Hội đồng Giáo sư Nhà nước: Sẽ xem xét ứng viên về tiêu chuẩn thâm niên

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng bài: Ứng viên giáo sư, phó giáo sư "không kịp trở tay" vì quy định mới của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, lãnh đạo Hội đã lên tiếng giải thích về vấn đề này.

Ngày 15/9/2020 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đã có công văn số 155/HĐGSNN gửi các Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành về thống nhất thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS năm 2020.

Tuy nhiên, một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư thất vọng cho rằng, Hội đồng GSNN đưa ra thêm tiêu chí cứng ở thời điểm ứng viên đã qua vòng cơ sở và đến vòng Hội đồng ngành, liên ngành khiến họ “trở tay không kịp” và có thể bị loại mà không được biết trước.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước về vấn đề này.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước: Sẽ xem xét ứng viên về tiêu chuẩn thâm niên - 1

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Hội đồng đánh giá ứng viên công bằng và minh bạch hơn

Phóng viên: Thưa ông, vì sao Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) ra công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 với nhiều quy định cứng khiến nhiều ứng viên bất ngờ cho rằng quá muộn khi họ làm xong hồ sơ, qua Hội đồng Giáo sư cơ sở?

Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Anh Tuấn: Trước hết, tôi khẳng định, những vấn đề nêu trong công văn 155/HĐGSNN không phải là những quy định mới gây bất ngờ cho ứng viên như báo chí đã nêu.

Trên cơ sở thống kê các vấn đề còn tồn tại, phát sinh trong quá trình xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019 cũng như trong quá trình xét tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở (HĐGS cơ sở) năm 2020, Văn phòng HĐGSNN đã dự thảo Danh mục những vấn đề để thống nhất thực hiện tại các HĐGS ngành/liên ngành năm 2020 trình Kỳ họp thứ V HĐGSNN để trao đổi, thảo luận và thống nhất các vấn đề  nêu trong dự thảo.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận và thống nhất của các thành viên HĐGSNN tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ tịch HĐGSNN đã giao cho Văn phòng Hội đồng tiếp thu, hoàn chỉnh, trình lấy ý kiến các Phó Chủ tịch Hội đồng để Chủ tịch xem xét quyết định.

Như vậy, những nội dung trong Danh mục ban hành có sự chuẩn bị kỹ với sự thống nhất của tập thể HĐGSNN, tất cả các nội dung này không phải là quy định mới mà chỉ nhắc lại và làm rõ hơn những điều đã thực hiện.

Bên cạnh đó, có nhiều nội dung đã được thể hiện trong các biểu mẫu sửa đổi bổ sung của Phụ lục II QĐ 37 ban hành theo thẩm quyền của HĐGSNN  (Công văn số 78) và đã được Văn phòng HĐGSNN phổ biến trong Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc cho ứng viên, HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát và thẩm định các hồ sơ, kết quả xét tại các HĐGS cơ sở Thường trực  HĐGSNN thấy cần phải ban hành văn bản này để 28 HĐGS ngành, liên ngành thống nhất thực hiện.

Cho đến nay, các HĐGS ngành, liên ngành đang tiến hành họp, Văn phòng HĐGSNN nhận được sự đồng tình của các HĐGS ngành, liên ngành, đã giúp cho các Hội đồng đánh giá ứng viên rõ hơn, công bằng và minh bạch hơn.

Sẽ xem xét trường hợp đặc biệt

Phóng viên: Vậy với những ứng viên giáo sư, phó giáo sư sẽ thiếu quy định về thâm niên mà quy định 155 áp dụng thì Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ xử lý như thế nào?

Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Anh Tuấn: Vừa qua chúng tôi có nhận được ý kiến phản ánh của một số bài báo liên quan đến quy định về thâm niên của ứng viên trong mục 1 và mục 2 trong công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020.

Trước hết, Văn phòng HĐGSNN khẳng định đây là các quy định đã cụ thể quy định về thâm niên của ứng viên tại Khoản 2, Điều 5 (đối với ứng viên GS) và tại Khoản 3, Điều 6 (đối với ứng viên PGS); việc thực hiện phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1, Điều 3 về thực hiện nhiệm vụ của giảng viên và Điều 4 về tiêu chuẩn chung của chức danh GS, PGS.

Trong mục 1, 2 công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 yêu cầu ứng viên phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy 2/3 số thâm niên quy định tài khoản 2, Điều 5 và khoản 3, Điều 6 của Quyết định 37.

Đây là quy định thể hiện GS, PGS là chức danh của Nhà giáo trong trường đại học, nhiệm vụ đào tạo là nhiệm vụ chính, trọng tâm của giảng viên đại học.

Các quy định về thâm niên đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các giảng viên, các nhà quản lý giáo dục, các thành viên HĐGS các cấp và từ thực tế các đợt xét 2019 và tại HĐGS cơ sở năm 2020.

Quy định này là theo yêu cầu chung chất lượng đội ngũ GS, PGS ngày càng nâng cao và không nên thấp hơn các quy định trước đó.

Do vậy các ứng viên cần nhận thức rõ về trách nhiệm nhà giáo của mình để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đào tạo đại học.

Còn nếu ứng viên nào thực sự xuất sắc có nhiều cống hiến cho khoa học thì trong quy định của Quyết định 37 đã có xét trường hợp đặc biệt (năm 2019 có một ứng viên GS đăng ký và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS), thì hãy đăng ký theo trường hợp đặc biệt.

Nếu ứng viên chưa đáp ứng về các tiêu chuẩn cứng thì hãy tiếp tục phấn đấu để đạt được.

Các quy định này đã được  phổ biến trong Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc năm 2020 trước khi ứng viên nộp hồ sơ.

Vẫn để "lọt" về tiêu chuẩn thâm niên

Phóng viên: Thưa ông, qua rà soát hồ sơ của ứng viên, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã phát hiện được những sai sót gì?

Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Anh Tuấn: Qua rà soát hồ sơ, Văn phòng HĐGSNN nhận thấy phần lớn các ứng viên và HĐGSCS đã thực hiện theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn để lọt về tiêu chuẩn thâm niên cần được xem xét.

Trong cuộc họp HĐGSNN vừa qua của Chủ tịch HĐGSNN đã yêu cầu các HĐGS ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên đảm bảo cơ sở khoa học, tính pháp lý, công tâm minh bạch, khách quan, đánh giá đúng thực chất, năng lực của ứng viên.

Những trường hợp nào có vấn đề còn chưa rõ đề nghị Hội đồng trao đổi dân chủ với ứng viên, sau đó quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của Hội đồng.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Văn phòng HĐGSNN tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc theo hình thức trực tuyến, có thể vì lý do nào đấy có ứng viên, thành viên HĐGSCS không tham dự, cho nên chưa nắm rõ các quy định.

Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các chuyên viên được phân công giám sát các HĐGS ngành/liên ngành về những trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn về thâm niên mà Hội đồng cơ sở ngành khi xem xét còn chưa thống nhất phải báo cáo cho Hội đồng để có ý kiến với Hội đồng GS ngành xử lý cụ thể, thấu tình, đạt lý.

Cho đến nay, Văn phòng Hội đồng GSNN thấy mọi việc xét nói chung liên quan đến thâm niên của ứng viên đều thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐGSNN tại cuộc họp lần thứ V.

Sau ngày 20/10, Văn phòng Hội đồng GSNN sẽ thông báo về những trường hợp ứng viên bị loại không được đưa vào diện xét bù điểm do không đạt quy định về thâm niên mà các HĐGS ngành xem xét.

Các trường hợp này chúng tôi sẽ thông báo cho các HĐGSCS có ứng viên kiểm điểm và báo cáo Thường trực Hội đồng GSNN.

Xin trân trọng cám ơn ông!