Khi việc học khổ trăm bề…

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Nhìn cái ngáp ngắn ngáp dài của con khi giờ học này kết thúc thì giờ học khác lại chen vào ken đặc như thế, tôi thấy thương nhưng chẳng thể làm gì khác.

Khi việc học khổ trăm bề… - 1

Trẻ căng thẳng do áp lực học tập (Ảnh: Blessy software Solution).

Còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm học, thời điểm chạy nước rút cho các kỳ thi lớn: thi cuối năm, thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT… bọn trẻ quanh tôi lao vào ôn bài, luyện tập, học tăng cường và tôi bắt gặp không ít gương mặt mệt mỏi, bơ phờ vì học và thi.

Cậu học trò lớp 9 mà tôi đang kèm cặp học ở trường điểm, giờ đang oằn mình ôn luyện cho kỳ thi lớp 10 nhắm vào trường chất lượng cao của tỉnh. Dù sức học của con thuộc loại khá nhưng để chen chân giành vé vào ngôi trường danh tiếng ấy, con phải nỗ lực gấp bội phần so với các bạn đã có sẵn nền tảng kiến thức vững vàng.

Đang học ngữ văn cùng tôi lúc 3 giờ, con uể oải kể sau giờ học thêm với tôi, con còn hai ca học thêm nữa đến tận 9 giờ tối mới về nhà, trong khi đó cả buổi sáng con đã miệt mài học trên lớp. Vậy là có một cậu bé đã bị bủa vây trong việc học suốt từ sáng đến tận tối muộn. Việc ăn qua loa, ngủ gà gật là chuyện thường, huống hồ gì là việc giải trí, thư giãn, chơi đùa lại càng xa vời.

Con nhiều lần ca thán về việc học "khổ trăm bề". Nhìn cái ngáp ngắn ngáp dài của con khi giờ học này kết thúc thì giờ học khác lại chen vào ken đặc như thế, tôi thấy thương nhưng chẳng thể làm gì khác. Góp ý với mẹ cháu, tôi đã từng nhưng chỉ nhận được sự phân bua rằng con phải cố gắng vào ngôi trường ấy vì chỉ có như vậy, cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng và tương lai sau này mới rộng mở.

Có lẽ từng thất bại trong kế hoạch định hướng trường cấp ba đối với con gái đầu lòng nên bây giờ mẹ cháu càng quyết tâm, kiên định với lịch học dày đặc của con trai. Con gái chị đã từng học rất giỏi, kỳ thi năm ấy do sơ suất nên rớt xuống trường top 2 của thành phố và giấc mơ vào ngôi trường đứng đầu mảnh đất học này giờ dồn tất cả vào cậu con trai. Chỉ tội cho một đứa trẻ oằn mình gánh kỳ vọng của mẹ cha, học đến mụ mị cả người.

Có bao nhiêu đứa trẻ đang gánh giấc mơ của mẹ cha trên vai mà học, học và học như thế? Có lẽ đáp án là một con số không hề nhỏ. Lẽ tất nhiên phụ huynh nào cũng lý giải cho việc ép con học, sắp xếp thời khóa biểu dày đặc là muốn con tạo dựng tiền đề vững chắc cho tương lai. Nhưng dường như lý do muôn thuở ấy đang khiến bọn trẻ rơi vào vòng xoáy của điểm số, thành tích, thi cử và chọn trường.

Trẻ tiểu học phải giỏi, giỏi tròn trịa mười điểm cho các môn thi mới vừa lòng mẹ cha, chứ điểm 9 vẫn còn nhăn mặt, bĩu môi và chất vấn.

Trẻ cấp hai, cấp ba phải đạt danh hiệu giỏi xuất sắc, giỏi toàn diện, phải giành giải này giải kia trong các cuộc thi để cộng thêm điểm xét tuyển vào các trường.

Trường top đầu luôn là đích đến, bằng mọi giá phải vào trường chuyên lớp chọn, có như thế bố mẹ mới hỉ hả mừng vui…

Cảnh học hành đầy bi hài trong bức tranh gia đình hiện đại dường như ngày càng nhan nhản. Chương trình học tập và thi cử vốn đã nặng nề, dưới sự kỳ vọng và sức ép của phụ huynh lại càng nhân lên khối áp lực khổng lồ khiến bọn trẻ khó có thể tìm thấy niềm vui trong học hành.

Học để tương lai con được hạnh phúc nhưng mỗi phút giây trong hiện tại con trẻ lại chẳng tìm thấy niềm vui mỗi khi khám phá tri thức, tích lũy kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn. Chúng ta cứ chăm chăm nhìn về đích đến mà bỏ quên quá trình đi đến đích như thế kia ư? Xin đừng để bọn trẻ ca thán "việc học khổ trăm bề"!

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!