiêu đảm bảo tiến độ phổ cập tiểu học và THCS của ngành giáo dục.

“Nhiệm vụ” nặng nề như vậy, trẻ em vùng núi, nông thôn cũng đành phải không biết rét!

Mai Minh